Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vừa phối hợp với Vụ Dầu khí và Than tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí năm 2022.

Lấy ý kiến về dự thảo Nghị định liên quan đến Luật Dầu khí năm 2022

H.Đ | 13/02/2023, 17:20

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vừa phối hợp với Vụ Dầu khí và Than tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí năm 2022.

Theo kế hoạch, dự thảo Nghị định trình Chính phủ trước tháng 4.2023 và xây dựng ban hành trước ngày 1.7.2023.

Tại hội thảo, đại diện Vụ Dầu khí và Than (thuộc Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong quá trình xây dựng dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Bộ Công Thương - đơn vị chủ trì soạn thảo đã phối hợp các cơ quan, tổ chức liên quan tiến hành xây dựng Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi), cụ thể: Báo cáo số 110A/BC-BCT ngày 14.12.2020; Báo cáo số 05/BC-BCT ngày 6.1.2021; Báo cáo số 110/BC-BCT ngày 3.12.2022; Báo cáo số 53/BC-BCT ngày 23.3.2022; Báo cáo số 79/BC-BCT ngày 6.5.2022.

Việc Quốc hội ban hành Luật Dầu khí năm 2022 thay thế Luật Dầu khí năm 1993, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2000, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2008 đã đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn đặt ra, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Trong nội dung Luật Dầu khí năm 2022, Chính phủ được giao quy định chi tiết các điều sau: Điều 7, 8, 10, 12, 14, 22, 24, 26, 27, 28, 30, 31, 32, 36, 38, 39, 41, 42, 45, 46, 47, 48, 50, 51, 52, 53, 55, 57. Việc ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí năm 2022 (thay thế Nghị định số 95/2015/NĐ-CP ngày 16.10.2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí và Nghị định số 33/2013/NĐ-CP ngày 22.4.2013 của Chính phủ ban hành Hợp đồng mẫu của Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí) là cần thiết và cấp thiết, để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về dầu khí tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí liên tục, ổn định.

Đánh giá cao nhiều điểm tiến bộ trong Luật Dầu khí 2022, TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam (DKVN) cho rằng, cần phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn cho Petrovietnam. Về hợp đồng dầu khí, theo Chủ tịch Hội DKVN, còn quá phức tạp gây mất thời gian trong quá trình đàm phán. Bên cạnh đó, khi phê duyệt kế hoạch đấu thầu cần làm rõ các quy chế, quy định, yêu cầu… với một thông số mẫu vào hồ sơ mời thầu.

Về vấn đề khai thác tận thu, TS Nguyễn Quốc Thập đề nghị cần sự linh hoạt khi xem xét các cơ chế ở mức ưu đãi hơn trên cơ sở các quy định của hợp đồng cũ. Về vấn đề mỏ nhỏ, mỏ cận biên cũng nên có quy định, tiêu chí chi tiết hơn để xác định, từ đó sẽ đảm bảo quyền lợi lớn hơn cho nhà đầu tư.

Về quy định trình tự, thủ tục kéo dài các lô hợp đồng cũ, ông Hoàng Xuân Dương - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) đề nghị có những quy định cụ thể vì sắp tới PVEP có nhiều lô hợp đồng hết hạn; cho phép sử dụng quyền, nghĩa vụ, pháp lý các tài liệu dầu khí khi thực hiện chuyển tiếp hợp đồng dầu khí cũ sang hợp đồng dầu khí mới.

Đối với vấn đề điều tra dầu khí, TS Phan Ngọc Trung  - Trưởng ban Tư vấn và Phản biện (Hội DKVN) cho rằng, hoạt động này chủ yếu xuất phát từ nguồn vốn nhà nước nhưng thủ tục rất nhiều. Việc quản lý điều tra cơ bản cần phải quy về cho một đầu mối, cụ thể ở đây là Bộ Tài nguyên - Môi trường. Đồng thời, cần có quy định chi tiết hơn đối với từng mỏ vì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thanh, quyết toán các lô.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lấy ý kiến về dự thảo Nghị định liên quan đến Luật Dầu khí năm 2022