Một nghiên cứu kết luận rằng tuổi thọ sẽ không tăng thêm nhiều nữa, ngay cả ở Hồng Kông (Trung Quốc), nơi có dân số sống lâu nhất thế giới.
Nhịp đập khoa học

Lý do giới khoa học nên tập trung vào việc giúp con người khỏe mạnh thay vì sống lâu hơn

Sơn Vân 08/10/2024 06:30

Một nghiên cứu kết luận rằng tuổi thọ sẽ không tăng thêm nhiều nữa, ngay cả ở Hồng Kông (Trung Quốc), nơi có dân số sống lâu nhất thế giới.

Loài người sẽ không chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể về tuổi thọ trong thế kỷ này như từng xảy ra trong 100 năm qua vì con người hiện sống quá lâu đến mức họ đạt đến một điểm mà quá trình lão hóa không thể vượt qua được, theo nghiên cứu toàn cầu mới.

Nghiên cứu cho biết thay vì cố gắng giữ cho con người sống lâu hơn, những tiến bộ y học nên tập trung vào việc giúp họ sống khỏe mạnh hơn.

Các nhà nghiên cứu đằng sau phân tích này phát hiện ra rằng Hồng Kông (Trung Quốc) là một "trường hợp ngoại lệ về tuổi thọ", với 12,8% phụ nữ và 4,4% nam giới sinh năm 2019 dự kiến ​​sẽ sống đến 100 tuổi. Con số này so với xác suất trung bình là 5,1% phụ nữ và 1,8% nam giới đạt đến độ tuổi đó trong 10 nhóm dân số được khảo sát. Trong 10 nhóm này, có 8 quốc gia với dân số sống lâu nhất là Úc, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ. Cái tên còn lại là Mỹ.

“Phân tích của chúng tôi cho thấy tỷ lệ sống đến 100 tuổi không có khả năng vượt quá 15% với phụ nữ và 5% với nam giới. Điều này cho thấy rằng, trừ khi quá trình lão hóa sinh học có thể chậm lại đáng kể, việc kéo dài tuổi thọ của con người một cách triệt để là điều không thể trong thế kỷ này. Ở mọi nhóm dân số, gồm cả Hồng Kông, tốc độ tăng tuổi thọ trong thập kỷ gần đây đều chậm hơn so với thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20 (từ 1990 đến 2000)”, nhóm nghiên cứu viết trong bài báo được công bố trên tạp chí Nature Aging được bình duyệt hôm 7.10.

Trong phần lớn thế kỷ 20, tuổi thọ tăng khoảng 3 năm mỗi thập kỷ ở các quốc gia có thu nhập cao nhờ những tiến bộ trong y học và sức khỏe cộng đồng.

Để hiểu liệu sự gia tăng có tiếp tục trong thế kỷ này hay không, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ mỗi nhóm dân số trong giai đoạn 1990 và 2019. Hồng Kông dẫn đầu thế giới về tuổi thọ. Tuổi thọ trung bình khi sinh ra vào năm 2022 là 81 tuổi với nam giới và 87 tuổi với nữ giới, theo Cục Thống kê và Điều tra dân số của Hồng Kông.

Hồng Kông là một trong hai nơi hiếm hoi, còn lại là Hàn Quốc, tiếp tục chứng kiến ​​tuổi thọ trung bình tăng thêm 3 năm mỗi thập kỷ trong giai đoạn nghiên cứu.

"Ở Hồng Kông, điều này chủ yếu là do sự thịnh vượng kinh tế và kiểm soát thuốc lá nhưng tác động tích cực này chỉ rõ rệt trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến 2000", các nhà nghiên cứu cho biết.

