Xiaomi đã giao lô thiết bị cầm tay đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam trong một phần của kế hoạch mở rộng sang Đông Nam Á khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn ở Trung Quốc.

Lý do Apple, Xiaomi và nhiều hãng lớn chọn Việt Nam làm cơ sở sản xuất

Sơn Vân | 07/07/2022, 10:43

Xiaomi đã giao lô thiết bị cầm tay đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam trong một phần của kế hoạch mở rộng sang Đông Nam Á khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn ở Trung Quốc.

Xiaomi (công ty smartphone hàng đầu Trung Quốc) đã làm việc với DBG Holdings (Hồng Kông) tại Việt Nam trong hơn 1 năm để thúc đẩy nguồn cung thiết bị cầm tay trong khu vực Đông Nam Á. Một đại diện của DBG Holdings nói với tờ South China Morning Post thông tin.

DBG Holdings, nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng, đang điều hành một nhà máy rộng 200.000 mét vuông tại tỉnh Thái Nguyên.

DBG Holdings cũng vận hành các nhà máy ở Trung Quốc và Ấn Độ cho các khách hàng, bao gồm cả Huawei Technologies và Lenovo.

Yan Hao, Giám đốc kinh doanh của DBG Holdings, cho biết công ty từ lâu muốn mở rộng sang Đông Nam Á và mục tiêu như vậy phù hợp với kế hoạch của Xiaomi trong khu vực.

Nhà máy đã giao lô smartphone sản xuất tại Việt Nam đầu tiên của Xiaomi vào tháng trước, với các mẫu được bán cho thị trường địa phương cũng như Malaysia và Thái Lan, để giải quyết sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra, theo một báo cáo dẫn nguồn từ một đại lý Xiaomi tại Việt Nam.

Chi phí vận chuyển của Xiaomi đến Đông Nam Á đã tăng do đại dịch và chi phí hậu cần leo thang, vì vậy việc sản xuất tại Việt Nam có thể giúp kiểm soát chi phí”, Xiaomi cho biết trong một tuyên bố qua email.

Động thái này là dấu hiệu mới nhất cho thấy các nhà sản xuất smartphone lớn đang dần chuyển các bộ phận trong chuỗi cung ứng của họ từ Trung Quốc sang Đông Nam Á để tìm kiếm chi phí thấp hơn và sản lượng sản xuất ổn định hơn.

Tháng trước, Apple đã chuyển một số hoạt động sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam sau khi việc phong tỏa ở thành phố Thượng Hải và các khu vực lân cận làm gián đoạn sản xuất, trang Nikkei Asia đưa tin

Nằm ở phía bắc tỉnh Thái Nguyên, nhà máy sản xuất thiết bị cầm tay Xiaomi có diện tích khoảng 200.000 mét vuông và có vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD, theo trang web của DBG Holdings. Nhà máy bắt đầu hoạt động vào tháng 6.2021 và có năng lực sản xuất hàng tháng hơn 2 triệu thiết bị cầm tay.

Trong tuyên bố gửi qua email, Xiaomi cho biết thị phần "sản xuất tại Trung Quốc" các bộ phận trong smartphone và sản phẩm khác của họ đã tăng đều đặn trong những năm qua.

Hiện tại, không có quốc gia nào ở nước ngoài có thể thay thế hệ thống chuỗi cung ứng của Trung Quốc và đây là sự đồng thuận của toàn ngành”, Xiaomi nhấn mạng.

