Lão nông Nguyễn Văn Xự (83 tuổi, ngụ xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) tự cho mình là “kỹ sư chân đất”. Những nông cụ tự chế của ông rất được bà con nông dân miền Tây tin dùng vì hiệu quả cao.

Lão nông 83 tuổi ở An Giang chế tạo máy xới '3 trong 1'

Tô Văn | 11/09/2023, 14:12

Lão nông Nguyễn Văn Xự (83 tuổi, ngụ xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) tự cho mình là “kỹ sư chân đất”. Những nông cụ tự chế của ông rất được bà con nông dân miền Tây tin dùng vì hiệu quả cao.

Chiếc máy xới “3 trong 1”

Đến xã Kiến An thuộc xứ Cù Lao Ông Chưởng (huyện Chợ Mới) - vùng đất nổi tiếng trồng rẫy, lúa, trái cây, chỉ cần hỏi nhà ông Xự là người dân ở đây ai cũng biết vì ông vốn nổi tiếng với những sáng chế độc đáo.

1-lao-nong.jpg
Lão nông Nguyễn Văn Xự đang điều khiển chiếc máy xới "3 trong 1" của mình - Ảnh: Tô Văn

Ông Xự năm nay đã 83 tuổi nhưng còn rất nhanh nhẹn. Ông tự tay tháo ráp giàn xới, chỉnh sửa ốc vít không thua gì thanh niên. “Già rồi mà khoái làm thì cứ làm thôi”, ông Xự cười và nói.

Đem chiếc máy xới “3 trong 1” (xới đất, đánh luống, sửa liếp) ra khoe, ông Xự cho biết nếu vừa xới đất, vừa đánh luống, sửa liếp cho 1 công đất thì phải mất 6 lao động làm việc liên tục trong một ngày. Tổng số tiền thuê mướn gần 1 triệu đồng. Đổi lại, với chiếc máy này, chỉ tốn duy nhất 1 người điều khiển, chi phí chỉ còn 1/3 mà thời gian hoàn thành công việc lại nhanh hơn.

“Có chiếc máy này nông dân sẽ không sợ cảnh khan hiếm nhân công. Vả lại trồng rẫy xới đất không giống như trồng lúa. Dân trồng rẫy rất “khó tính” khi xới đất, không muốn để lại dấu vết trên mặt đất. Chiếc máy xới “không bánh” ra đời từ ý tưởng đó và được nhiều người ủng hộ, đón nhận”, ông Xự nói.

3-lao-nong.jpg
Những người thân của ông Xự đang tháo bánh xe để lắp bộ răng xới lăn - Ảnh: Tô Văn
2-lao-nong.jpg
Đây là một trong những bộ phận quan trọng nhất của chiếc máy - Ảnh: Tô Văn

Ông Xự cho biết thêm, để sáng chế chiếc máy này, ông phải lặn lội lên tới TP.HCM tìm mua sườn máy xới loại nhỏ nhất và không cần đầu máy chạy. Khi đem về, ông tháo hết 2 bánh, giàn xới đi, còn các bộ phận khác giữ lại rồi nhờ thợ rèn đúc bộ răng mới theo ý mình, lắp đặt máy nổ 6,5 ngựa; còn bộ nhông và hộp số ông vẫn tiếp tục tận dụng.

“Máy xới hoạt động bình thường, bộ răng xới lăn thay cho hai bánh, không để lại dấu vết trên đất. Tui còn nghĩ ra cách xoay tay lái ngang hông, máy vẫn chạy thẳng tắp”, ông Xự chia sẻ.

4-lao-nong.jpg
Ngoài công dụng xới, chiếc máy "3 trong 1" của ông Xự còn làm được việc đào mương - Ảnh: Tô Văn

Nói về kỹ thuật, ông Xự hào hứng cho biết: “Bà con mình quên mất câu nói “nắng tủ thưa - mưa tủ dày (rơm rạ)”, rồi ít chịu bón phân cân đối nên dễ thất bại. Chi phí đội lên cao, gặp lúc giá bán xuống thấp là lỗ ngay. Còn việc ứng dụng máy móc cũng là một cách để giảm giá thành sản xuất”.

Theo ông Xự, ngoài công dụng xới, chiếc máy này còn làm được việc đào mương. Mương là để chứa nước tưới, vừa làm nhiệm vụ thoát úng, do vậy nó phát huy được hiệu quả trong cả mùa nắng và mùa mưa.

“Muốn đào mương 1 công đất rẫy phải mướn 8 người, làm cật lực trong một ngày mới xong. Trong khi đó, máy xới “3 trong 1” của tui chỉ cần 1 người điều khiển, chi phí đương nhiên rẻ hơn”, ông Xự phân tích.

Hàng trăm chiếc máy bán đến tay nông dân làm rẫy

Đầu tháng 6 vừa qua, ông Xự đã bán cho tỉnh Đồng Tháp được 10 chiếc máy xới “không bánh” chuyên để xới đất phục vụ trồng rau màu và làm vườn, giá khoảng 15 triệu đồng/chiếc. Hiện tại, ông đang lắp đặt tiếp 5 chiếc nữa để bán cho khách hàng ở Đồng Tháp. Trước đó, ông Xự đã cung ứng hơn 200 chiếc về huyện Châu Phú (An Giang), Hậu Giang, Long An, Tiền Giang và TP.Ban Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk).

7-lao-nong7.jpg
Một chiếc máy cắt cỏ cầm tay được ông Xự cải tiến thành máy tưới rẫy - Ảnh: Tô Văn

Trong vòng 10 năm trở lại đây, ông Xự đã có nhiều sáng chế để đời như cải tiến máy cắt cỏ cầm tay dùng tưới rẫy, máy đánh rãnh đường nước trên đất lúa... tuy nhiên, rất ít người biết đến sự sáng tạo của ông. Gần đây nhất, ông cho ra đời máy xới “3 trong 1” khiến nhiều người biết đến và kỹ thuật chắc khó ai lấy được, ít ra là đến thời điểm hiện tại. Đây cũng là "bảo bối" để nuôi sống ông ở tuổi "gần đất xa trời". 

Bằng những thiết kế nông cụ thông minh và tiện ích, ông Xự đã được công nhận là nông dân sản xuất giỏi. Điều bất ngờ là ở tuổi 83, ông vẫn còn cần mẫn với những sáng tạo cho nông nghiệp của mình. 

6-lao-nong6.jpg
Ông Xự được công nhận là nông dân sản xuất giỏi - Ảnh: Tô Văn

Bà Nguyễn Thị Thúy Hậu - Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, cho biết việc ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp, cũng như ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật là hướng đi phát triển nông nghiệp một cách bền vững trên địa bàn huyện.

“Hiện tại diện tích trồng rau màu trên địa bàn huyện Chợ Mới hơn 24.000ha, chưa tính diện tích trồng cây ăn trái là 8.113ha. Nếu có chiếc máy của ông Xự thì người nông dân sẽ nhẹ nhàng trong khâu làm đất, sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế hơn”, bà Hậu nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lão nông 83 tuổi ở An Giang chế tạo máy xới '3 trong 1'