Hôm 8.6, Moderna cho biết mũi vắc xin COVID-19 tăng cường nhắm vào cả chủng SARS-CoV-2 gốc và Omicron đã tạo ra đáp ứng miễn dịch chống lại biến thể này tốt hơn so với vắc xin ban đầu.

Moderna công bố vắc xin mới chống chủng SARS-CoV-2 gốc và Omicron tốt hơn loại ban đầu

Sơn Vân | 08/06/2022, 19:51

Hôm 8.6, Moderna cho biết mũi vắc xin COVID-19 tăng cường nhắm vào cả chủng SARS-CoV-2 gốc và Omicron đã tạo ra đáp ứng miễn dịch chống lại biến thể này tốt hơn so với vắc xin ban đầu.

Trong một nghiên cứu, mũi vắc xin tăng cường mới của Moderna đã làm tăng lượng kháng thể trung hòa vi rút lên gấp 8 lần. Mũi tiêm này thường được dung nạp tốt với các tác dụng phụ tương tự liều vắc xin tăng cường mRNA-1273 của Moderna ở mức 50 microgam.

Giám đốc điều hành Moderna - Stephane Bancel cho biết: “Chúng tôi đang gửi dữ liệu và phân tích sơ bộ của mình cho các cơ quan quản lý với hy vọng rằng liều vắc xin tăng cường bivalent (hóa trị hai) chống lại cả Omicron sẽ có mặt trên thị trường vào cuối mùa hè”.

Sau thông tin trên, cổ phiếu của Moderna đã tăng 3,81% trong giao dịch trước giờ mở cửa và hiện ở mức 145,34 USD.

Hiện chưa rõ liều vắc xin tăng cường mới của Moderna có hiệu quả với các biến thể phụ Omicron không.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron được ước tính chiếm gần 5% và 8% các ca mắc COVID-19 mới ở nước này tính đến ngày 4.6.

Hiện có mặt ở tất cả các vùng của Mỹ, BA.4 và BA.5 đã được thêm vào danh sách theo dõi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng 3, được Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) chỉ định là biến thể đáng lo ngại.

Tháng trước, các nhà khoa học Nam Phi phát hiện ra rằng BA.4 và BA.5 có thể né tránh các kháng thể từ nhiễm BA.1 (biến thể Omicron ban đầu) trước đó đủ tốt để kích hoạt làn sóng dịch mới.

Cả BA.4 và BA.5 đều chứa các đột biến trong protein gai dường như mang lại đặc tính tránh miễn dịch tốt hơn và khả năng truyền nhiễm cao hơn so với BA.1 và BA.2 - hai biến thể từng gây ra làn sóng dịch vào đầu năm nay.

Tuy nhiên, bằng chứng thực tế từ các quốc gia khác chứng minh rằng nhiễm BA.4 và BA.5 có thể không bị bệnh nặng hơn so với các dòng Omicron trước đó.

Theo ước tính của CDC, BA.4 chiếm 5,4% số ca mắc COVID-19 mới ở Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 4.6, còn BA.5 chiếm 7,6% cùng thời gian.

Trong 7 ngày tính đến hôm 4.6, Mỹ ghi nhận trung bình 98.010 ca mắc COVID-19/ngày.

moderna-cong-bo-vac-xin-moi-chong-chung-sars-cov-2-goc-va-omicron-tot-hon-loai-ban-dau.jpg
Moderna cho biết mũi vắc xin tăng cường đặc trị Omicron tạo ra đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ

Ngoài vắc xin COVID-19, Moderna đang thử nghiệm vắc xin tiềm năng chống lại bệnh đậu mùa khỉ trong các thử nghiệm tiền lâm sàng sau khi bệnh này lây lan ở Mỹ và châu Âu.

Moderna từng thành công với vắc xin COVID-19 được cho hiệu quả nhất thị trường nên nhiều người hy vọng công nghệ sinh học Mỹ cũng làm được điều tương tự với vắc xin đậu mùa khỉ. 

Hôm 5.6, WHO cho biết có 780 ca đậu mùa khỉ được xác nhận trong phòng thí nghiệm từ 27 quốc gia không có dịch bệnh và mức độ nguy cơ toàn cầu là vừa phải.

WHO nhận định rằng con số 780 - số ca bệnh đậu mùa khỉ tính từ ngày 13.5 đến 2.6 - có thể là quá thấp so với thực tế do sự hạn chế về thông tin dịch tễ học và xét nghiệm.