Cũng sản xuất các sản phẩm điện tử tiêu dùng như đồng hồ thông minh và đèn, Xiaomi bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc và sự gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp theo trong năm nay. Lợi nhuận quý 1/2022 của Xiaomi giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó các lô hàng toàn cầu và doanh thu từ smartphone đều giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Xiaomi tại Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ trong cùng thời kỳ. Lần đầu tiên công ty Trung Quốc trở thành nhà cung cấp smartphone lớn thứ hai tại Việt Nam với 20,6% thị phần trong tổng số lô hàng, sau Samsung Electronics (Hàn Quốc) với 31%, theo báo cáo hồi tháng 5.2022 từ hãng  Counterpoint Research.

ly-do-apple-xiaomi-va-cac-hang-lon-chon-viet-nam-lam-co-so-san-xuat.jpg
Khách xếp hàng bên ngoài cửa hàng Mi đầu tiên của Xiaomi tại Hà Nội ngày 12.5.2018 - Ảnh: Xinhua

Ma Jihua, nhà phân tích công nghệ kỳ cựu, nói rằng việc thiết lập dây chuyền sản xuất tại Việt Nam hoặc các thị trường Đông Nam Á khác có thể cải thiện cả chi phí và hiệu quả phân phối của nhà sản xuất thiết bị cầm tay Trung Quốc.

"ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và hợp tác công nghiệp ngày càng chặt chẽ giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ là xu hướng dài hạn cho nhiều ngành công nghiệp, bao gồm cả smartphone", Ma Jihua nói.

Một số ngành công nghiệp khác sử dụng nhiều lao động cũng bắt đầu chuyển sang Việt Nam và các nước ASEAN như nhà sản xuất giày dép, quần áo, đồ nội thất.

Một số nhà sản xuất sản phẩm điện tử cũng nhận thấy xu hướng này những năm gần đây, bao gồm TCL (hãng sản xuất thiết bị gia dụng hàng đầu Trung Quốc) và BOE (nhà sản xuất màn hình hàng đầu Trung Quốc, cung cấp cả sản phẩm cho iPhone).

Trina Solar, một trong những nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời hàng đầu Trung Quốc, cũng đã thiết lập dây chuyền sản xuất tại Việt Nam vào đầu năm 2017.

Samsung Electronics cũng đang sản xuất khoảng một nửa sản lượng đầu ra tại Việt Nam. Tháng 2.2022, công ty Hàn Quốc tiếp tục rót thêm 920 triệu USD để đầu tư vào Việt Nam nhằm hỗ trợ sản xuất bảng mạch và mô đun máy ảnh.

Tháng 2.2022 vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mở rộng dự án thêm 920 triệu USD cho công ty TNHH Samsung Electro - Mechanics Việt Nam.

Với lần điều chỉnh này, vốn đầu tư nhà máy Samsung Electro - Mechanics tại Thái Nguyên đã tăng từ 1,35 tỉ USD lên 2,27 tỉ USD. Nhà máy này sản xuất và lắp ráp các linh kiện, phụ tùng cho các loại thiết bị viễn thông, thiết bị di động công nghệ cao, các loại sản phẩm điện và điện tử khác.

Đầu tháng 6.2022, trang Nikkei Asia đưa tin Apple lần đầu tiên chuyển một số hoạt động sản xuất iPad ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh gián đoạn liên tục do phong tỏa ở các thành phố như Thượng Hải.

BYD, nhà sản xuất và cung cấp iPad lớn ở Trung Quốc, sẽ sớm bắt đầu sản xuất một số lượng nhỏ máy tính bảng Apple tại Việt Nam, cụ thể là nhà máy ở Phú Thọ.

iPad sẽ là dòng sản phẩm lớn thứ hai của Apple được sản xuất tại Việt Nam sau AirPods Pro 2.

Nhà máy sản xuất iPad ở Phú Thọ

Tháng 12.2021, Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Phú Thọ đã cấp giấy phép xây dựng số 33/GPXD cho Công ty TNHH BYD Việt Nam, triển khai dự án Nhà máy điện tử BYD Việt Nam giai đoạn 1 tại Khu công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.

Theo kế hoạch đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký vào tháng 9.2021, dự án bao gồm 2 giai đoạn. Nhà máy BYD Việt Nam giai đoạn 1 gồm nhà xưởng diện tích 200.000 m2, công suất mỗi năm gồm 4.325.069 máy tính bảng và 50 triệu sản phẩm lăng kính quang học.

Tổng vốn đầu tư dự án là 6.231 tỉ đồng, tương đương 270 triệu USD. Nhà máy giai đoạn 1 của BYD dự kiến sản xuất hàng loạt từ tháng 6.2022.

