Đài CNN cho biết thiết kế không cửa sổ không chỉ giúp đơn vị vận hành tiết kiệm chi phí, tăng không gian cho tòa nhà mà còn thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn.
Phong cách - lối sống

Lý do trung tâm thương mại thường không có cửa sổ

Cẩm Bình 17:24 25/06/2024

Đài CNN cho biết thiết kế không cửa sổ không chỉ giúp đơn vị vận hành tiết kiệm chi phí, tăng không gian cho tòa nhà mà còn thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn.

Nhiều thập niên trước, người Mỹ thường đổ đến các con phố mua sắm với hàng loạt cửa tiệm do gia đình sở hữu nằm dọc hai bên đường. Cửa tiệm trên phố trưng bày hàng hóa của mình qua cửa sổ lớn.

Một thay đổi lớn đến vào năm 1956: không khí hối hả và nhộn nhịp của phố mua sắm nằm gọn trong tòa nhà hình hộp không cửa sổ. Sự ra đời của trung tâm thương mại ở Mỹ mở ra kỷ nguyên mới kéo dài cho đến ngày nay. Từng chi tiết nhỏ, từ kiến trúc hình hộp đến chậu cây đều được tính toán cẩn thận. Đây là biện pháp tiết kiệm chi phí cho đơn vị vận hành cũng như tác động đến người tiêu dùng thúc đẩy họ mua sắm nhiều hơn. Với ánh sáng nhân tạo không bao giờ tắt bên trong, khách đến trung tâm ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn.

Giám đốc điều hành công ty tư vấn bán lẻ Strategic Resource Group Burt Flickinger còn chỉ ra một lợi ích nữa: tăng không gian để các cửa tiệm đặt thêm kệ hoặc giàn trưng bày sản phẩm, qua đó tối đa hóa doanh số.

“Người tiêu dùng không thể nhìn thấy mưa bão hay bão tuyết do không có cửa sổ. Trung tâm thương mại tạo ra môi trường mua sắm không bị phân tâm. Khi mất đi khái niệm thời gian và cảm thấy thoải mái hơn, mọi người chi tiêu nhiều hơn vì họ chỉ tập trung vào các cửa tiệm và trải nghiệm ở trung tâm thương mại”, theo ông Flickinger.

ly00.jpg
Không gian kín của trung tâm thương mại giúp ích cho việc bán hàng - Ảnh: CNN

Cỗ máy phục vụ việc bán hàng

Trung tâm thương mại không cửa sổ đầu tiên là Southdale Center tại thành phố Minneapolis. Sau đó hàng loạt công trình tương tự mọc lên khắp nước Mỹ.

Người thiết kế nên Southdale Center là kiến trúc sư gốc Áo Victor Gruen. Ông muốn người tiêu dùng choáng ngợp khi bước vào trung tâm, nhìn thấy cửa tiệm cùng quán cà phê được chiếu sáng rực rỡ, một số tác phẩm nghệ thuật được trưng bày. Vùng giữa đặt đài phun nước hoặc giếng trời - nơi duy nhất để ánh sáng tự nhiên chiếu vào.

Phó chủ tịch Hội đồng quốc tế các trung tâm thương mại (ICSC) Stephanie Cegielski cho biết cấu trúc của trung tâm thương mại truyền thống thường theo hình chữ T hoặc hình chữ thập với 4 cửa tiệm nằm mỗi góc. Lúc đi xung quanh “chữ T” thì mọi thứ đều hướng về phía người tiêu dùng, họ luôn bị thu hút bởi hàng hóa thay vì những gì diễn ra bên ngoài.

Thậm chí mặt bên ngoài Southdale Center cũng cố tình bị làm cho buồn tẻ. Nhà phê bình kiến trúc Alexandra Lange nói với CNN: “Trung tâm mua sắm đều tập trung vào không gian bên trong, là cỗ máy phục vụ việc bán hàng”.

ly01.jpg
Trung tâm thương mại Southdale Center - Ảnh: CNN

Giảm chi phí năng lượng

Không cửa sổ đem lại một lợi ích nữa. Nhà nghiên cứu Thomas McMillan (Đại học Texas A&M) cho biết việc làm mát và sưởi ấm bên trong trung tâm thương mại khép kín giúp đơn vị vận hành tiết kiệm không ít. Chi phí năng lượng thường là loại chi phí vận hành cao thứ nhì chỉ sau chi phí thuê lao động.

Thiết kế trung tâm mua sắm truyền cảm hứng cho một loại hình cửa tiệm khác. Cửa tiệm không cửa sổ: siêu thị.

“Cách bố trí cửa tiệm truyền thống thường là bày thực phẩm tươi sống - đặt trong tủ lạnh - xung quanh. Nhưng nếu có cửa sổ thì không gian đặt tủ lạnh ít đi”, bà Lange lý giải.

Ngày nay mọi người đến trung tâm thương mại không chỉ để mua sắm mà còn để giải trí. Bên trong trung tâm giờ đây có cả nhà hàng, rạp chiếu phim, sân gôn mini, sân bóng ném, khu vui chơi cỡ nhỏ...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục
8 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng đồng ý với phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 9 ngày liên tục.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý do trung tâm thương mại thường không có cửa sổ