Hoạt động khai thác khoáng sản ảnh hưởng nhiều đến môi trường, đời sống của người dân. Vì vậy, việc tăng mức phí bảo vệ môi trường là cần thiết.

Hà Nội: Đề xuất tăng phí bảo vệ môi trường với khai thác khoáng sản

Tuyết Nhung | 15/06/2022, 16:40

Hoạt động khai thác khoáng sản ảnh hưởng nhiều đến môi trường, đời sống của người dân. Vì vậy, việc tăng mức phí bảo vệ môi trường là cần thiết.

Ngày 15.6, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của HĐND TP điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn Hà Nội.

Ông Phạm Ngọc Thảo - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội cho rằng mặc dù Hà Nội đã thu phí bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác khoáng sản, nhưng so với những thay đổi về tình hình kinh tế-xã hội, tốc độ, mức độ khai thác, nhu cầu vật liệu, giá cả vật liệu và tác động của dịch bệnh COVID-19... thì chưa tương xứng.

img_5616.jpg.jpg
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu kết luận hội nghị

Hiện nay, nhiều hoạt động khai thác khoáng sản ảnh hưởng ngày càng nhiều đến môi trường, môi sinh, đời sống của người dân. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng mức phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoảng sản rất cần thiết, đáp ứng đòi hỏi của việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, góp phần giải quyết những bất cập hiện nay trong hoạt động khai khoáng.

TS Đinh Hạnh - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về kinh tế (Ủy ban MTTQ TP.Hà Nội) cho biết mức đề nghị tăng thu phí bảo vệ môi trường khoáng sản đang được khai thác trên địa bàn TP hiện nay là 60% so với mức thu hiện hành là phù hợp, có sự đồng thuận của các đối tượng đang hoạt động khai thác khoáng sản.

Ngoài ra, dự thảo đã có sự tham gia đóng góp của các sở ngành liên quan của TP và các cơ quan chuyên môn của trung ương nên có cơ sở để tin mức điều chỉnh phí bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản trên địa bàn Hà Nội theo nghị quyết của HĐND TP lần này là phù hợp, có tính khả thi và được nhất trí, đồng tình cao của các đối tượng có liên quan và không tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội của TP.

Ông Vũ Hào Quang - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn tổng hợp, phân tích dư luận xã hội khẳng định việc ban hành quyết định mới về thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn TP là cần thiết. Theo ông, việc thu phí bảo vệ môi trường đối với 8 loại khoáng sản là 160%, mà cơ sở để thu 160% dựa vào ước lượng chỉ số giá tiêu dùng năm 2025 tăng 50% so với năm 2012 là thiếu thực tế.

"Trên thực tế, do ảnh hưởng của 2 năm dịch COVID-19 và ảnh hưởng của chiến sự Ukraina diễn ra phức tạp làm cho giá cả tiêu dùng tăng. Vì vậy, việc tăng 50% giá tiêu dùng cộng với 10% giá trị gia tăng do đặc thù Hà Nội (tổng cộng tăng 160% phí và lệ phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn TP là khá thấp, cần xem xét lại). Từ đó, đề xuất mức phí phải tăng từ 170 - 180% so với phí hiện tại", ông Quang nói.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề xuất không nên áp mức thu phí đồng đều đối với 8 loại khoáng sản mà tùy theo từng loại, mức độ khai thác, trữ lượng, mức độ khó khăn trong khai thác… để có mức thu phí bảo vệ môi trường riêng.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh các căn cứ pháp lý, cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn đều rất đầy đủ, tuy nhiên cần dựa trên Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 13, Chương trình 05 của Thành ủy... làm căn cứ cho sự thay đổi về phí, mức phí.
Về thể thức văn bản, bà Hương đề nghị các cơ quan tiếp thu, hoàn thiện từ tên gọi, bố cục, nội dung, sự thống nhất đồng bộ giữa các văn bản liên quan và phải rõ vai trò trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức...

Bà Nguyễn Lan Hương đề nghị tiếp tục nghiên cứu chặt chẽ, khoa học, từ nhu cầu tới mức độ khan hiếm... để xác định mức tăng cho từng loại khoáng sản, tiến tới hạn chế khai thác các khoáng sản có tác động rất lớn tới sự phát triển của TP như cát, đất, đá... Cũng cần làm rõ trách nhiệm cơ chế quản lý và thẩm quyền chế tài xử lý vi phạm; khuyến khích sử dụng vật liệu khác để thay thế khoáng sản làm vật liệu xây dựng, cũng như đảm bảo cơ chế linh hoạt trong điều chỉnh tăng giảm mức phí...

Bài liên quan
TP.HCM thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt
UBND TP.HCM quyết định thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố, trước mắt là giai đoạn 2016-2020 là 10% trên giá bán nước sạch, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Đề xuất tăng phí bảo vệ môi trường với khai thác khoáng sản