Các tổ chức tín dụng đang có biện pháp giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, góp phần để nền kinh tế phục hồi.
Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra thông tin tiếp tục giảm 0,5% một số loại lãi suất điều hành, giảm lên tới 0,5%. Đây là lần thứ 3 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm mức lãi suất.
Về việc giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cho biết kinh tế toàn cầu phục hồi thiếu chắc chắn, lạm phát giảm chậm và đã qua đỉnh, rủi ro hệ thống ngân hàng phát sinh tại một số quốc gia lớn và nguy cơ suy thoái kinh tế khiến nhiều ngân hàng trung ương điều chỉnh chậm lại đà tăng lãi suất, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu có thể dừng tăng lãi suất sau lần điều chỉnh tăng ngày 2.5.
Trong nước, 4 tháng đầu năm 2023, một số chỉ số đại diện cho tăng trưởng kinh tế tăng thấp hơn cùng kỳ. Một số tổ chức dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 là 5,8 - 6,8%. Lạm phát có dấu hiệu qua đỉnh, tăng chậm lại trong 4 tháng đầu năm 2023 do tổng cầu yếu và tăng trưởng kinh tế chậm lại, đồng thời giá xăng dầu, nguyên vật liệu trong nước giảm theo xu hướng giá thế giới.
So với cùng kỳ, lạm phát giảm từ mức 4,89% trong tháng 1 xuống 2,81% trong tháng 4, bình quân 4 tháng đầu năm 2023 là 3,84%; lạm phát cơ bản giảm từ 5,21% tháng 1 xuống 4,56% tháng 4, bình quân 4 tháng đầu năm 2023 là 4,9%. Các tổ chức quốc tế dự báo lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 3 - 5,5%.
Thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào và có dư thừa, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế. Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước triển khai linh hoạt, đồng bộ nhiều biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Các giải pháp điều hành linh hoạt thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước đã góp phần bình ổn mặt bằng lãi suất thị trường, hỗ trợ tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.
Trong bối cảnh lạm phát mặc dù tăng nhưng có xu hướng chậm lại, tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn, để giảm lãi suất cho vay và thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5 - 1,5%/năm.
Đồng thời trong tháng 5.2023, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã và đang có những biện pháp giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và việc phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người vay vốn ngân hàng.
Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VNĐ các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thời gian tới, lạm phát toàn cầu được dự báo duy trì ở mức cao, các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong nước, lạm phát chung và lạm phát cơ bản cùng xu hướng giảm nhưng lạm phát cơ bản vẫn tương đối cao.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp, tiếp tục có giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.