Về lâu dài, để cân đối mục tiêu tăng nguồn thu ngân sách để phục vụ phát triển, đồng thời thúc đẩy mạnh tăng trưởng của nền kinh tế ở thời điểm hiện tại, giải pháp chỉ có một...

Muốn tăng ngân sách, cần để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh

Một Thế Giới | 23/02/2016, 20:00

Về lâu dài, để cân đối mục tiêu tăng nguồn thu ngân sách để phục vụ phát triển, đồng thời thúc đẩy mạnh tăng trưởng của nền kinh tế ở thời điểm hiện tại, giải pháp chỉ có một...

Năm 2016 đang được kỳ vọng là thời điểm đem lại nhiều thuận lợi để nền kinh tế Việt Nam cất cánh. Tuy nhiên, để làm được điều này Việt Nam cần giải quyết 2 vấn đề quan trọng nhất: Thứ nhất là giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia do các khoản nợ và lãi suất được tích lũy trong nhiều năm qua, vốn đã gần chạm đến mức giới hạn là 65% GDP. Thứ hai là cần huy động được nhiều nguồn lực nhất có thể để đầu tư vào phát triển nền kinh tế trong giai đoạn then chốt này. 
Áp lực lên ngân sách quốc gia vì thế đang lớn hơn lúc nào hết. Về lâu dài, để cân đối mục tiêu tăng nguồn thu ngân sách để phục vụ phát triển, đồng thời thúc đẩy mạnh tăng trưởng của nền kinh tế ở thời điểm hiện tại, giải pháp chỉ có một: Việt Nam cần thúc đẩy phát triển mạnh khối doanh nghiệp tư nhân.
Theo thống kê của bộ Tài chính về tỷ trọng thu ngân sách quốc gia trong vài năm trở lại đây, một xu hướng ngày càng hiện ra rõ rệt, đó là tỷ trọng thu ngân sách đang dần nghiêng về những nguồn thu nội địa. 
Cụ thể, tỷ trọng thu nội địa bình quân trong giai đoạn 2006-2010 là 58,9% đã vọt lên mức 68% trong giai đoạn 2010-2015, đến cuối năm 2015 thì tỷ trọng thu nội địa đã lên tới mức 74%, vượt mức kế hoạch đề ra là 70%. Điều này đang cho thấy, tỷ trọng thu ngân sách quốc gia từ các nguồn thu nội địa đang tăng lên nhanh chóng, nó đang cho thấy tốc độ tăng trưởng và quy mô của nền kinh tế nội địa của Việt Nam đang ngày càng trở nên lớn hơn và có vai trò lớn hơn với ngân sách quốc gia.
Trong số các nguồn thu nội địa chủ đạo vào ngân sách quốc gia, thuế phí đang ngày càng giữ một vai trò quan trọng hơn. 
Cụ thể, mức đóng góp vào ngân sách của các nguồn thu đến từ thuế, phí trung bình Khoảng 21% GDP. Trong đó các nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp cũng đang ngày càng tăng lên, trong tương lai được kỳ vọng sẽ là nguồn thu lớn nhất và ổn định nhất trong ngân sách quốc gia. 
Theo ước tính, chỉ tính riêng số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp của 1.000 doanh nghiệp có quy mô lớn nhất cả nước đã tương đương 10% tổng thu ngân sách nhà nước. Cụ thể, 1.000 doanh nghiệp có quy mô lớn nhất nằm trong danh sách V1000 đã đóng góp vào ngân sách 82.344 tỷ đồng trong năm 2015. Theo Tổng cục thống kê thì con số này chiếm khoảng 10% ngân sách, trong đó 100 doanh nghiệp đứng đầu danh sách đã đóng góp tới hơn 50.000 tỷ đồng, chiếm hơn 60% tổng số mà 1.000 doanh nghiệp trong danh sách V1000 đóng thuế vào ngân sách quốc gia.
Điều này đồng nghĩa với việc, nguồn thu chủ đạo cho ngân sách quốc gia trong tương lai sẽ đến từ các nguồn thu nội địa đối với khối doanh nghiệp, nhất là khi nguồn thu từ các loại thuế xuất nhập khẩu đang ngày càng giảm đi do Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại như TPP và các FTA. Vì vậy, chiến lược lâu dài để vừa phát triển nền kinh tế mạnh mẽ, vừa có nguồn thu ngân sách vững chắc và dồi dào, không gì khác ngoài việc phát triển quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam. 
Điều này đặt ra vấn đề trọng tâm đối với nền kinh tế Việt Nam trong tương lai, đó là cần đặt khu vực kinh tế nào trở thành trọng tâm của chiến lược phát triển.
Hiện tại, khu vực doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam chủ yếu được cấu thành từ 3 bộ phận chủ đạo: khối doanh nghiệp quốc doanh (DNNN), khối doanh nghiệp tư nhân trong nước (DNTN) và khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cả 3 khối doanh nghiệp này đều đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và đóng góp vào ngân sách thông qua thuế doanh nghiệp. 
Xét về quy mô và tỷ trọng đóng góp vào ngân sách thông qua nộp thuế doanh nghiệp, khối quốc doanh và khối FDI đang dẫn đầu, với mức đóng góp lần lượt là 45% và 37%, trong khi khối tư nhân chỉ chiếm 18%. 
