Chúng tôi đã nghe đề cập nhiều lần về những rủi ro ngoại hối nhưng trên thực tế phải có một bên chấp nhận chịu những rủi ro này. Nếu các nhà đầu tư nước ngoài phải chịu, họ sẽ tính giá các rủi ro đó vào dự án khiến cho chi phí dự án tăng cao hơn và không mang tính kinh tế cao”, ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam nói.

Đầu tư PPP: Doanh nghiệp ngoại muốn Việt Nam chịu một phần rủi ro về ngoại hối

04/12/2018, 12:58

Chúng tôi đã nghe đề cập nhiều lần về những rủi ro ngoại hối nhưng trên thực tế phải có một bên chấp nhận chịu những rủi ro này. Nếu các nhà đầu tư nước ngoài phải chịu, họ sẽ tính giá các rủi ro đó vào dự án khiến cho chi phí dự án tăng cao hơn và không mang tính kinh tế cao”, ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam nói.

DN nước ngoài kiến nghị về dự án PPP - Ảnh: Internet

Ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam cho rằng, trước khi nguồn tài chính quốc tế có thể “chảy” tới để hỗ trợ chương trình PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) tại Việt Nam thì quan trọng nhất là việc cân bằng hợp lý các rủi ro.

Phải có bên chịu rủi ro ngoại hối

“Chúng tôi đã nghe đề cập nhiều lần về những rủi ro ngoại hối nhưng trên thực tế phải có một bên chấp nhận chịu những rủi ro này. Nếu các nhà đầu tư nước ngoài phải chịu, họ sẽ tính giá các rủi ro đó vào dự án khiến cho chi phí dự án tăng cao hơn và không mang tính kinh tế cao. Vấn đề ở đây là sự cân bằng rủi ro thay đổi theo dự án và tùy hoàn cảnh, và không dễ dàng để viết thành luật”, ông Kenneth Atkinson nêu.

Ông Ryu Hang Ha - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) nêu quan điểm để thúc đẩy đầu tư vào hình thức PPP, các nhà đầu tư cần được cho phép có nhiều lựa chọn khác nhau để huy động vốn đầu tư. Tuy nhiên, hiện các quy định nghiêm ngặt đã trở thành trở ngại cho việc đầu tư.

Trong Nghị định 63/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định về PPP, điểm quan trọng nhất là "sự đảm bảo của chính phủ" đối với việc chia sẻ rủi ro giữa chính phủ và nhà đầu tư vẫn chưa được sửa đổi.

Còn ông Koji Ito - Chủ tịch Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đề nghị quy định rõ hơn về các trường hợp áp dụng luật nước ngoài.

Điều 467 của Nghị định 63 có quy định các hợp đồng có liên quan của dự án có thể áp dụng luật nước ngoài, nhưng Nghị định 63 lại không quy định rõ là có thể áp dụng luật nước ngoài đối với những hợp đồng mà một trong các bên kí kết là pháp nhân nước ngoài hay không?

Bên cạnh đó, cho phép sử dụng trọng tài bên ngoài Việt Nam đối với toàn bộ các dự án hạ tầng, bao gồm cả bất động sản (liên quan đến quy định về giải quyết tranh chấp). Những tranh chấp phát sinh tại các dự án PPP liên quan đến xây dựng, kinh doanh thiết bị cơ sở hạ tầng, có thể hiểu rộng ra là đều thuộc các dự án bất động sản. Do vậy, sẽ ảnh hưởng xấu đến việc thu xếp tài chính cho dự án từ các tổ chức tài chính nước ngoài.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam thường niên 2018

Hiệp hội này cũng đề nghị cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp có quyền thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, quyền kinh doanh thiết bị dự án.

Nghị định 63 có quy định về việc thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, quyền kinh doanh thiết bị dự án. Tuy nhiên, Luật Đất đai và Luật Dân sự lại không quy định rõ việc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam được phép nhận thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Do đó, vẫn còn tồn tại vấn đề là nhà đầu tư và doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn.

Ngoài ra, phía doanh nghiệp Nhật cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam phải chịu một mức độ rủi ro nhất định trong việc chuyển đổi tỷ giá (liên quan đến thanh toán đáo hạn).

Không có dự án PPP thật sự?

