Chuyện một số sắc phong (cổ vật) của Việt Nam bị rao bán đấu giá trên một trang mạng ở Trung Quốc những ngày vừa qua nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận, một lần nữa lại đặt ra vấn đề về câu chuyện bảo quản, bảo vệ cổ vật ở nước ta.

Mất trộm cổ vật: Mất bò' vẫn chưa lo 'làm chuồng'!

Theo VOV | 21/04/2023, 13:30

Chuyện một số sắc phong (cổ vật) của Việt Nam bị rao bán đấu giá trên một trang mạng ở Trung Quốc những ngày vừa qua nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận, một lần nữa lại đặt ra vấn đề về câu chuyện bảo quản, bảo vệ cổ vật ở nước ta.

Trong khi ấn vàng Hoàng đế chi bảo chưa hồi hương được về Việt Nam, dư luận lại bàng hoàng trước thông tin 121 cuốn sách cổ lưu giữ ngay ở trong Viện nghiên cứu Hán nôm bị thất lạc. Chưa biết vì sao thất lạc, thất lạc từ bao giờ, liệu có tìm lại được tất cả hay không thì một lần nữa những ai quan tâm lại “choáng váng” khi nghe tin một số sắc phong của Việt Nam bị rao bán đấu giá trên một trang mạng ở Trung Quốc. Đó là chưa kể còn hàng trăm cổ vật, với nhiều mức độ giá trị, ý nghĩa khác nhau đã bị thất lạc trong suốt mấy chục năm qua, nay vẫn không biết “đi đâu –về đâu”.

Không chỉ ở những nơi lưu giữ, quản lý nhà nước được bảo vệ và bảo quản nghiêm ngặt như Bảo tàng, các Viện nghiên cứu… mà hàng nghìn di tích, cơ sở thờ tự ở các địa phương cũng là nơi lưu giữ di sản và cổ vật quý. Vì thế, những nơi này trở thành “mỏ vàng” cho kẻ gian “khai thác”.

anh-man-hinh-2023-04-21-luc-11.53.11.png
Bộ sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ gồm hai bát và năm đĩa thuộc thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI được công nhận bảo vật quốc gia đợt 11 - Ảnh: Hoàng Thành Thăng Long

Trở lại với câu chuyện mất sắc phong ở các di tích. Trước đây, chúng ta vẫn quen bảo quản di sản, cổ vật theo ý thức hệ. Dân gian quan niệm sắc phong, cổ vật thờ tự trong đền, đình là vật thiêng nên không ai dám lấy trộm, nếu lấy sẽ bị thánh thần trừng phạt, bị quả báo. Nhưng ngày nay, kẻ gian ngày càng táo tợn và tinh vi nên cổ vật bị mất “như cơm bữa”. Có những cổ vật cao đến gần 2m, nặng hàng trăm kg vẫn “không cánh mà bay”. Có cổ vật sau khi được hoàn trả 2 lần, lại bị mất cắp đến lần thứ 3!

Điều đó cho thấy, việc bảo vệ cổ vật ở nước ta quá lỏng lẻo và hớ hênh đến mức nào. Đình, chùa, miếu mạo của Việt Nam là không gian mở và thường xa khu dân cư. Dù các di tích có cửa, nhưng không hoàn toàn khép kín và không đủ độ an toàn. Trông coi ở những ngôi đền, đình cổ trống trải và vắng vẻ đa phần chỉ là các sư trụ trì hoặc các thủ từ cao tuổi tự cai quản; thiếu sự quan tâm, sát sao của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý; hoạt động của một số ban quản lý di tích còn lỏng lẻo, hình thức…

Thế nên, ở một số nơi, thậm chí cổ vật bị mất mà không biết, khi kiểm tra hay cần dùng đến mới tá hỏa vì đã mất tăm từ bao giờ.

Luật Di sản Văn hóa đi vào thực thi hơn 20 năm nay, nhưng hầu như không ai bị xử lý trước pháp luật và quy trách nhiệm cụ thể sau những vụ mất cổ vật quý hiếm. Những kẻ trộm cắp và cá nhân, tổ chức để “chảy máu” cổ vật ra nước ngoài cũng không bị bắt hay xử lý trách nhiệm. Tất cả chỉ dừng lại ở giải trình rồi… rút kinh nghiệm! Thế nên, việc đầu tiên khi “làm chuồng” để tránh tiếp tục bị “mất bò” thì cần đánh giá, nhìn nhận và điều chỉnh lại các văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó có sở sở pháp lý, chế tài đủ mạnh để răn đe tội phạm, ngăn chặn tình trạng di sản, cổ vật “một đi không trở lại”.

“Quan thì xa, bản nha thì gần”. Cổ vật tại các di tích không thuộc về cá nhân mà thuộc về cộng đồng nên chính quyền địa phương và cộng đồng cần được nâng cao hiểu biết và có trách nhiệm bảo vệ di sản chu đáo, an toàn hơn, xứng tầm ý nghĩa và giá trị to lớn của cổ vật. Cần xác định và làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương với di tích trên địa bàn, không "khoán trắng" cho nhân dân địa phương hoặc người trông coi. Mặt khác, xây dựng hệ thống tường rào, cổng, cửa bảo đảm an ninh; lắp đặt hệ thống camera, báo động; luân phiên cắt cử người trông coi.

Ðối với các di vật, cổ vật có giá trị cao nên cất giữ ở nơi kín đáo, an toàn, có khóa kiên cố và trông coi cẩn thận. Cần có chế độ thù lao hợp lý cho người bảo vệ, trông coi và gắn trách nhiệm của tổ chức, tập thể, cá nhân nếu để xảy ra mất mát cổ vật.

Hiện nay, hầu hết các di tích chưa có sổ theo dõi cổ vật, chưa được lập hồ sơ khoa học để kiểm kê, bảo quản. Vì vậy, việc thực hiện chương trình khảo sát, đánh giá, dịch thuật, tổng hợp hệ thống nhằm số hóa, hồ sơ hóa, đăng ký cổ vật là giải pháp cần thiết mà các địa phương phải ưu tiên trong công tác bảo vệ di tích. Từ đó có cơ hội phục hồi phiên bản hoặc có cơ sở pháp lý để được trao trả.

Khi có cơ sở pháp lý đầy đủ, xử lý nghiêm minh; sự phối hợp khoa học, đồng bộ và chặt chẽ; các biện pháp từ cơ chế bảo vệ đặc biệt, đến số hóa cổ vật… chúng ta mới có thể phần nào yên tâm khi giữ gìn, bảo vệ di sản quý giá cha ông ta để lại và không mắc tội với tiền nhân, có lỗi với hậu thế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
3 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mất trộm cổ vật: Mất bò' vẫn chưa lo 'làm chuồng'!