Thị trường NFT không chết nhưng đang dần lụi tàn.

Thị trường NFT sụp đổ cùng tiền mã hóa: Mua NFT giá 2,5 triệu USD, bán được vài ngàn USD

Sơn Vân | 05/07/2022, 14:25

Thị trường NFT không chết nhưng đang dần lụi tàn.

NFT (non-fungible token) là token không thể thay thế. Đây là loại tài sản kỹ thuật số có chứng nhận tính xác thực cũng như chủ sở hữu được đăng ký trên blockchain. Mỗi NFT có chữ ký số riêng và thường được mua bán bằng tiền mã hóa hoặc đồng USD.

Thị trường NFT đã tỏa sáng rực rỡ vào năm ngoái khi các nhà đầu cơ tiền mã hóa chi hàng tỉ USD vào các tài sản rủi ro, làm tăng giá và lợi nhuận. Bây giờ, sau 6 tháng đầu năm 2022, NFT trông thật xấu xí.

Doanh số hàng tháng trên thị trường NFT lớn nhất, OpenSea, giảm xuống còn 700 triệu USD vào tháng 6.2022, từ 2,6 tỉ USD vào tháng 5.2022 và khác xa so với mức đỉnh gần 5 tỉ USD của tháng 1.2022.

Cuối tháng 6.2022, doanh số bán NFT trung bình đã giảm xuống còn 412 USD, từ 1.754 USD vào cuối tháng 4.2022, theo NonFungible.com, trang theo dõi doanh số bán hàng trên blockchain Ethereum và Ronin.

Gauthier Zuppinger, đồng sáng lập NonFungible.com, cho biết: “Thị trường gấu tiền mã hóa chắc chắn đã có tác động đến không gian NFTChúng tôi đã chứng kiến ​​quá nhiều đầu cơ, quá nhiều cường điệu xung quanh loại tài sản này. Bây giờ, chúng tôi thấy một số loại giảm chỉ vì người ta nhận ra rằng họ sẽ không trở thành triệu phú trong hai ngày nữa".

Trong thị trường gấu, giá có xu hướng giảm. Thị trường gấu là một thời điểm đầy thách thức để giao dịch hoặc đầu tư, đặc biệt là với những người mới bắt đầu.

Thị trường NFT sụp đổ cùng với tiền mã hóa, vốn thường được sử dụng để thanh toán tài sản, vào thời điểm mà các ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất để chống lại lạm phát và khẩu vị rủi ro đã cạn kiệt.

Bitcoin đã mất khoảng 57% giá trị trong 6 tháng đầu năm 2022, trong khi Ether giảm 71%.

thi-truong-ntf-sup-do-cung-tien-ma-hoa.jpg
Một NFT hiển thị trên trang web của thị trường NFT OpenSea được nhìn thấy qua kính lúp - Ảnh: Reuters

Mua NTF giá 2,5 triệu USD, bán được vài ngàn USD

Với các nhà phê bình, sự cố xác nhận sự điên rồ của việc mua các tài sản như vậy, các bản ghi có thể giao dịch trên blockchain được liên kết với các file kỹ thuật số như hình ảnh hoặc video, thường là tác phẩm nghệ thuật.

Doanh nhân người Malaysia đã mua NFT dòng tweet đầu tiên của Jack Dorsey, cựu Giám đốc điều hành Twitter, với giá 2,5 triệu USD vào năm ngoái, sau đó phải vật lộn để có được giá thầu hơn vài ngàn USD khi ông cố gắng bán lại nó vào tháng 4.2022.

Dù vậy, Benoit Bosc, Giám đốc sản phẩm toàn cầu của công ty giao dịch tiền mã hóa GSR, coi suy thoái là thời điểm hoàn hảo để xây dựng bộ sưu tập NFT của hãng này-loại tiền mã hóa tương đương với mỹ thuật truyền thống do ngân hàng trưng bày để gây ấn tượng với khách hàng.

Tháng trước, GSR đã chi 500.000 USD cho NFT từ cái mà Benoit Bosc gọi là bộ sưu tập blue-chip (những bộ sưu tập có lượng người hâm mộ trực tuyến lớn).

Các giao dịch mua của Benoit Bosc bao gồm cả một NFT từ Bored Ape Yacht Club (Câu lạc bộ Du thuyền Bored Ape), một bộ 10.000 chú khỉ hoạt hình do công ty Yuga Labs (Mỹ) thực hiện và được quảng bá bởi những người như Paris Hilton, diễn viên hài Jimmy Fallon.

Bored Ape Yacht Club  một tập hợp của 10.000 NFT Bored Ape (vượn người). Những thứ này đại diện cho các bộ sưu tập kỹ thuật số độc đáo được xây dựng trên blockchain của Ethereum

Đó là sự cường điệu xung quanh Bored Ape Yacht Club với Yuga Labs đã huy động được 285 triệu USD vào tháng 4.2022 bằng cách bán token mà đơn vị này cho biết có thể đổi lấy đất trong thế giới ảo theo chủ đề Bored Ape chưa ra mắt.

Yuga Labs là cha đẻ của bộ sưu tập NFT đình đám Bored Ape Yacht Club và là đơn vị phát triển NFT lớn hàng đầu thị trường hiện nay.

thi-truong-ntf-sup-do-cung-tien-ma-hoa2.jpg
Bộ sưu tập NTF Bored Ape Yacht Club từng gây sốt

Tuy nhiên, giá bán trung bình Bored Ape đã giảm xuống còn khoảng 110.000 USD vào tháng 6.2022, giảm một nửa kể từ mức đỉnh tháng 1.2022 là 238.000 USD, theo công ty theo dõi thị trường CryptoSlam.