Ông Tony Foster - Trưởng nhóm Công tác cơ sở hạ tầng của VBF nhận định, hầu như không có bất kỳ dự án nào tuân theo cơ chế PPP quy định tại Nghị định 15 và Nghị định 63 (Quy Chế PPP).

“Không có dự án PPP nào nhận được nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính căn cứ theo Nghị định 15. Mặc dù có nhiều sự nhầm lẫn trên báo chí về tên gọi của PPP, chúng tôi không biết có bất kỳ dự án PPP nào theo quy chế PPP đã được hoàn thành bởi các nhà tài trợ tư nhân hoặc là dự án được các ngân hàng tư nhân hỗ trợ tài chính”, ông Tony Foster nêu.

Tại sao không có các dự án PPP thật sự? Chuyên gia này đặt câu hỏi và lý giải rằng PPP rất phức tạp, không chỉ ở Việt Nam mà ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của nhà nước là có hạn. Vì vậy, chắc chắn sẽ phát sinh các vấn đề chính trị.

Hơn nữa, PPP chỉ có thể bền vững nếu được thực hiện hiệu quả và công bằng. Điều này có nghĩa là phải xây dựng một đội ngũ chuyên gia là những người có thể quản lý chương trình.

Ông Tony Foster cho rằng các vướng mắc chính đối với PPP hiện nay là không có hướng dẫn hoặc cẩm nang hướng dẫn về việc làm thế nào để nhận được nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính. Do đó, các nhà đầu tư tư nhân và ASAs không biết làm thế nào để được hỗ trợ.

Bên cạnh đó, việc không có các nguyên tắc cung cấp nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính đã khiến nhiều nhà tài trợ và ASAs cho rằng PPP sẽ cần rất nhiều thời gian. Vì thế, dường như là họ không mặn mà lắm với PPP.

Kỳ vọng gì ở luật PPP mới?

Các chuyên gia của nhóm công tác cho rằng luật PPP mới nên có một cách tiếp cận khác, nên xem xét các dự án PPP từ góc nhìn thị trường và thương mại, thay vì góc nhìn của dự án đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân truyền thống. Nhà đầu tư tham gia đấu thầu được tự do cơ cấu dự án theo cách thức tốt nhất và tuân thủ pháp luật hiện hành.

Theo nhóm công tác, một trong những khó khăn mà các dự án PPP gặp phải là việc xác định nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt tài chính cho các dự án. Luật PPP mới nên làm rõ các vấn đề liên quan đến các bảo đảm và bảo lãnh đối với dự án, cũng như các nguyên tắc về chuẩn bị và giải ngân nguồn vốn hỗ trợ bù đắp tài chính cho dự án.

Nghị định 63 quy định nhà đầu tư dự án có thể chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án đã ký kết cho bên cho vay, hoặc nhà đầu tư khác chỉ sau khi hoàn tất việc xây dựng, hoặc là (nếu dự án không có công trình xây dựng) ngày vận hành thương mại. Nghị định 63 không đưa ra bất kỳ ngoại lệ nào cho hạn chế này, nên có thể gây ra quan ngại đối với việc thực hiện dự án PPP.

Lý do là việc chuyển nhượng luôn cần phải được chấp thuận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, là cơ quan sẽ xem xét và chấp thuận nhà đầu tư mới. Việc hạn chế chuyển nhượng này có thể là không cần thiết.

Hơn nữa, việc hạn chế chuyển nhượng cho bên cho vay trước khi hoàn tất xây dựng hoặc trước ngày vận hành thương mại, tùy từng trường hợp, là không thể chấp nhận được đối với bên cho vay. Do dó, quy định này có thể ảnh hưởng đến việc huy động vốn trong giai đoạn xây dựng của các dự án PPP.

Nhóm công tác cũng đề xuất nên bỏ quy định công khai thông tin chi tiết về giá dịch vụ và chỉ giữ lại quy định về công khai các thông tin cơ bản về dự án. Luật PPP mới cũng nên quy định linh hoạt hơn về việc huy động vốn cho dự án, như cho phép các dự án PPP không phải áp dụng các điều kiện về phát hành trái phiếu trong một số trường hợp cụ thể và phụ thuộc vào các điều kiện áp dụng với bên mua trái phiếu…

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư PPP: Doanh nghiệp ngoại muốn Việt Nam chịu một phần rủi ro về ngoại hối