Theo các nhà phân tích, khi Triều Tiên đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên, tình trạng thiếu kho dự trữ, thiếu điện triền miên và nhân viên y tế được đào tạo không đầy đủ đặt ra những thách thức nghiêm trọng với việc tiêm vắc xin cho 26 triệu người dân nước này ngay cả khi có sự trợ giúp từ bên ngoài.

Triều Tiên gặp trở ngại từ việc bảo quản, vận chuyển đến tiêm phòng COVID-19 nếu nhận vắc xin Pfizer/Moderna

Sơn Vân | 18/05/2022, 18:00

Theo các nhà phân tích, khi Triều Tiên đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên, tình trạng thiếu kho dự trữ, thiếu điện triền miên và nhân viên y tế được đào tạo không đầy đủ đặt ra những thách thức nghiêm trọng với việc tiêm vắc xin cho 26 triệu người dân nước này ngay cả khi có sự trợ giúp từ bên ngoài.

Các quan chức Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã không đáp lại lời đề nghị viện trợ từ nước này và chương trình chia sẻ vắc xin quốc tế COVAX, nhưng thích vắc xin do Moderna và Pfizer sản xuất hơn mũi tiêm của Trung Quốc hoặc AstraZeneca (Anh-Thụy Điển).

Hôm 17.5, tờ Rodong Sinmun (Triều Tiên) đã đăng một số bài viết về thói quen chống vi rút SARS-CoV-2 và phản ứng với đại dịch của các quốc gia khác, đề cập đến vắc xin và thuốc kháng vi rút Paxlovid của Pfizer mà không giới thiệu chúng bắt nguồn từ Mỹ.

Thế nhưng bài viết (lấy thông tin từ internet Trung Quốc) nhấn mạnh rằng những loại thuốc như vậy tốn kém, có thể kém hiệu quả hơn với các biến thể SARS-CoV-2 mới và các biện pháp hạn chế mạnh sẽ tiếp tục là cần thiết.

Cả hai loại vắc xin của hai công ty Mỹ đều dựa trên công nghệ mRNA và yêu cầu bảo quản siêu lạnh. Trong khi có thể vận chuyển và bảo quản vắc xin Sinovac hoặc AstraZeneca ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường.

Moon Jin-soo, Giám đốc Viện Nghiên cứu Sức khỏe và Thống nhất tại Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), nói: “Vắc xin Moderna và Pfizer yêu cầu hệ thống bảo quản ở nhiệt độ thấp, điều mà Triều Tiên không có. Họ sẽ cần hàng tấn vật liệu bổ sung để sử dụng chúng cho quá trình tiêm chủng".

Quan chức Hàn Quốc nói không rõ liệu Triều Tiên có các hệ thống lưu trữ như vậy hay không.

Vào tháng 3.2022, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bỏ qua việc trừng phạt để UNICEF vận chuyển thiết bị "dây chuyền lạnh" như vậy cho Triều Tiên hỗ trợ tiêm vắc xin COVID-19. Các mặt hàng bao gồm ba phòng lạnh để "lưu trữ vắc xin tiêm chủng thông thường", dù chưa thể xác nhận ngay liệu chúng đã được vận chuyển đến Triều Tiên chưa trong bối cảnh các hạn chế nghiêm ngặt về biên giới.

Theo báo cáo Rà soát Quốc gia Tự nguyện mới nhất của Triều Tiên được trình bày cho Liên Hợp Quốc vào năm ngoái, chỉ 34,6% dân số nước này được sử dụng điện. Đường bộ và đường sắt của Triều Tiên không ở trong tình trạng tiêu chuẩn.

Với những điều kiện đó, chỉ có một số thành phố Triều Tiên có thể đáp ứng các thiết bị bảo quản lạnh, các chuyên gia cho biết.

Liệu Triều Tiên có thể huy động nhân viên y tế được đào tạo trên quy mô lớn cho một chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 toàn quốc không vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

"Bạn cần một hệ thống và các chuyên gia y tế được đào tạo để phân phối liều lượng và tiêm các mũi vắc xin. Tôi nghi ngờ Triều Tiên có điều đó", Jacob Lee, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Hallym (Hàn Quốc), nhận định.