Tại văn phòng ở New York (Mỹ), Benoit Bosc đặt ba màn hình để hiển thị NFT của ông, bao gồm các ký tự pixel khác nhau và một chiếc Bored Ape được mua với giá 125.000 USD.

Với chúng tôi, đó cũng là một bài tập thương hiệu”, Benoit Bosc nói.

Sở hữu một NFT có giá trị và sử dụng nó làm ảnh đại diện trên phương tiện truyền thông xã hội là một cách để thiết lập "sự tôn trọng, quyền hạn và ảnh hưởng" trong lĩnh vực tiền mã hóa, ông cho hay.

Tương lai ảm đạm của NFT

Tương lai của NFT rõ ràng là không chắc chắn, khi thời đại lãi suất thấp khuyến khích các nhà đầu tư đặt cược rủi ro đã kết thúc.

Một số nhà quan sát thị trường cho biết ảnh hưởng của NFT với thị trường nghệ thuật sẽ thu hẹp lại. Trong khi đó, dù tầm nhìn cường điệu về metaverse dựa trên blockchain vẫn chưa thành hiện thực, những người đam mê hy vọng NFT sẽ làm rung chuyển ngành công nghiệp game, chẳng hạn bằng cách cho phép người chơi sở hữu các tài sản trong game như avatar skin.

Modesta Masoit, Giám đốc tài chính tại công ty theo dõi blockchain DappRadar, cho biết: “Nhiều người đều tin rằng game sẽ trở thành điều quan trọng tiếp theo trong blockchain”. Tuy nhiên, sự kết hợp mạo hiểm giữa chơi game và đầu cơ tài chính này có thể gặp khó khăn.

Theo John Egan, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu công nghệ L'Atelier, hầu hết các game thủ thích các trò chơi không bao gồm NFT hoặc các thành phần "chơi để kiếm tiền".

Dù các quy định tiền mã hóa mới mang tính đột phá được Liên minh châu Âu (EU) đồng ý vào tuần trước hầu như đã loại trừ NFT, Tây Ban Nha đang tìm cách hạn chế cách game bán tài sản ảo lấy tiền thật.

Trong khi đó, game dựa trên NFT lớn nhất, Axie Infinity, đã chứng kiến ​​token trong nó giảm xuống còn chưa đến nửa xu, từ mức cao nhất là 36 xu vào năm ngoái.

Với John Egan, thị trường NFT khó có thể phục hồi ở tình trạng hiện tại.

Ông nói: “Cuối cùng thì đó là một tình huống mà những khoản tiền bất thường đang được trả cho những tài sản có giới hạn bất thường không thực sự tạo ra bất kỳ dòng tiền nào. Thế nhưng, khái niệm cơ bản về việc tạo ra các tài sản kỹ thuật số duy nhất về cơ bản vẫn quan trọng và sẽ có ứng dụng lớn cho lĩnh vực tài chính trong tương lai”.

EU siết chặt quy định chống rửa tiền bằng tiền mã hóa

Ngày 29.6, các nhà đàm phán của EU đã đạt thoả thuận tạm thời về các quy tắc phòng chống rửa tiền điện tử. Đây là động thái nhằm thúc đẩy các công ty tiền mã hóa đề cao việc kiểm tra danh tính khách hàng của họ.

Các công ty tiền mã hóa sẽ buộc phải báo cáo các giao dịch đáng ngờ cho các cơ quan quản lý để ngăn chặn “tiền bẩn”, theo Nghị viện và Hội đồng châu Âu.

Các quy tắc này đang bị phản đối bởi Coinbase Global, sàn giao dịch lớn nhất của Mỹ và vẫn chưa được nhất quán trên phạm vi toàn thế giới.

Sau khi được viết ra, các quy tắc này cần được sự chấp thuận của một số cơ quan để có hiệu lực. Việc giám sát sẽ đảm bảo rằng các tài sản tiền mã hóa có thể được lần ra tương tự như cách chuyển tiền truyền thống.

Ernest Urtasun, nhà lập pháp của Đảng Xanh Tây Ban Nha, nói: “Các quy định mới sẽ cho phép các quan chức thực thi pháp luật có thể liên kết một số vụ chuyển tiền với các hoạt động tội phạm để xác định kẻ thực sự đứng sau các giao dịch đó”.

Trong một bức thư gửi tới 27 bộ trưởng tài chính EU vào ngày 13.4, các doanh nghiệp tiền mã hóa đã yêu cầu các nhà hoạch định chính sách đảm bảo các quy định của họ không vượt ra ngoài các quy tắc hiện hành của Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính toàn cầu (FATF), tổ chức đặt ra các tiêu chuẩn chống rửa tiền.

Hôm 29.6, Nghị viện và Hội đồng châu Âu cho biết các quy tắc được đề xuất cũng sẽ bao gồm cả những ví tiền mã hóa không lưu trữ, do các cá nhân nắm giữ (không được quản lý bởi một sàn giao dịch tiền mã hóa được cấp phép) với các giao dịch vượt quá 1.000 Euro.

Bài liên quan
Nền tảng blockchain của Trung Quốc gặp thách thức với tham vọng toàn cầu
Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình tuyên bố đất nước của ông cần “nắm bắt cơ hội” do công nghệ blockchain mang lại.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị trường NFT sụp đổ cùng tiền mã hóa: Mua NFT giá 2,5 triệu USD, bán được vài ngàn USD