Ở các nhóm dân số khác, mức tăng hàng năm về tuổi thọ trung bình khi sinh đã giảm xuống dưới 0,2 năm.

ly-do-gioi-khoa-hoc-nen-tap-trung-vao-viec-giu-cho-con-nguoi-khoe-manh-thay-vi-song-lau-hon.jpg
Sự thịnh vượng gia tăng của Hồng Kông và kiểm soát thuốc lá tốt hơn được coi là lý do chính khiến tuổi thọ người dân ở thành phố này tăng lên - Ảnh: Jelly Tse

"Cuộc chiến của nhân loại để có được cuộc sống lâu dài phần lớn đã được hoàn thành. Đây là sự tôn vinh cho hơn một thế kỷ của y tế công cộng và y học đã thành công trong việc giúp nhân loại chiếm ưu thế trước những nguyên nhân gây tử vong mà từ trước đến nay giới hạn tuổi thọ con người. Với những tiến bộ nhanh chóng đang diễn ra trong geroscience, có lý do để lạc quan rằng cuộc cách mạng tuổi thọ thứ hai đang đến gần dưới dạng những nỗ lực hiện đại nhằm làm chậm quá trình lão hóa sinh học, mang đến cho nhân loại cơ hội thứ hai để thay đổi tiến trình sự sống còn của con người", các nhà nghiên cứu từ Đại học Illinois Chicago, Đại học Hawaii, Đại học Harvard và Đại học California Los Angeles cho hay.

Geroscience là lĩnh vực nghiên cứu sinh học y tế tập trung vào việc tìm hiểu về quá trình lão hóa. Thay vì chỉ tập trung vào việc điều trị các bệnh liên quan đến tuổi già, geroscience đi sâu vào việc nghiên cứu cơ chế gốc rễ của quá trình lão hóa, nhằm mục tiêu làm chậm hoặc thậm chí ngược dòng quá trình này.

Tác giả chính của nghiên cứu, Stuart Jay Olshansky - giáo sư dịch tễ học và thống kê sinh học tại Đại học Illinois Chicago, nói tuổi thọ khỏe mạnh nên là thước đo chính của thành công.

“Phần lớn những người sống đến hơn 60 tuổi đang sống trong ‘thời gian được tạo ra’ bởi công nghệ y tế, dù đó là dược phẩm hay phẫu thuật. Khi tuổi thọ trung bình tăng lên đến 80 tuổi, lão hóa trở thành yếu tố rủi ro chính và thậm chí chống lại những tiến bộ trong công nghệ y tế được thiết kế để kéo dài tuổi thọ. Sự gia tăng tuổi thọ phải chậm lại. Đó chính xác là những gì đã xảy ra trong ba thập kỷ qua”, Stuart Jay Olshansky nói.

Dù việc giảm các bệnh tật nhờ vào tiến bộ y tế giúp kéo dài tuổi thọ, con người vẫn phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe khác đi kèm với quá trình lão hóa tự nhiên, chẳng hạn suy giảm chức năng não, mất khối lượng cơ và mật độ xương hoặc các vấn đề về cột sống.

"Ví dụ, nếu an toàn không chết vì bệnh tim hoặc tiểu đường, bạn có thể sống đủ lâu để mắc bệnh Alzheimer hoặc chứng mất trí nhớ", Stuart Jay Olshansky lý giải.

So sánh với trò chơi Whac-A-Mole (đập chuột chũi), ông nói: "Khi nói đến lão hóa, nếu bệnh tật là nốt ruồi, bạn càng sống lâu, càng có nhiều nốt ruồi và chúng mọc lên nhanh hơn. Cái chết là một trò chơi tổng bằng không. Khi một nguyên nhân tử vong giảm xuống, một nguyên nhân khác sẽ tăng lên vì cái chết là điều không thể tránh khỏ và lão hóa cũng không thể tránh khỏi".

Lấy ví dụ về việc Jimmy Carter trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đạt đến tuổi 100 vào tuần trước, Stuart Jay Olshansky cho biết người đàn ông trăm tuổi này, đang được chăm sóc tại một bệnh viện, đã "lái xe của mình vượt quá thời hạn bảo hành".

“Chúng ta đã tự dồn mình vào thế khó trong việc cố gắng luôn gia tăng thời gian sống, trong khi thực tế, chính sức khỏe mới là tài sản quý giá nhất. Cũng giống như chúng ta ăn mừng những thập kỷ sống thêm mà công nghệ y tế mang lại, giờ đây hãy cùng ăn mừng sức khỏe mà chúng ta có thể tạo ra, không cần phải phóng đại hay thổi phồng rằng chúng ta sẽ sống đến 100 hay 120 năm”, Jimmy Carter bình luận.

