Mới thoạt nghe thì điều này có vẻ là một sự nghịch lý lớn, khi mà năm 2016 lại chính là thời điểm mà xuất khẩu Việt Nam được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng nhanh sau khi một số hiệp định thương mại lớn và quan trọng như FTA Việt Nam-EU và FTA Việt Nam-Hàn Quốc bắt đầu có hiệu lực.
Nhưng trên thực tế, các hiệp định thương mại quan trọng như FTA hay kể cả là TPP luôn có một khoảng thời gian giãn cách nhất định để các quốc gia có sự điều chỉnh lại các yếu tố trong nền kinh tế của mình, thay vì ngay lập tức mở cửa tất cả các lĩnh vực được quy định. Chính vì thế, khi mà nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế các quốc gia mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại nói riêng đang ở trong tình trạng khó khăn trong năm 2016, thì việc xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ suy giảm trong năm 2016 là điều có thể dự đoán trước.
Quả thực, những dấu hiệu về một năm 2016 khó khăn cho xuất khẩu Việt Nam đã xuất hiện từ ngay tháng đầu năm của năm mới dương lịch. Cụ thể là, tính đến ngày 15.2.2016, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước chỉ đạt mức 17 tỉ USD, giảm tổng cộng 3,7 tỉ USD so với cùng kỳ của năm 2015.
Điều đáng chú ý nhất là, mức suy giảm tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong một tháng rưỡi đầu năm lại đang bao trùm lên hầu hết mọi ngành xuất khẩu, kể cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có mức tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2015. Cụ thể, 4 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có giá trị trên 1 tỉ USD bao gồm: điện thoại và linh kiện điện tử, dệt may, máy vi tính, và giày da đều có mức suy giảm tỷ trọng xuất khẩu đáng kể. Trong đó, nhóm điện thoại và linh kiện điện tử giảm khoảng 714 triệu USD giá trị xuất khẩu, dệt may giảm 446 triệu USD, máy vi tính giảm 314 triệu USD và da giày giảm 168 triệu USD.
Trên thực tế, điều này không có gì là bất ngờ nếu như chúng ta xét đến tình trạng nền kinh tế và tài chính thế giới đang rơi vào tình trạng trì trệ ở thời điểm hiện tại. Hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đang lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính cũng như tăng trưởng của nền kinh tế. Về lý thuyết, ở thời điểm hiện tại chỉ có Trung Quốc là đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm tăng trưởng và từ đó là giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa do mô hình tăng trưởng kinh tế của nước này đã đi vào giai đoạn cuối. Tuy nhiên, trên thực tế cơn địa chấn từ thị trường chứng khoán (TTCK) và tỷ giá đồng nội tệ của Trung Quốc lại đang đóng vai trò tác nhân lây lan chấn động sang các nền kinh tế lớn khác trong khu vực và trên thế giới.
Hiện tại, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc một cách đột ngột đang là một trong những lý do chủ đạo khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng trì trệ. Nhật Bản đã có quý đầu tiên suy giảm tăng trưởng sau hơn 2 năm tiến hành gói giải pháp cải tổ kinh tế Abenomics, TTCK nước này cũng rơi vào tình trạng “thị trường con gấu” và gần nhất ngân hàng trung ương nước này đã phải đưa lãi suất về mức âm để hy vọng kích thích tăng trưởng.
Điều tương tự cũng đang diễn ra ở Hàn Quốc, khi nước này đã có mức suy giảm xuất khẩu lên tới 18,5% trong tháng đầu năm 2016 còn đồng won thì đang ở mức tỷ giá thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Hai nền kinh tế thuộc hàng lớn nhất thế giới là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng rơi vào tình trạng tăng trưởng trì trệ. Mức tăng trưởng của hai nền kinh tế khổng lồ này trong quý IV.2015 đã sụt về mức đáng báo động, với Mỹ là 0,7% còn EU là 0,3%. Hiện EU vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ giảm phát, còn Mỹ thì đang lăm le phải đối mặt với nguy cơ này.
Vì thế, không khó hiểu khi xuất khẩu Việt Nam giảm gần 15% trong một tháng rưỡi đầu năm 2016. Suy giảm xuất khẩu đang là tình trạng chung của các quốc gia trên toàn cầu ở thời điểm hiện tại. Theo thống kê, trong tháng 1.2016, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm tổng cộng khoảng 11,2% so với cùng kỳ năm 2015, mức giảm của xuất khẩu Nhật Bản là 12,9%, mức giảm của Hàn Quốc lên tới 18,5%.