Vào tháng 3.2022, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã phối hợp với Trường Đại học Hùng Vương và Công ty TNHH Điện tử BYD Việt Nam tổ chức diễn đàn trao đổi, cung cấp thông tin về chính sách, quy trình tuyển dụng lao động của công ty.

Apple cũng yêu cầu một số nhà sản xuất tại Trung Quốc dự trữ các bộ phận linh kiện như bảng mạch, chip để bảo vệ khỏi sự gián đoạn nguồn cung trong tương lai và giảm bớt sự gián đoạn do phong tỏa đang diễn ra.

Hơn nữa, Apple còn yêu cầu các nhà cung cấp phải đảm bảo nguồn cung ứng chip, đặc biệt các chip liên quan đến năng lượng dành cho những chiếc iPhone sắp ra mắt. Hãng công nghệ Mỹ đang yêu cầu các nhà cung cấp bên ngoài khu phong tỏa tích trữ lượng hàng tồn kho có thể sử dụng trong nhiều tháng. Yêu cầu này áp dụng cho mọi dòng sản phẩm của Apple gồm iPhone, iPad, AirPods và MacBook.

Việc phong tỏa kéo dài 2 tháng qua ở Thượng Hải đã gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng cho lĩnh vực công nghệ vốn đã bị cản trở bởi tình trạng thiếu chất bán dẫn đang diễn ra.

Hồi tháng 4.2022, Tim Cook - Giám đốc điều hành của Apple ước tính rằng những hạn chế về nguồn cung này sẽ khiến công ty thiệt hại từ 4 tỉ đến 8 tỉ USD.

Quanta Computer, một nhà cung cấp khác cho Apple, đã bị giám sát vì hệ thống làm việc khép kín khiến công nhân phải ở trong các ký túc xá trong khuôn viên và làm dấy lên các cuộc phản đối.

Apple đã có kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để giảm sự phụ thuộc vào việc ra quyết định ở Bắc Kinh và các mối quan hệ thương mại với Mỹ, nhưng điều đó đã bị đình trệ khi đại dịch bắt đầu, theo tờ The Wall Street Journal.

Một số nhà sản xuất iPhone đã được chuyển đến nhà máy Foxconn vào năm 2017 gần thành phố Chennai, Ấn Độ, nhưng khoảng 90% sản phẩm của họ vẫn đang được sản xuất tại Trung Quốc, các nhà phân tích nói với The Wall Street Journal.

Khoảng 58 triệu chiếc iPad đã được xuất xưởng vào năm ngoái, so với 233 triệu iPhone.

Hồi tháng 1.2022, Apple cân nhắc dời một số dây chuyền sản xuất iPad ra khỏi Trung Quốc, song dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát tại Việt Nam khiến kế hoạch chậm trễ, theo nguồn tin của Nikkei Asia.

Google cũng đang cân nhắc chuyển một phần đơn đặt hàng sản xuất smartphone Pixel từ Trung Quốc sang các nhà máy đối tác tại Việt Nam.

Gã khổng lồ internet Mỹ ban đầu dự định sản xuất smartphone tại Việt Nam, nhưng quyết định giữ lại việc này tại Trung Quốc vì đại dịch và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chuỗi cung ứng của nước đông dân nhất thế giới. Thế nhưng, các lệnh phong tỏa liên tiếp ở Trung Quốc khiến Google phải cân nhắc lại điều này, theo một số nguồn tin.

Bài liên quan
Thêm ứng dụng mua xăng từ bảng điều khiển, Apple biến ô tô thành cửa hàng tạp hóa và dịch vụ
Apple muốn bạn bắt đầu mua xăng trực tiếp từ bảng điều khiển ô tô của mình ngay từ mùa thu năm nay, khi phiên bản mới nhất phần mềm CarPlay ra mắt.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
3 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý do Apple, Xiaomi và nhiều hãng lớn chọn Việt Nam làm cơ sở sản xuất