Nhóm nghiên cứu 15 nước khởi động kế hoạch giúp con người sống trường thọ hơn

Nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã khởi động kế hoạch quốc tế nhằm tăng số năm khỏe mạnh trong cuộc sống của mọi người bằng cách đề xuất một giai đoạn mới một dự án tiên phong để hiểu sâu hơn về bộ gien người.

Dựa trên những thành tựu mang tính bước ngoặt đã tạo ra trình tự bộ gien người đầu tiên cách đây hai thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã đề xuất giải trình tự bộ gien của hơn 1% dân số thế giới, khoảng 80 triệu người từ hơn 100 quốc gia.

Dữ liệu và phát hiện sẽ được sử dụng để kéo dài tuổi thọ trung bình của mọi người bằng cách cải thiện các hoạt động y tế như xét nghiệm sàng lọc các bệnh di truyền và chẩn đoán bệnh hiếm gặp, cũng như đóng góp vào sự phát triển lĩnh vực y tế cộng đồng chính xác đang phát triển, theo những mục tiêu ban đầu của họ.

Khái niệm này đề cập đến việc "sử dụng các công nghệ tiên tiến, phân tích dữ liệu và can thiệp để ngăn ngừa bệnh tật, thúc đẩy sức khỏe và cải thiện việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở cấp độ dân số", theo đề xuất của Bộ gien người II (HGP2), được công bố trong một bài xã luận trên tạp chí Cell Research.

Các nhà khoa học đến từ Viện nghiên cứu ở 15 quốc gia gồm Trung Quốc, Việt Nam, Mỹ, Úc, Bỉ, Anh, Pháp, Hy Lạp, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Malaysia, Nga, Singapore và Thổ Nhĩ Kỳ, trang SCMP đưa tin.

"HGP2 chắc chắn sẽ không dừng lại ở 1% dân số thế giới. Song khi đạt được các mục tiêu đặt ra cho 1% dân số đầu tiên, chúng tôi tin rằng HGP2 sẽ khởi xướng sự thay đổi mô hình vĩnh viễn hướng tới sức khỏe cộng đồng chính xác trên toàn cầu. Điều này sẽ mở ra cánh cổng cho phần còn lại của nhân loại sử dụng bộ gien của họ để có cuộc sống khỏe mạnh và trường thọ hơn, hoàn thành tầm nhìn của HGP (dự án Bộ gien người)", nhóm nghiên cứu cho biết trong bài viết.

HGP được khởi xướng vào năm 1990 dưới sự lãnh đạo của bác sĩ kiêm nhà di truyền học Francis Collins (người Mỹ), với nguồn tài trợ từ Bộ Năng lượng Mỹ và Viện Y tế Quốc gia Mỹ.

“Nỗ lực quốc tế này nhằm giải trình tự 3 tỉ chữ cái DNA trong bộ gien người được coi là một trong những nỗ lực khoa học đầy tham vọng nhất mọi thời đại, thậm chí còn hơn cả việc phân tách nguyên tử hoặc lên Mặt trăng”, trang web Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết về thành tựu của HGP, được hoàn thành vào năm 2003.

“Chữ cái" ở đây chính là các base nitơ A, T, G, C. Chúng kết hợp với nhau theo trật tự cụ thể để tạo thành một chuỗi dài, giống đoạn văn bản được viết bằng một bảng chữ cái chỉ có 4 chữ cái.

3 tỉ chữ cái đồng nghĩa trong bộ gien người, có khoảng 3 tỉ cặp base nitơ (A luôn kết cặp với T; G luôn kết cặp với C) được sắp xếp theo một trình tự đặc biệt. Trình tự này chính là mã di truyền, chứa đựng thông tin để tổng hợp protein - các phân tử thực hiện hầu hết chức năng trong cơ thể.

