Với hơn 500.000 doanh nghiệp trên địa bàn, TP.HCM đang tính toán xây dựng nhóm các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp dẫn đầu Thành phố để hỗ trợ phát triển
6 đề án lớn của TP.HCM
Cuối tuần qua, tại TP.HCM, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức buổi gặp gỡ với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo 6 tỉnh thành gồm Bà Rịa -Vũng Tàu, Long An, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai và các doanh nghiệp.
Tại cuộc gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã thông tin về 6 đề án lớn của TP.HCM tới đây. Đó là xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế; xây dựng cơ chế và hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM; xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm kết nối sàn giao dịch công nghệ, từ đó kết nối với trung tâm đổi mới sáng tạo; xây dựng cảng trung chuyển container tại Cần Giờ; hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc theo vành đai 3 và 4, kết hợp xây dựng các tuyến cao tốc giữa TP.HCM với Mộc Bài, Chơn Thành, mở rộng các tuyến cao tốc đi Long Thành, và Trung Lương - Mỹ Thuận; phát triển chuỗi công nghiệp, đô thị Mộc Bài - TP.HCM - Cái Mép. Đây là dư địa rất lớn cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết nhiều chính sách đột phá và vướng mắc, khó khăn đang được các cơ quan chức năng tháo gỡ và mong cộng đồng doanh nhân chung tay thực hiện hiệu quả các đề án nói trên. Với hơn 500.000 doanh nghiệp trên địa bàn, Thành phố đang tính toán xây dựng nhóm các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp dẫn đầu Thành phố để hỗ trợ phát triển.
TP.HCM và các tỉnh lân cận cần phải triển cơ sở hạ tầng
Báo cáo đánh giá thực trạng môi trường kinh doanh các tỉnh Đông Nam Bộ của VCCI cho biết so với cả nước, năm 2022, TP.HCM và 6 tỉnh trong vùng hiện đang đóng góp khoảng 32% GDP; 40% vốn đầu tư nước ngoài thu hút mới; 35% kim ngạch xuất khẩu; 37% thu ngân sách (riêng TP.HCM: 26,5%); 57% số khu công nghiệp…
Đây cũng là khu vực tập trung các công trình hạ tầng giao thông quan trọng như sân bay, cảng biển, cửa khẩu, cùng với đó là khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm 49,2% tổng số doanh nghiệp logistics của cả nước.
Cũng theo đánh giá của VCCI, các địa phương trong vùng đóng vai trò rất quan trọng với nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, nếu so với những năm trước đây thì tầm quan trọng của vùng đang suy giảm trước sự vươn lên của những khu vực kinh tế khác trong nước.
Cụ thể, tỉ trọng đóng góp về kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách của vùng đang trong xu thế giảm trong những năm gần đây. Vùng Đông Nam Bộ đang gặp những điểm nghẽn về hạ tầng, cơ chế chính sách…, gây cản trở lớn đến tăng trưởng kinh tế của vùng. Trong đó, hạ tầng giao thông chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế, cả đường bộ, đường thủy và hàng không. Các dự án được quy hoạch mang tính kết nối liên vùng như đường cao tốc và đường vành đai đều chậm triển khai…
Sự phát triển của các địa phương cũng gặp khó khăn do tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; vấn đề giải quyết thủ tục về thuế (giai đoạn quyết toán thuế) và đất đai (thời gian xử lý hồ sơ đất đai kéo dài hơn quy định) gây nhiều phiền hà cho các doanh nghiệp; chi phí không chính thức còn phổ biến trong giải quyết thủ tục hành chính…
VCCI kiến nghị trong năm 2023 và các năm tới, các địa phương cần tập trung tháo gỡ, đặc biệt là thúc đẩy liên kết vùng một cách toàn diện, với ưu tiên trước mắt là phát triển cơ sở hạ tầng.