Triều Tiên đã tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em phòng các bệnh như lao với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế. Song, các cơ quan viện trợ của Liên Hợp Quốc và hầu hết các nhóm cứu trợ khác đã rút khỏi đất nước trong bối cảnh biên giới bị đóng cửa kéo dài.

Park Jin, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, cho biết hôm 17.5 rằng ông sẽ đề nghị Mỹ miễn trừ các lệnh trừng phạt để gửi các thiết bị cần thiết cho Triều Tiên nếu họ cần.

Điều quan trọng nhất là tốc độ. Vi rút đã lây lan nhanh chóng, và nếu không được tiêm phòng nhanh và xây dựng khả năng miễn dịch, số người chết có thể tăng đến mức không thể kiểm soát”, theo Shin Young-jeon, giáo sư tại Đại học Y khoa Hanyang ở Seoul (Hàn Quốc).

trieu-tien-gap-tro-ngai-tu-bao-quan-van-chuyen-den-tiem-phong-neu-nhan-vac-xin-pfizer-moderna.jpg
Người đàn ông đến hiệu thuốc ở thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên ngày 16.5 trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát - Ảnh: Kyodo

Nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong Un trong hơn một thập niên nắm quyền luôn chủ trương tự lực cánh sinh, tránh xa sự giúp đỡ từ ngoài, nỗ lực thực hiện các chiến lược trong nước... Song ông đang bị đặt vào thế khó do đợt bùng phát dịch COVID-19.

Ông Kim Jong Un phải chọn giữa nhận giúp đỡ từ bên ngoài để chống dịch, hoặc tiếp tục tự lực cánh sinh, chấp nhận hứng chịu thiệt hại lớn.

Giáo sư Lim Eul-chul thuộc Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) nhận xét: “Kim Jong-un đang ở thế tiến thoái lưỡng nan rất nghiêm trọng. Đồng ý cho Mỹ hay phương Tây trợ giúp sẽ làm lung lay lập trường tự lực mà ông ta kiên định duy trì”.

Triều Tiên tin tưởng tự vượt qua khủng hoảng COVID-19, WHO lo xuất hiện các biến thể mới

Triều Tiên ghi nhận thêm 232.880 trường hợp sốt mới và 6 người tử vong khi ông Kim Jong Un cáo buộc các quan chức "chưa trưởng thành" và "buông lỏng" trong việc xử lý sớm ổ dịch COVID-19 đang hoành hành khắp quốc gia.

Cơ quan chống vi rút của Triều Tiên cho biết nước này đã có hơn 1,7 triệu người bị bệnh với 62 ca tử vong trong bối cảnh dịch lan nhanh từ cuối tháng 4.2022. Hơn 1 triệu người đã hồi phục nhưng ít nhất 691.170 người vẫn còn trong tình trạng cách ly.

Các chuyên gia bên ngoài cho biết hầu hết ca bệnh là mắc COVID-19, dù Triều Tiên chỉ xác nhận một số ít ca nhiễm SARS-CoV-2 kể từ khi thông báo đợt bùng phát dịch Omicron vào tuần trước, có thể là do không đủ khả năng xét nghiệm.

Việc không kiểm soát được đợt bùng phát dịch có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng ở Triều Tiên, khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe bị tàn phá trong bối cảnh nước này từ chối nhận vắc xin COVID-19 do COVAX cung cấp khiến 26 triệu dân không được tiêm chủng.

Đợt bùng phát dịch ở Triều Tiên gần như chắc chắn lớn hơn thống kê do thiếu các xét nghiệm và nguồn lực để theo dõi, điều trị những người bị bệnh, gây thiệt hại thêm cho nền kinh tế kém phát triển.

Thiếu các công cụ y tế công cộng như vắc xin, thuốc kháng vi rút và các đơn vị chăm sóc đặc biệt để giảm thiểu số ca nhập viện và tử vong như các quốc gia khác, Triều Tiên dựa vào việc tìm kiếm những người có triệu chứng và cách ly họ tại các nơi tạm trú.

Trong điều kiện không có vắc xin, Triều Tiên đang sử dụng thuốc kháng sinh và các biện pháp tại nhà để điều trị COVID-19.

