Lạm phát tăng lên mức kỷ lục mới ở 19 quốc gia châu Âu sử dụng đồng euro, nguyên nhân chính là giá khí đốt và giá điện tăng vượt tầm kiểm soát.

Lạm phát ở châu Âu tăng kỷ lục

Bảo Vĩnh | 01/11/2022, 14:42

Lạm phát tăng lên mức kỷ lục mới ở 19 quốc gia châu Âu sử dụng đồng euro, nguyên nhân chính là giá khí đốt và giá điện tăng vượt tầm kiểm soát.

Sức tăng trưởng kinh tế của các nước này cũng chậm lại, các nhà kinh tế học đang sợ sẽ xảy ra suy thoái, chủ yếu vì tình trạng tăng giá khí đốt và điện đang thắt chặt khả năng chi tiêu của người dân châu Âu.

Theo cơ quan thống kê Eurostat của Liên minh châu Âu (EU) ngày 31.10, tỷ lệ lạm phát lên mức 10,7% trong tháng 10 (tăng so với 9,9% hồi tháng 9) và đó là mức tăng cao nhất kể từ năm 1997, khi bắt đầu có các số liệu thống kê cho eurozone (khu vực sử dụng đồng euro).

Các số liệu của Eurostat cho thấy giá lương thực, thuốc lá và rượu đã tăng 13,1%, giá năng lượng tăng đến mức 41,9% so với 1 năm trước đó.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức ghi nhận lạm phát tháng 10 là 11,6%, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 12.1951.

Các số liệu lạm phát thay đổi lớn tùy theo mỗi nước, từ 7,1% ở Pháp cho đến 16,8% ở Hà Lan, và mức lạm phát cao nhất là ở 3 nước vùng Baltic: 22,4% ở Estonia, 21,8% ở Latvia và 22% ở Litva.

Tuy nhiên, số liệu của Eurostat cũng cho biết kinh tế khu vực eurozone trong quý 3 vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021. Nhưng tốc độ đang chậm dần, nếu như kinh tế quý 2 tăng 0,8% so với quý 1, thì kinh tế quý 3 chỉ tăng 0,2% so với quý 2.

Sau khi chiến tranh Nga - Ukraine bùng phát hồi cuối tháng 2, giá khí đốt đã tăng “đỉnh điểm” do Nga cắt nguồn cung cho các nước châu Âu, khiến lục địa già phải trông mong vào các nguồn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) chở bằng tàu từ Mỹ và Qatar để duy trì hoạt động phát điện và sưởi ấm.

Dù châu Âu đã đạt mục tiêu trữ đầy LNG cho mùa đông năm nay, giá cao hơn khiến một số sản phẩm công nghiệp như thép, phân bón có giá bán đắt hoặc không có lời nếu sản xuất, nhất là các nhà máy dùng nhiều năng lượng.

Sức chi tiêu của người dân bị giảm hẳn tại các cửa hàng và những nơi khác, do thu nhập của họ phải dồn nhiều cho việc trả tiền điện, nhiên liệu cùng các mặt hàng thiết yếu như lương thực.

Giá LNG đã hạ trong thời gian gần đây, nhưng vẫn cao trên các thị trường trong những tháng tới, điều cho thấy tình trạng giá năng lượng cao vẫn có thể kéo tụt nền kinh tế.

Tỷ lệ lạm phát trong năm 2023 có thể từ mức 3,6% từng được dự báo hồi 3 tháng trước lên 5,8%, theo một thăm dò của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Lạm phát cao hơn đã gây ra chuỗi chấn động khắp nền kinh tế và thị trường tài chính châu Âu. Điều này khiến ECB phải tăng lãi suất cơ bản từ mức 0,75% lên 1,5%.

Với việc sử dụng năng lượng có thể tăng lên trong mùa đông lạnh, hầu hết các nhà kinh tế học đều dự báo kinh tế châu Âu sẽ thu hẹp trong các tháng cuối cùng của năm 2022 và quý đầu năm 2023.

Theo AP
Copy Link
Bài liên quan
Cuộc sống u ám tại quốc gia có mức lạm phát 100%
Với mức lạm phát có thể lên tới 100% trong năm 2022, người dân Argentina phải tìm mọi cách để tồn tại, kể cả bới bãi rác.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lạm phát ở châu Âu tăng kỷ lục