Hãng Reuters đưa tin ngày 30.6, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu chấm dứt sứ mệnh gìn giữ hòa bình kéo dài một thập kỷ ở Mali theo yêu cầu từ chính quyền nước này.

Mỹ trách Wagner khiến phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc rút khỏi Mali

Cẩm Bình | 01/07/2023, 09:50

Hãng Reuters đưa tin ngày 30.6, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu chấm dứt sứ mệnh gìn giữ hòa bình kéo dài một thập kỷ ở Mali theo yêu cầu từ chính quyền nước này.

Nghị quyết chấm dứt sứ mệnh do Pháp soạn thảo viết rằng Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (MINUSMA) bắt đầu ngừng hoạt động, chuyển giao nhiệm vụ, rút nhân sự một cách trật tự và an toàn. Mục tiêu là hoàn thành việc rút khỏi trước ngày 31.12.2023

10 năm qua, MINUSMA với 13.000 người thực hiện sứ mệnh bảo vệ dân thường trước lực lượng thánh chiến hoành hành từ năm 2012 đến nay. Năm 2021, chính quyền Mali ký hợp đồng triển khai lực lượng quân sự tư nhân Wagner.

Một số chuyên gia lo ngại tình hình an ninh sẽ xấu đi khi MINUSMA rút khỏi, chỉ còn quân đội Mali thiếu trang bị cùng khoảng 1.000 binh sĩ Wagner chiến đấu chống lại các tay súng Hồi giáo đang kiểm soát khu vực sa mạc miền trung lẫn miền bắc.

myun.jpg
Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (MINUSMA) - Ảnh: UN

Khi Hội đồng Bảo an tiến hành bỏ phiếu, Nhà Trắng lên tiếng cáo buộc người đứng đầu Wagner Yevgeny Prigozhin góp phần thúc đẩy chính quyền Mali yêu cầu MINUSMA rút khỏi.

“Prigozhin tiếp tay sắp đặt sự ra đi (của MINUSMA) vì lợi ích lớn hơn của Wagner. Chúng tôi biết các quan chức Mali cấp cao làm việc trực tiếp với cấp dưới của ông ta để thông báo với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc rằng Mali không còn đồng ý cho MINUSMA thực hiện sứ mệnh”, theo phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby.

Mỹ có thông tin từ cuối năm 2021 đến nay, chính quyền Mali trả cho Wagner hơn 200 triệu USD.

Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Anna Evstigneeva tuyên bố quyền quyết định hoàn toàn thuộc về Mali, Moscow cam kết tiếp tục hỗ trợ quốc gia Tây Phi khôi phục an ninh trong nước trên cơ sở song phương.

Đại sứ Mali tại Liên Hợp Quốc Issa Konfourou cho biết chính quyền nước này ghi nhận việc thông qua nghị quyết chấm dứt sứ mệnh gìn giữ hòa bình, đồng thời sẽ cẩn trọng trong tuân thủ lộ trình rút đi của MINUSMA.

Nhiều năm qua Wagner đóng góp lớn cho nỗ lực triển khai sức mạnh Nga tại châu Phi. Họ tham gia vào hoạt động quân sự, khai thác khoáng sản lẫn tuyên truyền trên khắp lục địa đen.

Thế nhưng mới đây Wagner tổ chức nổi loạn tiến về thủ đô Moscow, may mắn đụng độ không xảy ra nhờ một thỏa thuận đạt được vào phút chót. Tương lai của hoạt động do lực lượng này đảm trách tại châu Phi chưa rõ sẽ ra sao.

Đầu tuần qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cam kết Wagner tiếp tục thực hiện công việc tại Cộng hòa Trung Phi và Mali.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ trách Wagner khiến phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc rút khỏi Mali