Phá bỏ 4 đập thủy điện trên một con sông ở bang California và mở ra môi trường sống tự nhiên rộng lớn cho cá hồi là kế hoạch phá đập - phục hồi sông lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Mỹ phá bỏ 4 đập thủy điện để giải cứu cá hồi

Bảo Vĩnh | 10/12/2022, 12:30

Phá bỏ 4 đập thủy điện trên một con sông ở bang California và mở ra môi trường sống tự nhiên rộng lớn cho cá hồi là kế hoạch phá đập - phục hồi sông lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

salmon-ap-3.jpeg
Người dân bắt cá hồi trên sông Klamath - Ảnh: Reuters

Việc phá bỏ 4 con đập được kỳ vọng sẽ cải thiện tình trạng của sông Klamath, một tuyến thủy để hai loài cá hồi Chinook và Coho từ biển bơi ngược về vùng sinh sản ở thượng nguồn Klamath, con sông lớn thứ nhì của bang California. Sau đó, cá con lại theo sông này ra biển.

Vùng chậu Klamath có diện tích 37.500km2, riêng sông Klamath từng là sông có cá hồi nhiều hàng thứ 3 ở vùng duyên hải tây nước Mỹ. Nhưng 4 đập thủy điện xây từ năm 1918 đến 1962 đã cắt đôi dòng sông và khiến cá hồi không thể bơi ngược lên thượng nguồn để sinh sản. Hậu quả là số lượng cá hồi đã giảm dần theo thời gian.

Mong dòng sông chảy thông

Ủy ban Điều tiết năng lượng liên bang (FERC) đã bỏ phiếu nhất trí phá bỏ 4 đập ở hạ lưu sông Klamath và thu hồi giấy phép hoạt động của các đập, điều sẽ khiến lần đầu tiên từ hơn 100 năm nay sông Klamath được chảy thông suốt, cho phép mở rộng nơi ở của cá hồi.

Dự án phá bỏ đập từ lâu là mục tiêu trong những kiến nghị của các bộ tộc người Mỹ bản địa như Yurok, Karuk và thung lũng Hoopa. Tổ tiên của họ từng sống dựa vào sông Klamath và loài cá hồi, nhưng lối sống ấy bị đứt gãy bởi sự định cư của người châu Âu và nhu cầu sử dụng điện ở vùng nông thôn trong thế kỷ 20.

Sự biến đổi khí hậu và hạn hán cũng gây căng thẳng lên nơi ở của cá hồi Klamath: nước sông trở nên quá nóng, quá nhiều ký sinh trùng, khiến cá khó có thể tồn tại.

“Cá hồi Klamath đang trở về nhà, chúng ta hưởng thắng lợi này và đã làm nhiệm vụ thiêng liêng đối với loài cá từng nuôi dưỡng chúng ta suốt bao lâu nay”, ông Joseph James, trưởng tộc Yurok nói.

Các ủy viên FERC gọi quyết định của họ là “một quyết định trọng yếu và lịch sử", đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng là phục hồi đàn cá hồi và phục hồi dòng sông vốn là trung tâm văn hóa - tâm linh của nhiều bộ tộc bản địa.

Chủ tịch FERC Richard Glick nói: “Vào lúc rất cần không thải phát khí nhà kính, vài người có thể hỏi “tại sao lại phá bỏ các đập?”. Chúng ta phải hiểu những dự án này đã được cấp phép vào quãng thời gian mà người ta không chú trọng nhiều đến những vấn đề môi trường. Vài dự án ở đây đã tác động xấu đến môi trường và nguồn cá”.

Việc phê duyệt quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của 4 đập là điều cốt yếu trong kế hoạch phục hồi nơi ở dài 483km của đàn cá hồi ở sông Klamath cùng các sông nhánh của nó, theo bà Amy Souers Kober - người phát ngôn của tổ chức American Rivers chuyên giám sát các kế hoạch phá đập và ủng hộ các kế hoạch phục hồi sông hồ.

Chủ tịch Tom Kiernan của American Rivers còn nói việc cho phép sông Klamath chảy tự nhiên sẽ hạn chế được các trận lũ và hạn hán ngày càng tăng.  

Trong 4 đập, Copco 2 là đập nhỏ nhất, có thể sẽ được đập bỏ vào mùa hè tới; 3 đập còn lại, gồm 1 ở Oregon và 2 ở California, sẽ được cho bỏ dần từ đầu năm 2024 với mục tiêu đến cuối năm đó sẽ trả sông Klamath trở lại tình trạng tự nhiên.

salmon-ap-1.jpeg
Đập thủy điện “Cổng Thép” ở hạ nguồn sông Klamath - Ảnh: AP

Thà đập bỏ hơn là phải tốn tiền khi xin gia hạn giấy phép hoạt động

Quyết định của FERC phù hợp xu hướng đập bỏ các đập cũ kỹ và lạc hậu trên toàn nước Mỹ, khi đến lúc các công ty chủ đập phải gia hạn giấy phép và phải gánh chi phí nâng cấp theo quy định bắt buộc của chính quyền.

Các đập sắp phá bỏ từng được xây trên đất công, tại vùng hoang sơ và hẻo lánh kéo dài từ bang California đến ranh giới bang Oregon. Chủ các đập này là Công ty điện lực PacifiCorp, một đơn vị trong Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Mỹ Warren Buffett.

PacifiCorp đóng góp 200 triệu USD vào kế hoạch phá bỏ 4 đập, và khoản tiền này họ phụ thu từ khách hàng sử dụng điện ở 2 bang Oregon và Caliornia. Các cử tri ở Califonia cũng đồng ý giải pháp mua trái phiếu để chính quyền bang gánh 250 triệu USD còn lại trong tổng chi phí phá đập.

Các đập này từng được xây khi chưa có các quy định mới như ngày nay, mà nếu tuân thủ các quy định thì chủ đập có thể phải đầu tư hàng trăm triệu USD để xây dựng thang cá (một cấu trúc nằm trên hoặc quanh một đập nước để tạo điều kiện dễ dàng cho sự di cư tự nhiên của loài cá) hoặc lập lưới chắn để cá không bơi vào turbin của đập, cùng những quy định bảo tồn khác.

PacifiCorp cho biết khi hoạt động hết công suất, các đập này chỉ đạt 2% trong tổng sản lượng điện của công ty, đủ cấp điện cho khoảng 70.000 gia đình. Nhưng chúng thường xuyên không chạy hết công suất do mực nước thấp của sông Klamath cùng những vấn đề khác, theo người phát ngôn Bob Gravely.

PacifiCorp sẽ tiếp tục điều hành các đập cho đến khi bắt đầu thực hiện kế hoạch phá 4 đập. Hiện chưa có thông tin về thời gian tiến hành kế hoạch vốn sẽ có sự giám sát của một ủy ban và đại diện chính quyền hai bang Oregon và California.

Bài liên quan
Hà Nội: Đề xuất tăng phí bảo vệ môi trường với khai thác khoáng sản
Hoạt động khai thác khoáng sản ảnh hưởng nhiều đến môi trường, đời sống của người dân. Vì vậy, việc tăng mức phí bảo vệ môi trường là cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ phá bỏ 4 đập thủy điện để giải cứu cá hồi