LS.Trương Thanh Đức cho rằng quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là cần thiết. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý về nội dung khống chế lãi vay tại Nghị định 20 là không hợp lý.

LS.Trương Thanh Đức: Khống chế lãi vay với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là bất hợp lý

05/12/2018, 18:24

LS.Trương Thanh Đức cho rằng quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là cần thiết. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý về nội dung khống chế lãi vay tại Nghị định 20 là không hợp lý.

Luật sư Trương Thanh Đức - Ảnh: Báo Giao thông

Trong bài viết Quy định trần lãi vay khiến doanh nghiệp nội ‘kêu trời’, Một Thế Giới đã phản ánh ý kiến của nhiều doanh nghiệp trong nước cho rằng, quy định về tỷ lệ lãi vay tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết đang khiến họ như “ngồi trên đống lửa”, rằng quy định không phù hợp, gây ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Ngày 24.2.2017, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có hiệu lực từ ngày 1.5.2017.

Theo quy định tại khoản 3, điều 8 Nghị định 20, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.

Quy định bất hợp lý

Bình luận về nội dung về khống chế lãi vay tại Nghị định 20, LS. Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là cần thiết. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý và nội dung đang được quy định tại Nghị định 20 của Chính phủ “Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết” còn những điểm chưa hợp lý.

Theo ông Đức, quy định này không đủ cơ sở pháp lý khi “giao dịch liên kết” bị hạn chế quyền của cá nhân và pháp nhân, nên phải được điều chỉnh trong một đạo luật theo quy định tại khoản 2, điều 2 về “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự”, Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo đó, quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Ông Đức nói việc quy định hạn chế trong “giao dịch liên kết” chỉ bảo đảm cơ sở pháp lý sau khi đã được quy định trong Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét thông qua.

Không chỉ không đủ cơ sở pháp lý, ông còn cho rằng quy định này không hợp lý. Trường hợp doanh nghiệp thật sự phải chi trả chi phí lãi vay cao hơn tỷ lệ khống chế nói trên thì quy định của Nghị định là trái luật, vi phạm quyền huy động vốn từ mọi nguồn một cách hợp pháp để phục vụ nhu cầu kinh doanh.

Cụ thể là vi phạm một trong các quyền của doanh nghiệp theo quy định tại khoản 3, điều 7 về “Quyền của doanh nghiệp” trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 là “Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn”.

Bên cạnh đó, quy định “tổng chi phí lãi vay” “không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần...” không phù hợp với một số doanh nghiệp, chưa tính đến yếu tố có hay không có “giao dịch liên kết”.

Ông Đức chia sẻ, nhìn chung doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu vốn, nên phải đi vay là chủ yếu. Trong khi năng lực hạn chế, tài sản bảo đảm ít, không đủ sự tín nhiệm để vay với lãi suất thấp, nên phải vay với lãi suất cao của mọi đối tượng từ các tổ chức tín dụng, công ty mẹ, công ty liên kết, cho đến người lao động và các cá nhân, doanh nghiệp khác. Do đó, nếu “tổng chi phí lãi vay” trên 20%, thậm chí 50% mà là chi phí thật, hợp lý, hợp lệ thì cũng cần phải được chấp nhận.

Yếu tố bất hợp lý tiếp theo là trong mọi trường hợp, tỷ lệ 20% nói trên là nhằm đặt ra giới hạn với mục đích hạn chế tình trạng chuyển giá, dẫn đến thất thu thuế. Chẳng hạn như công ty mẹ ở nước ngoài cho công ty con ở Việt Nam vay vốn tính lãi suất quá cao, dẫn đến công ty ở Việt Nam bị giảm thu nhập, nên không phải nộp hoặc nộp thuế quá thấp.

“Vì vậy, không có lý gì áp đặt đối với các công ty Việt Nam cho nhau vay vốn, kể cả đối với giao dịch liên kết, nếu như không nhằm mục đích chuyển giá, trốn, giảm nghĩa vụ nộp thuế”, ông Đức nhấn mạnh.

Áp dụng máy móc, không cần thiết

Luật sư từ Basico cũng cho rằng quy định này áp dụng không hợp lý. Theo đó, để tránh vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử, nên quy định về “đối tượng áp dụng” của nghị định này là gồm doanh nghiệp thuộc mọi loại hình và tính chất. Tuy nhiên về thực chất, nghị định này chủ yếu nhằm vào mục tiêu chống chuyển giá và chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

“Khác với các giao dịch liên kết đa quốc gia, trong mối quan hệ giao dịch liên kết ở trong nước giữa các doanh nghiệp với nhau, về cơ bản chi phí của doanh nghiệp này sẽ là thu nhập của doanh nghiệp khác và tất cả đều nộp thuế ở Việt Nam”, ông Đức nói.

Do vậy, nếu các cơ quan thuế bắt bẻ các doanh nghiệp Việt Nam trong trường hợp tổng số thuế phải nộp tại Việt Nam giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết không giảm đi hoặc giảm một cách không đáng kể là quá máy móc, không cần thiết, không đúng với tinh thần và mục đích quy định của pháp luật.

Tại hội thảo đối thoại về chính sách thuế và hải quan mới đây, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, việc Nghị định 20 đặt tỷ lệ khống chế 20% là chưa phù hợp với bối cảnh của Việt Nam, dù rằng quy định này là phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Việt Nam chưa có quy định về mức vốn mỏng và tỷ lệ lãi vay với doanh nghiệp khác. Khi tỷ lệ 20% trên áp dụng với đơn vị có quan hệ liên kết có nghĩa là doanh nghiệp không có liên kết thì không bị khống chế”, bà Cúc nói.

Cũng theo bà Cúc, doanh nghiệp mới, vốn thấp thì cần vay để phát triển sản xuất kinh doanh (vay cổ đông, vay ngân hàng...), việc khống chế lãi vay với các bên liên kết, trong khi quy định chưa khống chế vốn vay, dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, Bộ Tài chính cần xem xét lại quy định này để vừa phù hợp thông lệ quốc tế, vừa phù hợp với Việt Nam, tạo điều kiện doanh nghiệp kinh doanh và phát triển.

Cũng liên quan đến vấn đề này, nhiều doanh nghiệp cho rằng có rất nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 20, cũng như có nhiều điểm bất hợp lý, gây thiệt hại đến quyền lợi của doanh nghiệp.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chốt lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các ngày lễ năm 2025
5 giờ trước Sự kiện
Công chức, viên chức được nghỉ Tết Nguyên đán 2025 từ ngày 25.1 - 2.2.2025 (26 tháng chạp năm Giáp Thìn đến mùng 5 tháng giêng năm Ất Tỵ).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
LS.Trương Thanh Đức: Khống chế lãi vay với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là bất hợp lý