Xét về quy mô và vai trò trong lĩnh vực xuất khẩu của cả nước, khối FDI đang dẫn đầu khi tỷ trọng xuất khẩu của khối này trong năm 2015 đã lên tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi tỷ trọng xuất khẩu của khối quốc doanh và khối tư nhân đang giảm dần, thậm chí trong năm 2015 hai khu vực này còn rơi vào tình trạng nhập siêu hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, nếu xét về lâu dài, doanh nghiệp tư nhân lại nổi lên là ứng cử viên sáng giá cho việc trở thành bộ phận chủ đạo quan trọng nhất, có tác động vững chắc và lâu dài đến nguồn thu ngân sách quốc gia. 
Cả khối quốc doanh lẫn FDI dù dẫn đầu về tỷ lệ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách quốc gia, với lần lướt 45% và 37% thì cả hai khu vực này đều đang có những vấn đề không hề nhỏ. Với khối quốc doanh, đó là hiệu suất quá thấp và việc khối doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 45% tổng thu ngân sách từ thuế thu nhập doanh nghiệp là do được nhận quá nhiều ưu đãi mà thôi.
Khối FDI cũng đang có những vấn đề lớn, trước hết là mức độ đóng góp vào ngân sách từ thuế thu nhập doanh nghiệp đang chưa tương xứng với quy mô thực sự của bộ phận kinh tế này. Trong tổng số 1.000 doanh nghiệp nằm trong danh sách V1000 của năm 2015, số doanh nghiệp FDI lên tới 460, cao gấp đôi so với số doanh nghiệp nhà nước là 229, tuy nhiên mức đóng góp lại không bằng khối quốc doanh. 
Đây là điều đáng báo động khi quy mô của khối FDI thực tế đang ngày càng lớn và chiếm một vị trí ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và là bộ phận kinh tế có mức xuất siêu lớn nhất, lên tới 17,1 tỷ USD trong năm 2015.
Vấn đề chủ yếu là do các doanh nghiệp FDI nhận được quá nhiều ưu đãi về thuế từ phía nhà nước, thậm chí không ít các doanh nghiệp còn đòi hỏi thêm những ưu đãi khác về thuế mà Samsung là một điển hình, dẫn đến mức đóng góp vào ngân sách quốc gia không tương xứng với quy mô của các doanh nghiệp FDI. 
Đó là chưa kể đến việc khu vực FDI không có tính bền vững về lâu dài, khi họ phụ thuộc nhiều vào điều kiện thuận lợi của nền kinh tế bản địa, khi không còn những điều kiện thuận lợi ấy nữa thì các doanh nghiệp FDI sẽ chuyển đầu tư chủ yếu là nhà xưởng, máy móc sang các quốc gia khác.
Ngoài ra, vấn đề lớn nhất khiến cho cả khối quốc doanh lẫn khối FDI không thể trở thành bộ phận kinh tế chủ đạo về lâu dài trong nền kinh tế Việt Nam là cả hai khối này đều có xu hướng làm gia tăng chênh lệch thu nhập trong nền kinh tế. 
Lợi nhuận thu được trong hai khu vực kinh tế này không có xu hướng lan tỏa rộng ra trong xã hội, ở khu vực quốc doanh là do số lao động làm việc trong khu vực này quá thấp so với lao động trong toàn nền kinh tế, còn ở khối FDI lợi nhuận có xu hướng phần lớn được các ông chủ ngoại chuyển về nước. 
Hiện tại, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân đang ngày càng gia tăng và giữ vai trò ngày càng quan trọng với ngân sách quốc gia, thậm chí còn vượt qua nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ (hơn 60.000 tỷ đồng so với 54.500 tỷ đồng từ xuất khẩu dầu), mà nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân lại liên quan mật thiết đến thu nhập bình quân đầu người trong nền kinh tế.
Vì thế, khối doanh nghiệp tư nhân hội tụ đủ nhiều điều kiện thuận lợi nhất để giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, nếu muốn gia tăng nguồn thu ngân sách một cách nhanh nhất, bền vững và chắc chắn nhất. 
Khối tư nhân có hiệu suất cao hơn khối quốc doanh, lại đang sử dụng nhiều lao động nhất trong nền kinh tế, đồng thời mức độ lan tỏa lợi nhuận ra xã hội là lớn nhất. Khối tư nhân cũng đảm bảo sự ổn định về lâu dài với nền kinh tế hơn là khối FDI có xu hướng nhũng nhiễu, yêu sách, trốn thuế và thiếu ổn định về lâu dài; tỷ lệ tái đầu tư lợi nhuận vào sản xuất của khối tư nhân cũng lớn hơn khối FDI. 
Về lâu dài, giải pháp ổn thỏa nhất để vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách quốc gia vững chắc và đảm bảo, cách duy nhất là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khối doanh nghiệp tư nhân phát triển. Nói như Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, vị thế của doanh nghiệp là vị thế của quốc gia.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF, Mof, Vneconomy)


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Muốn tăng ngân sách, cần để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh