Ngày 7.9 hàng năm là Ngày Quốc tế Không khí sạch cho bầu trời xanh, ghi nhận tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy cải thiện chất lượng không khí.

Nâng cao nhận thức, thúc đẩy cải thiện chất lượng không khí

Thu Anh | 07/09/2021, 12:32

Ngày 7.9 hàng năm là Ngày Quốc tế Không khí sạch cho bầu trời xanh, ghi nhận tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy cải thiện chất lượng không khí.

Năm 2021, Ngày Quốc tế Không khí sạch vì bầu trời xanh có chủ đề “Healthy Air, Healthy Planet” (Không khí trong lành, Hành tinh khỏe mạnh), nhấn mạnh tới tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe của cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Gánh nặng từ ô nhiễm không khí

Theo Dự án Chung tay vì không khí sạch, được thực hiện bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), bản đồ ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 tại Hà Nội đã được xây dựng và chỉ rõ mức ô nhiễm tại các quận huyện và sự biến động ô nhiễm theo thời gian.

Cụ thể, trong năm 2019, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm của các quận, huyện và thị xã nằm trong khoảng 28,2 - 40,2 µg/m³, vượt mức quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013 (25 µg/m³).

Các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng có nồng độ bụi PM2.5 cao nhất. Trong năm 2020, mặc dù đã có sự cải thiện nhưng nồng độ bụi trung bình năm ở đa số các quận/huyện vẫn vượt mức QCVN 05:2013.

nang-cao-nhan-thuc-thuc-day-cai-thien-chat-luong-khong-khi-2-.jpg
Ô nhiễm không khí là một trong 5 yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật - Ảnh: Internet

Trên toàn lãnh thổ Việt Nam, khu vực có ô nhiễm không khí do bụi mịn PM2.5 cao nhất không chỉ tại Hà Nội mà còn ở các tỉnh thành lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định.

Báo cáo về gánh nặng bệnh tật toàn cầu đã chỉ ra rằng ở Việt Nam, ô nhiễm không khí là một trong 5 yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, chỉ xếp sau cao huyết áp, hút thuốc, đái tháo đường và nguy cơ liên quan đến yếu tố dinh dưỡng.

Tại Hà Nội, các nghiên cứu gần đây nhất đều chỉ ra các nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí là hoạt động công nghiệp, giao thông, đốt rơm rạ, đun nấu (dân sinh và thương mại), đốt rác thải, bụi đường. Trong đó, ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 tại Hà Nội bị ảnh hưởng rất lớn từ nguồn bên ngoài.

Theo Báo cáo Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng tại các quận/huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020-2021 của Trường đại học Khoa học Tự nhiên, vụ Đông Xuân năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ đốt rơm rạ trung bình toàn thành phố tăng gấp đôi (từ 22% năm 2020 lên 43,2% năm 2021); khối lượng bụi PM2.5 phát thải tăng gấp 4 lần (tăng gần 1,5 nghìn tấn).

nang-cao-nhan-thuc-thuc-day-cai-thien-chat-luong-khong-khi.jpg
Ngày 7.9 hàng năm là Ngày Quốc tế Không khí sạch cho bầu trời xanh - Ảnh: Internet

Nhiều giải pháp được triển khai

Tuy nhiên, trong năm 2020-2021, các Huyện Sóc Sơn, Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh,... đã lập kế hoạch thúc đẩy các giải pháp truyền thông, xử lý và kiểm soát đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng.

Các giải pháp kỹ thuật được áp dụng, bao gồm sử dụng các loại chế phẩm vi sinh biến rơm rạ thành phân bón, thu cuốn rơm rạ để tiếp tục sử dụng vào các mục đích sản xuất nông nghiệp khác và thu gom rơm làm thức ăn cho cá, làm mái nhà, sân chơi…

Song song đó, Sở TN-MT phối hợp cùng Live & Learn và nhóm nghiên cứu Trường đại học Khoa học Tự nhiên thực hiện kiểm kê và xây dựng bản đồ tác động ô nhiễm không khí do đốt rơm rạ. Đây là dữ liệu khoa học giúp thành phố và các quận, huyện đánh giá việc triển khai kế hoạch và bám sát tình hình thực tế.

Từ đầu năm 2021, huyện Đông Anh đã phối hợp cùng Live & Learn và nhiều doanh nghiệp xử lý rác đã triển khai chương trình Giảm rác tại cộng đồng để giảm thiểu nguy cơ đốt rác tại địa phương.

Tính đến tháng 8.2021, chương trình được thí điểm triển khai tại 4 xã trên địa bàn huyện với các hoạt động phân loại và ủ rác hữu cơ. Kết quả kiểm kê rác với 54 hộ gia đình chỉ ra rằng sau khi phân loại và xử lý rác hữu cơ, khối lượng rác chuyển đến bãi chôn lấp giảm 50 - 70%.

Ngoài ra, trong năm 2020-2021, chương trình “Xe sạch, trời xanh: Đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy” đã được triển khai thí điểm tại TP.HCM và sẽ thực hiện tại Hà Nội và Đà Nẵng.

Tại TP.HCM, kết quả đo kiểm khí thải cho hơn 10.000 xe mô tô, xe gắn máy cho thấy hơn 50% các xe sử dụng từ 5 năm trở lên không đạt tiêu chuẩn khí thải (TCVN 6438-2018 mức 1 và mức 2). Trong đó, đối với xe mô tô, xe gắn máy 5 năm trở lên không đạt tiêu chuẩn khí thải, có 40% xe được cải thiện và đạt tiêu chuẩn sau khi bảo dưỡng xong.

Bài liên quan
Chất lượng môi trường không khí ở miền Bắc trong tháng 7 được cải thiện
Chất lượng môi trường không khí khu vực miền Bắc tháng 7.2021 được cải thiện hơn so với tháng 6.2021.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cao nhận thức, thúc đẩy cải thiện chất lượng không khí