LinkedIn, nền tảng thuộc sở hữu của Microsoft dành cho người tìm việc và nhà tuyển dụng, đóng cửa ứng dụng từng ra mắt ở Trung Quốc cách đây chưa đầy hai năm.

LinkedIn đóng cửa ứng dụng cuối cùng ở Trung Quốc khi cắt giảm việc làm toàn cầu

Sơn Vân | 09/05/2023, 14:34

LinkedIn, nền tảng thuộc sở hữu của Microsoft dành cho người tìm việc và nhà tuyển dụng, đóng cửa ứng dụng từng ra mắt ở Trung Quốc cách đây chưa đầy hai năm.

Động thái này chấm dứt hoạt động trên mạng xã hội còn lại của LinkedIn tại quốc gia châu Á khi đang cắt giảm hàng trăm việc làm toàn cầu.

Ryan Roslansky, Giám đốc điều hành LinkedIn, đã viết trong một bức thư đăng hôm 8.5 rằng công ty đang cắt giảm 716 việc làm trong các hoạt động toàn cầu của mình khi “cạnh tranh khốc liệt” và “tăng trưởng doanh thu chậm lại”. Doanh thu của LinkedIn trong quý 1/2023 tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm hơn so với mức tăng trưởng 10% và 17% trong hai quý trước đó, theo tiết lộ tài chính từ Microsoft.

Tại Trung Quốc, LinkedIn đang sa thải các nhóm sản phẩm và kỹ thuật của mình, đồng thời thu hẹp quy mô các bộ phận doanh nghiệp, bán hàng và tiếp thị, Ryan Roslansky cho biết trong bức thư.

LinkedIn sẽ duy trì các hoạt động về tìm kiếm nhân tài, tiếp thị và học tập để tập trung vào "hỗ trợ các công ty hoạt động tại Trung Quốc tuyển dụng, tiếp thị và đào tạo ở nước ngoài".

Bức thư không nêu rõ quy mô cắt giảm việc làm ở Trung Quốc của LinkedIn.

Trong bức thư riêng bằng tiếng Trung gửi cho khách hàng được đăng trên nền tảng mạng xã hội WeChat, LinkedIn cho biết InCareer, ứng dụng ở Trung Quốc của công ty, sẽ ngừng hoạt động từ ngày 9.8.2023.

LinkedIn đã ra mắt InCareer vào cuối năm 2021 dưới dạng một ứng dụng tìm việc theo cặp, không có nguồn cấp dữ liệu xã hội nên việc tuân thủ các quy tắc kiểm duyệt của Trung Quốc dễ dàng hơn. Hồi tháng 10.2021, Microsoft thông báo sẽ đóng cửa trang mạng xã hội LinkedIn ở Trung Quốc sau khi Bắc Kinh siết chặt kiểm soát các hãng công nghệ nước ngoài.

LinkedIn ra mắt tại Trung Quốc vào năm 2014, tồn tại tương đối lâu ở nước này so với nền tảng nước ngoài khác. Để hoạt động tại đây, LinkedIn đã kiểm duyệt nội dung được chính quyền Trung Quốc coi là nhạy cảm.

Việc kiểm duyệt trên nền tảng đôi khi đã mở rộng ra ngoài các bài đăng bằng văn bản. Vào năm 2021, LinkedIn chặn người dùng Trung Quốc xem tài khoản của nhiều nhà báo Mỹ đã viết bài về các chủ đề nhạy cảm. LinkedIn cũng kiểm duyệt tài khoản của các học giả và nhà hoạt động nhân quyền.

Kể từ khi ra mắt, ứng dụng InCareer đã tụt lại so với đối thủ ở Trung Quốc. InCareer có 959.600 người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 3, theo công ty nghiên cứu thị trường Analysys. Để so sánh, 51job có 18,5 triệu người dùng hoạt động tháng đó, Boss Zhipin có 17,3 triệu, còn Liepin có 6,7 triệu.

Cũng giống một số công ty Mỹ, LinkedIn hiện không còn nền tảng nào hiện diện ở Trung Quốc. Google, Facebook và Twitter đều đã bị chặn bởi Great Firewall (Tường lửa vĩ đại của Trung Quốc), với các dịch vụ liên quan cũng bị chặn những năm gần đây. Gmail đã bị Trung Quốc chặn vĩnh viễn vào năm 2014, trong khi Instagram (thuộc sở hữu của Meta Platforms) cũng chịu chung số phận hai năm sau đó. WhatsApp của Meta Platforms bị chặn vào năm 2017.

Đầu năm 2021, Trung Quốc đã cấm Signal và Clubhouse. 

Signal là ứng dụng liên lạc miễn phí hỗ trợ người dùng gửi và nhận tin nhắn tức thì hay gọi âm thanh hoặc gọi video với hình ảnh chất lượng cao.

