Theo đại diện Tập đoàn thu mua toàn cầu Walmart, để các doanh nghiệp nông sản của Việt Nam cung ứng hàng cho Walmart thì phải tốn rất nhiều thời gian, có thể từ 1 đến 2 năm để đáp ứng các yêu cầu.
Tại Hội nghị Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam (Vietnam Food Forum 2017) với chủ đề “Nâng cao chuỗi giá trị ngành thực phẩm Việt Nam” diễn ra mới đây, bà Jocelyn Trần, Giám đốc cấp cao vùng, Khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn thu mua toàn cầu Walmart, chia sẻ cho các doanh nghiệp cách thức để có thể tiếp cận và trở thành nhà cung cấp cho Walmart.
Theo bà Jocelyn Trần, một khi các doanh nghiệp nông sản của Việt Nam muốn cung ứng cho Walmart thì phải tốn rất nhiều thời gian, ướctừ 1 đến 2 nămđể đáp ứng các yêu cầu. Song, khi đã đặt được nền móng vững chắc thì việc xuất bán cho Walmart sẽ rất nhanh.
Tập đoàn Walmart hiện có 10.800 cửa hàng ở 27 quốc gia. Doanh nghiệp muốn đưa hàng vào Walmart cần tuân theo các tiêu chuẩn của Walmart như khai báo tất cả các cơ sở sản xuất; xác nhận thông tin khai báo là chính xác; cập nhật thông tin thường xuyên trên dữ liệu điện tử; nắm rõ tình hình các cơ sở sản xuất của mình; minh bạch khi phát hiện các vấn đề… Ngoài ra, doanh nghiệp tự rà soát lại hoạt động và chất lượng hàng hóa của mình, doanh nghiệp phải có mã số D-U-N-S; thử nghiệm và chứng nhận chất lượng an toàn, lao động và môi trường, tính bền vững trong hoạt động và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
"Walmart đã mua hàng ở Việt Nam rất nhiều và mong muốn đặt Việt Nam vào bản đồ các nhà cung ứng toàn cầu, nhưng về ngắn hạn vẫn còn nhiều thách thức. Điều kỳ vọng của Walmart vào các đối tác họ đang tìm kiếm tại Việt Nam, chính là cùng nhau thúc đẩy trách nhiệm trong chuỗi cung ứng, đồng thời tạo cảm hứng cho các doanh nghiệp khác cùng tham gia, từ đó cùng nhau xây dựng niềm tin cốt lõi và giá trị kinh doanh trong lộ trình dài hạn", bà Jocelyn Trần cho hay.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết ngành công nghiệp thực phẩm được xác định là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và phát triển kinh tế xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức và doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh nhiều hoạt động, giải pháp cụ thể trong việc phát triển thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm từng bước gia tăng giá trị xuất khẩu của thực phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Song Hà - Trợ lý Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) - cho rằng một trong những tiêu chí đầu tiên quyết định sự phát triển và bền vững của ngành chế biến thực phẩm là phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này đòi hỏi phải có một quy trình kiểm soát chất lượng của toàn bộ chuỗi sản xuất từ người sản xuất, nguyên liệu đến đơn vị vận chuyển, bảo quản, sơ chế, bán lẻ và cả người tiêu dùng. Vì vậy, muốn có sản phẩm thực phẩm an toàn, doanh nghiệp không thể thực hiện phương thức “mua đứt bán đoạn” mà phải tham gia xây dựng chuỗi sản xuất.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Alexandre Bouchot, Tham tán thương mại nông nghiệp (Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam), các sản phẩm của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận được thị trường EU rộng lớn, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực. Tuy nhiên, muốn tham gia sâu vào thị trường này, việc phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị là rất quan trọng, giúp doanh nghiệp bảo đảm truy xuất nguồn gốc, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng về an toàn thực phẩm, cũng như nâng cao giá trị sản phẩm.
Theo các chuyên gia, ngành thực phẩm Việt Nam phải thay đổi chiến lược phát triển từ việc tập trung sản xuất sản lượng lớn và xuất thô chuyển qua sản xuất theo nhu cầu thị trường và nâng cao chất lượng.
Tuyết Nhung