Tóm lại, 3 tỉ chữ cái DNA là mã hóa khổng lồ chứa đựng toàn bộ thông tin di truyền của con người.

Nỗ lực này có sự tham gia của nhiều nhà khoa học từ các viện nghiên cứu ở Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nhật Bản, cũng như những viện nghiên cứu của Mỹ bên ngoài NIH. Họ được gọi là Liên minh Giải trình tự Bộ gien người Quốc tế.

Tại Trung Quốc, tập đoàn BGI Group được thành lập vào năm 1999 như tổ chức nghiên cứu để hỗ trợ HGP. 5 nhà khoa học từ BGI Group, có trụ sở chính tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc), cùng hai nhà nghiên cứu từ Đại học Phúc Đán và Đại học Bắc Kinh, là một phần của nhóm quốc tế gồm 21 thành viên đứng sau đề xuất này, do các nhà khoa học Trung Quốc khởi xướng.

Các nhà nghiên cứu cho biết mục tiêu là đưa dự án trở thành “liên minh nghiên cứu toàn cầu” hỗ trợ cho sự hợp tác quốc tế.

"Cần phải tránh nỗ lực dư thừa, nếu có thể, để cung cấp hỗ trợ tối đa cho các sáng kiến ​​khoa học hiện có. Liên minh nghiên cứu này sẽ thúc đẩy 'khoa học nhóm', chứ không phải cạnh tranh. Chúng tôi hy vọng rằng đề xuất này sẽ truyền cảm hứng cho các sáng kiến ​​quốc gia mẫu mực để sớm tổ chức và hợp tác xung quanh các nguyên tắc của HGP2", họ cho biết.

Hầu hết nguồn tài trợ cho HGP2 "sẽ đến từ các ngân sách sáng kiến ​​quốc gia hiện có và tương lai". Các nhà nghiên cứu sẽ làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên Hợp Quốc (UN) để được hỗ trợ tài trợ.

Theo đề xuất, HGP2 cũng sẽ tổ chức một sáng kiến ​​tài trợ quốc tế kiểu Ngân hàng Thế giới cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tham gia vào dự án, để "tất cả có thể mang đến quy mô và đại diện cần thiết" cho nỗ lực toàn cầu.

"Khi chi phí giải trình tự bộ gien bắt đầu giảm xuống dưới 100 USD, bộ gen cá nhân đang nhanh chóng trở nên dễ tiếp cận hơn”, họ cho biết.

Theo báo cáo năm 2011 của Battelle, khoản đầu tư 3,8 tỉ USD của chính phủ Mỹ vào HGP đã thúc đẩy sản lượng kinh tế của Mỹ là 796 tỉ USD và 244 tỉ USD thu nhập cá nhân cho người Mỹ, đồng thời tạo ra 310.000 việc làm. Battelle là tổ chức phi lợi nhuận về khoa học và công nghệ ứng dụng của Mỹ.

Chỉ tính riêng năm 2010, ngành công nghiệp sử dụng các công nghệ và khám phá trong lĩnh vực di truyền học đã tạo ra đủ thuế liên bang và tiểu bang để trang trải tổng số tiền đầu tư của chính phủ Mỹ, đồng thời ghi nhận những tác động tiềm tàng to lớn từ việc giải trình tự bộ gien người trong y học, nông nghiệp, năng lượng và môi trường, theo Battelle.

"HGP có thể được coi là khoản đầu tư có ảnh hưởng lớn nhất từng được thực hiện trong khoa học hiện đại và là nền tảng cho sự tiến bộ trong khoa học sinh học trong tương lai", trích báo cáo của Battelle.

Bài liên quan
Dân công nghệ muốn sống lâu hơn đang dùng liệu pháp peptide gây xôn xao
Dân công nghệ ở Thung lũng Silicon (Mỹ) đang không chỉ nhảy vào nước lạnh, ăn kiêng xen kẽ và kế hoạch tập thể dục khắc nghiệt với mong muốn thông minh hơn và sống lâu hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý do giới khoa học nên tập trung vào việc giúp con người khỏe mạnh thay vì sống lâu hơn