Việc hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới và châu Á cùng rơi vào tình trạng trì trệ đã tạo ra hiệu ứng dây chuyền có sức tác động rất mạnh tới xuất khẩu nói chung trên toàn cầu. Khi mà nền kinh tế khó khăn, người dân giảm mua sắm và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa giảm sút đáng kể, thì ngành xuất khẩu trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Năm 2016 vì thế có thể sẽ là một năm đầy gian khó cho ngành xuất khẩu trên toàn thế giới nói chung và ngành xuất khẩu của Việt Nam nói riêng. Nhất là khi mà ở thời điểm hiện tại, chưa ai dám chắc tình trạng trì trệ trong hệ thống tài chính và nền kinh tế của các cường quốc lớn nhất thế giới có thể khôi phục lại tình trạng ổn định. Thậm chí, tình hình trì trệ hiện nay trong nền kinh tế thế giới, nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, thì còn có thể kéo dài không dưới 1 năm và còn có thể diễn ra trong cả năm 2017.
Trên thực tế, theo giáo sư Joseph Stiglitz, người đã từng đoạt giải Nobel kinh tế, thì nền kinh tế thế giới đang trải qua giai đoạn thay đổi động lực tăng trưởng, từ chỗ dựa vào sự tăng trưởng nóng của Trung Quốc sang việc định hình các khu vực thương mại lớn nhờ các hiệp định như TPP. Quá trình này có thể kéo dài trong vài năm và có thể gây ra không ít đau đớn cho nền kinh tế thế giới nói chung, và cho các nền kinh tế có mức phụ thuộc lớn vào việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc.
Ngay cả đối với Việt Nam vốn là nước đã ký kết khá nhiều các hiệp định thương mại lớn, trong đó có một số hiệp định quan trọng sẽ có hiệu lực ngay trong năm 2016, thì nguy cơ suy giảm xuất khẩu trong năm 2016 vẫn nhiều khả năng sẽ xảy ra. Ngoài việc TPP có thể sẽ chưa được phê duyệt và đi vào hoạt động ngay trong năm 2016, thì các FTA quan trọng với Việt Nam sẽ có hiệu lực trong năm 2016 như FTA Việt Nam-EU hay FTA Việt Nam-Hàn Quốc không đem lại nhiều cơ hội thúc đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam ngay lập tức.
Trong đó, yếu tố được xem là then chốt nhất có thể thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam là lộ trình giảm thuế với các mặt hàng chủ lực lại diễn ra khá chậm chạp. Điển hình như thuế đánh vào hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường EU, hiện đang ở mức khá cao là 11,7%, và theo các quy định của FTA Việt Nam-EU thì phải mất tới 7 năm để mức thuế này giảm về 0%.
Điều tương tự cũng diễn ra trong FTA Việt Nam-Hàn Quốc. Ngoại trừ hàng dệt may Việt Nam là ngay lập tức được giảm mức thuế suất về 0% từ mức 8-13% trước đó, thì hầu hết các mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam cũng chưa có nhiều cơ hội tăng tỷ trọng vào thị trường Hàn Quốc ngay. Cụ thể là, các mặt hàng nông sản được xem là chủ lực nếu có thể gia nhập thị trường Hàn Quốc của Việt Nam như rau quả, tỏi, gừng, mật ong có lộ trình cắt giảm thuế khá dài, từ 10-15 năm.
Chẳng hạn như mặt hàng tỏi, quy định của FTA giữa hai nước sẽ cho phép Hàn Quốc cắt giảm mức thuế đánh vào mặt hàng này từ 360% xuống còn 0% trong 10 năm, trong đó những năm đầu tiên vẫn có mức thuế suất rất cao. Điều tương tự cũng diễn ra trong các lĩnh vực khác, như xuất khẩu thủy hải sản, theo đó mức thuế đánh vào tôm nhập khẩu của Việt Nam sẽ ngay lập tức xuống 0% nhưng chỉ trong hạn ngạch là 10.000 tấn/năm, và chỉ tăng 10% theo từng năm và sẽ giữ nguyên ở mức 15.000 tấn/năm sau năm thứ sáu.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, The Saigon Times, Bnews, Nhipcaudautu)