Để điều trị COVID-19 và các triệu chứng của nó, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã khuyến khích bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau và hạ sốt như ibuprofen, amoxicillin và các loại kháng sinh khác - không chống lại vi rút nhưng đôi khi được kê đơn cho các trường hợp nhiễm khuẩn thứ phát.

Trước đây thường coi vắc xin “không phải thuốc chữa bách bệnh", các phương tiện truyền thông Triều Tiên đã khuyến cáo người dân súc miệng bằng nước muối, uống trà lonicera japonica (kim ngân) hoặc trà lá liễu ba lần một ngày.

Không rõ liệu việc Triều Tiên thừa nhận bùng phát dịch COVID-19 có thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận sự giúp đỡ từ bên ngoài hay không. Chính phủ của ông Kim Jong Un đã từ chối hàng triệu liều vắc xin COVID-19 được cung cấp bởi chương trình phân phối COVAX do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, có thể là do các yêu cầu giám sát quốc tế gắn liền với chúng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Triều Tiên và Eritrea là hai quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc có chủ quyền chưa triển khai tiêm vắc xin COVID-19.

Trong một cuộc họp báo hôm 17.5, Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan này đã đề nghị gửi cho cả hai quốc gia này vắc xin, thuốc men, xét nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật, nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên và Eritrea chưa phản hồi.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “WHO lo ngại sâu sắc về nguy cơ lây lan thêm ở Triều Tiên, đồng thời lưu ý rằng đất nước có một số lượng đáng lo ngại những người bị các bệnh nền khiến họ có nguy cơ mắc COVID-19 nặng”.

Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cho biết bất kỳ sự lây truyền nào chưa được kiểm soát ở các quốc gia như Triều Tiên và Eritrea có thể thúc đẩy sự xuất hiện của các biến thể mới, nhưng WHO sẽ bất lực trong việc hành động trừ khi hai quốc gia chấp nhận sự giúp đỡ của họ.

Đến nay, Triều Tiên vẫn phớt lờ lời đề nghị cung cấp vắc xin, thuốc men và nhân viên y tế của Hàn Quốc, nhưng các chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể sẵn sàng chấp nhận sự giúp đỡ từ đồng minh chính là Trung Quốc hơn.

Hãng truyền thông Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin hôm 17.5 rằng Triều Tiên đã điều 3 máy bay đến Trung Quốc để nhận hàng y tế.

Theo Yonhap, 3 máy bay Air Koryo từ Triều Tiên đã bay đến thành phố Thẩm Dương (Trung Quốc) vào ngày 16.5 trong các chuyến bay quốc tế đầu tiên của hãng này kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu cách đây hơn 2 năm. Sau đó, 3 máy bay trở lại Triều Tiên cùng với các vật tư y tế vào cuối ngày.

"Họ có thể khai thác thêm các chuyến bay vì số lượng hàng y tế vận chuyển lần này dường như không đủ", Yonhap dẫn lời một nguồn tin đề cập đến Triều Tiên.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết không thể xác nhận báo cáo của phương tiện truyền thông rằng Triều Tiên đã điều nhiều máy bay để chở hàng tiếp tế khẩn cấp từ Trung Quốc.

Hôm 17.5, các quan chức Triều Tiên trong cuộc họp tiếp tục bày tỏ sự tin tưởng rằng nước này có thể tự mình vượt qua cuộc khủng hoảng, với việc các thành viên Bộ Chính trị thảo luận về các cách để "liên tục duy trì cơ hội tốt trong mặt trận phòng chống dịch nói chung", KCNA cho biết.

Bài liên quan
Triều Tiên nêu lý do nhiều người chết khi COVID-19 bùng phát, đề nghị uống trà điều trị bệnh
Triều Tiên hôm 15.5 cho biết tổng cộng 42 người đã chết trong đại dịch khi nước này bắt đầu ngày thứ tư phong tỏa trên toàn quốc nhằm ngăn chặn đợt bùng phát COVID-19 được xác nhận lần đầu tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triều Tiên gặp trở ngại từ việc bảo quản, vận chuyển đến tiêm phòng COVID-19 nếu nhận vắc xin Pfizer/Moderna