Xung đột quân sự Nga - Ukraine gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn tại châu Âu, hơn 2,5 người dân tại Ukraine đã rời bỏ đất nước trong 3 tuần qua.

Mỹ có tiếp nhận người tị nạn Ukraine hay không?

Cẩm Bình | 14/03/2022, 11:08

Xung đột quân sự Nga - Ukraine gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn tại châu Âu, hơn 2,5 người dân tại Ukraine đã rời bỏ đất nước trong 3 tuần qua.

Người tị nạn từ Ukraine chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Chính phủ nhiều nước châu Âu, kể cả một số chính phủ chủ trương cứng rắn với người di cư từ Trung Đông, mở rộng vòng tay chào đón người Ukraine sang nước mình.

Bên kia Đại Tây Dương, Tổng thống Joe Biden ngày 11.3 tuyên bố Mỹ chào đón họ. Nhưng giới chuyên gia chính sách nhập cư nhận định Washington trước mắt sẽ không tiếp nhận lượng lớn người tị nạn Ukraine.

Tính đến ngày 11.3, phần lớn người tị nạn Ukraine chạy sang nước láng giềng: 1,5 triệu người sang Ba Lan, 225.000 người sang Hungary và 176.000 người sang Slovakia. Hàng chục nghìn người khác đến Nga, Romania, Moldova. 282.000 người sang các nước châu Âu khác.

Theo cựu quan chức Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) Theresa Cardinal Brown, nhiều người tị nạn chọn ở lại một số nước châu Âu gần Ukraine với hy vọng có cơ hội về nước trong tương lai gần. Nhưng tính toán có thể thay đổi tùy thuộc thời gian xung đột diễn ra.

“Chúng ta không biết có bao nhiêu người tị nạn Ukraine hiện tại muốn định cư ở nước ngoài lâu dài”, bà Brown lưu ý.

gettyimages-1239100180.jpg
Xung đột quân sự Nga - Ukraine gây nên cuộc khủng hoảng tị nạn lớn - Ảnh: Getty Images

Ngày 4.3, Liên minh châu Âu (EU) thông qua Chỉ thị bảo vệ tạm thời với những người Ukraine tị nạn vì xung đột quân sự. Tất cả 27 nước thành viên đồng ý cấp quyền cư trú ngắn hạn cùng nhiều lợi ích khác.

Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẵn sàng cho người Ukraine chạy sang nước thứ 3 định cư nếu họ không được bảo vệ ở nơi đang lưu trú, tuy nhiên cơ quan này thừa nhận quá trình này sẽ không thể thực hiện nhanh chóng.

Quy trình xin tị nạn của Mỹ bao gồm phỏng vấn, kiểm tra an ninh, kiểm tra y tế cùng nhiều bước nữa, thường mất nhiều năm. Luật pháp Mỹ còn yêu cầu người tị nạn phải chứng minh được họ bị ngược đãi vì sắc tộc, quốc tịch, tôn giáo, chính trị hoặc tư cách thành viên của họ trong một nhóm xã hội nào đó.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trung tâm xử lý vấn đề người tị nạn khu vực Âu - Á tại Moldova của nước này vẫn hoạt động một cách hạn chế.

Người tị nạn Ukraine có thể sang Mỹ bằng phương thức khác, nhưng họ vẫn cần có thị thực để nhập cảnh hợp pháp và lựa chọn không nhiều.

Mỹ cấp thị thực tạm thời cho khách du lịch, sinh viên, khách đi công tác và vài trường hợp nhập cảnh ngắn hạn khác. Cần có thành viên gia đình hay đơn vị thuê mướn lao động Mỹ bảo lãnh thì mới được cấp thị thực nhập cư lưu trú dài hạn.

Sau khi ngừng dịch vụ cấp thị thực tại Ukraine, Nga và Belarus, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo rằng người Ukraine có thể nộp hồ sơ xin cấp thị thực tạm thời tại bất kỳ lãnh sự quán nào của Mỹ đồng thời chỉ định lãnh sự quán tại Frankfurt (Đức) là nơi xử lý hồ sơ xin cấp thị thực của người Ukraine.

Người xin cấp thị thực có thể phải chờ rất lâu vì khả năng xử lý hồ sơ hạn chế và lượng hồ sơ tồn đọng ngày càng tăng vì đại dịch COVID-19. Họ cũng có thể không đủ điều kiện được cấp, vì thị thực tạm thời đòi hỏi người xin chứng minh mình có ý định về nước.

Mỹ có một cơ chế cho phép tiếp nhận người nước ngoài không có thị thực vì lý do nhân đạo, từng được sử dụng cho hơn 70.000 người Afghanistan sơ tán năm ngoái.

Cựu quan chức DHS Cardinal Brown cho rằng Washington có thể dùng cơ chế trên tiếp nhận một số người tị nạn Ukraine chẳng hạn như người nhà của công dân Mỹ cùng người có thẻ xanh. Cơ chế không đem lại cơ hội trở thành thường trú nhân, nhưng cho phép họ làm việc hợp pháp.

Mỹ đã từng tiếp nhận người Ukraine trước đó. Từ năm tài khóa 2001 đến nay họ chào đón hơn 50.000 người tị nạn từ Ukraine. Tháng trước có 427 người Ukraine nhập cảnh Mỹ với tư cách tị nạn, tăng 390% so với tháng 1.

Số lượng người Ukraine được định cư tại Mỹ tăng dưới thời Tổng thống Donald Trump nắm quyền. Ông Trump chủ trương giảm tiếp nhận người tị nạn từ châu Phi và Trung Đông.

Chính quyền Tổng thống Biden đã duyệt chi 107 triệu USD viện trợ nhân đạo cho người tị nạn và thường dân Ukraine, số tiền sẽ được dùng để cung cấp thực phẩm, dịch vụ y tế, chăn giữ nhiệt cùng các hoạt động cứu trợ khác. Quốc hội Mỹ đầu tháng qua cũng thông qua một dự luật chi tiêu phân bổ 6,8 tỉ USD trong quỹ hỗ trợ nhân đạo của Mỹ cho người tị nạn Ukraine.

Ngày 3.3, Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas ước tính có khoảng 75.100 người Ukraine ở Mỹ đủ điều kiện để được hưởng Tình trạng được bảo vệ tạm thời (TPS) - chương trình nhân đạo cho phép đối tượng đủ điều kiện sinh sống và làm việc hợp pháp ở Mỹ khi quê hương của họ bị chiến tranh hoặc vấn đề khác.

Cùng ngày, Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE) thông báo ngừng trục xuất người tị nạn về Ukraine.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ có tiếp nhận người tị nạn Ukraine hay không?