Clubhouse là ứng dụng mạng xã hội trò chuyện bằng âm thanh, cho phép người dùng tham gia các cuộc thảo luận dưới hình thức trò chuyện giống như ở các cuộc họp, hội nghị. Trong đó sẽ có một số người chủ yếu nói chuyện và những người khác tham gia để lắng nghe, theo dõi.

linkedin-dong-cua-ung-dung-cuoi-cung-o-trung-quoc.jpg
LinkedIn thông báo đang cắt giảm hơn 700 việc làm trên toàn thế giới và đóng cửa ứng dụng còn lại ở Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Kể từ khi Trung Quốc thắt chặt các quy định về nội dung và dữ liệu vào năm 2021, một số công ty nước ngoài đã đóng cửa trước khi bị chặn.

Cuối năm 2021, Yahoo đã tạm dừng các dịch vụ trực tuyến còn lại của họ tại Trung Quốc, bao gồm ứng dụng Weather (thời tiết) và blog công nghệ Engadget, sau khi các dịch vụ cộng đồng, tin tức và email của họ bị chấm dứt vào năm 2013, còn hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Bắc Kinh bị đóng cửa hồi năm 2015.

Yahoo rời khỏi Trung Quốc vì luật và môi trường khắc nghiệt

Hồi tháng 11.2021, Yahoo cho biết tạm dừng các dịch vụ tại Trung Quốc "trong bối cảnh môi trường kinh doanh và pháp lý ngày càng thách thức".

Công ty đã ngừng cung cấp nội dung cho người dùng ở Trung Quốc kể từ ngày 1.11.2021, theo tuyên bố được công bố trên trang web của họ, hướng người dùng Yahoo và AOL Mail đến các liên kết khác.

Người phát ngôn Yahoo phản hồi hãng tin Reuters trong một email rằng: “Trong bối cảnh môi trường kinh doanh và pháp lý ngày càng thách thức ở Trung Quốc, các dịch vụ của Yahoo sẽ không còn được truy cập từ Trung Quốc kể từ ngày 1.11.2021. Yahoo vẫn cam kết với các quyền người dùng của chúng tôi và một mạng internet miễn phí, cởi mở. Chúng tôi cảm ơn sự ủng hộ của người dùng".

Động thái Yahoo diễn ra sau Microsoft đóng cửa mạng xã hội Linkedin ở Trung Quốc vào tháng 10.2021, đánh dấu sự thoái lui của mạng xã hội lớn cuối cùng từ Mỹ tại quốc gia châu Á. Linkedin đã trích dẫn một "môi trường hoạt động thách thức hơn và các yêu cầu tuân thủ cao hơn ở Trung Quốc".

Yahoo đã thu hẹp đáng kể sự hiện diện của mình ở Trung Quốc vài năm trước đó.

Yahoo gia nhập Trung Quốc vào năm 1998 và năm 2012 đã ký một thỏa thuận với Alibaba để sở hữu cổ phần trong gã khổng lồ thương mại điện tử này. Thỏa thuận cũng chứng kiến ​​Alibaba có được quyền điều hành Yahoo Trung Quốc dưới thương hiệu Yahoo trong thời hạn 4 năm.

Yahoo Trung Quốc sau đó đã đóng cửa dịch vụ email và cổng thông tin điện tử nhưng thương hiệu này vẫn duy trì một trung tâm nghiên cứu, phát triển toàn cầu ở Bắc Kinh cho đến năm 2015.

Việc Yahoo ra đi diễn ra khi Trung Quốc áp đặt những hạn chế mới với các công ty internet của họ trên các lĩnh vực từ nội dung đến quyền riêng tư của khách hàng cũng như các luật mới.

Bắt đầu từ ngày 1.11.2021, Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân (PIPL) được thiết kế để bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu người dùng Trung Quốc trực tuyến đã có hiệu lực.

Các công ty toàn cầu kinh doanh tại Trung Quốc phải tuân thủ PIPL, quy định về việc lưu trữ dữ liệu và đặt ra khuôn khổ nghiêm ngặt cho quyền riêng tư của người dùng ở nước này.

PIPL khuyến khích cư dân mạng chỉ ra hoạt động mạng được coi là "không văn minh" thông qua các công cụ báo cáo được cải tiến để cảnh báo chính quyền Trung Quốc.

Vào tháng 5.2021, Verizon Communications đã bán Yahoo và các mảng kinh doanh truyền thông khác của mình cho công ty cổ phần tư nhân Apollo Global với giá 5 tỉ USD.

Trang web tiếng Trung của blog công nghệ Engadget, cũng đã được bán trong thỏa thuận, không còn hoạt động ở Trung Quốc từ ngày 2.11.2021 và chỉ hiển thị thông báo của Yahoo về việc không còn cung cấp nội dung cho người dùng nước này.

Bài liên quan
Chip mới của Nvidia giúp ngành AI Trung Quốc đứng vững trước lệnh trừng phạt từ Mỹ
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip mà Mỹ áp đặt vào năm ngoái nhằm ngăn chặn Trung Quốc phát triển siêu máy tính để phát triển vũ khí hạt nhân và các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT chỉ có tác dụng tối thiểu với lĩnh vực công nghệ của quốc gia châu Á.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
LinkedIn đóng cửa ứng dụng cuối cùng ở Trung Quốc khi cắt giảm việc làm toàn cầu