Tính đến ngày 8.6, theo Global Health (trang theo dõi bệnh đậu mùa khỉ toàn cầu), hơn 30 nước đã báo cáo 1.110 ca bệnh đậu mùa khỉ. Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc thông báo thêm: “Có khả năng cao là các quốc gia khác sẽ xác định được các ca bệnh đậu mùa khỉ và sẽ tiếp tục có sự lây lan vi rút”.

Rất ít ca nhập viện do đậu mùa khỉ đã được báo cáo, ngoài những bệnh nhân bị cách ly. WHO đã liệt kê các quốc gia ngoài châu Phi báo cáo nhiều ca bệnh nhất là Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Canada và Đức.

Ngoài châu Âu và Bắc Mỹ, các ca bệnh đậu mùa khỉ cũng được ghi nhận bằng số liệu đơn lẻ ở Argentina, Úc, Ma Rốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

"Một số quốc gia đang báo cáo rằng các ca bệnh đậu mùa khỉ mới không chỉ xuất hiện trong số những người tiếp xúc với trường hợp trước đó, cho thấy các chuỗi lây truyền đang bị bỏ sót thông qua sự lưu hành chưa được phát hiện của vi rút", WHO cho biết.

WHO cảnh báo: "Dù nguy cơ hiện tại với sức khỏe con người và công chúng vẫn ở mức thấp, nhưng nguy cơ với sức khỏe cộng đồng có thể trở nên cao nếu loại vi rút này khai thác cơ hội để xác lập chính nó ở các quốc gia không lưu hành như một mầm bệnh lan rộng cho người. WHO đánh giá nguy cơ ở cấp độ toàn cầu là vừa phải vì đây là lần đầu tiên nhiều trường hợp và cụm bệnh đậu khỉ được báo cáo đồng thời ở các quốc gia không lưu hành và lưu hành vi rút".

Kháng thể tăng nhiều hơn sau khi tiêm liều vắc xin Moderna/Pfizer thứ tư so với mũi thứ ba

Theo dữ liệu thử nghiệm ở Anh, liều vắc xin mRNA thứ tư hiện tại có thể tăng cường kháng thể và các đáp ứng miễn dịch khác lên mức cao hơn so với mức được thấy sau liều thứ ba.

Các nhà nghiên cứu đã tuyển chọn 166 người trưởng thành đã nhận liều tăng cường đầu tiên của vắc xin Pfizer-BioNTech sau hai liều vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer-BioNTech. Họ được chỉ định ngẫu nhiên để nhận thêm một mũi vắc xin tăng cường Pfizer-BioNTech khác hoặc Moderna như liều thứ tư.

Một nửa số người tham gia trên 70 tuổi và khoảng thời gian trung bình kể từ lần tiêm liều vắc xin thứ ba là 7 tháng.

2 tuần sau khi tiêm liều vắc xin thứ tư, mức độ kháng thể nhắm mục tiêu protein gai của SARS-CoV-2 cao gấp đôi so với mức kháng thể thấy được 4 tuần sau liều thứ ba ở cả hai loại vắc xin Pfizer-BioNTech và Moderna, bất kể lịch tiêm ban đầu. Các nhà nghiên cứu báo cáo điều này trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet.

Đáp ứng của các tế bào T ( tế bào miễn dịch) đã tăng lên đáng kể 14 ngày sau liều vắc xin thứ tư so với 28 ngày sau liều thứ ba, nhưng chỉ ở những người nhận ba liều vắc xin Pfizer-BioNTech và sau đó nhận mũi tăng cường Moderna.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng tất cả sự gia tăng nêu trên "có thể sẽ nhanh chóng suy giảm, như từng được quan sát thấy sau liều vắc xin thứ ba".

Họ nói rằng những người tham gia có mức độ đáp ứng miễn dịch cao trước khi tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ tư tăng kháng thể và đáp ứng của tế bào T hạn chế hơn từ lần tiêm đó. Điều này cho thấy có thể có mức trần với tác dụng từ tiêm liều vắc xin tăng cường. Cụ thể là những người có mức kháng thể cao không được hưởng lợi nhiều từ liều vắc xin tăng cường thứ hai.

Bài liên quan
Pfizer-BioNTech, Moderna trước thách thức có vắc xin tốt hơn chống các biến thể sau Omicron
Khi các chính phủ chuẩn bị sống chung với COVID-19, một số người đang đặt câu hỏi về việc các nhà sản xuất thuốc điều chỉnh vắc xin như thế nào để ngăn chặn các biến thể SARS-CoV-2 mới trong bối cảnh các công ty và cơ quan quản lý có dấu hiệu căng thẳng về cách tiếp cận tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Moderna công bố vắc xin mới chống chủng SARS-CoV-2 gốc và Omicron tốt hơn loại ban đầu