Tác giả La Quán Trung dùng thủ bút dìm nhân vật Lã Mông nhưng điều đó lại tạo ra những hiểu lầm, ngộ nhận về vị danh tướng trong lịch sử thời Tam quốc.

Lã Mông - danh tướng bị tiếng oan bậc nhất trong 'Tam quốc diễn nghĩa'

Anh Tú | 05/01/2023, 17:51

Tác giả La Quán Trung dùng thủ bút dìm nhân vật Lã Mông nhưng điều đó lại tạo ra những hiểu lầm, ngộ nhận về vị danh tướng trong lịch sử thời Tam quốc.

Nếu bình chọn những nhân vật lịch sử bị bóp méo nhất trong Tam quốc diễn nghĩa thì có lẽ nhiều người sẽ chọn Lã Mông. Từ một danh tướng, Lã Mông qua ngòi bút của La Quán Trung đã có một cái chết vô cùng bất minh trong khi tên tự của ông là… Tử Minh.

Tam quốc diễn nghĩa là một tác phẩm văn học chứ không phải lịch sử. Tư tưởng của La Quán Trung rất rõ ràng ủng hộ Hán thất và ông ca ngợi hết lời Quan Vũ (Quan công, Quan Vân Trường) - người em kết nghĩa và cũng là đại tướng số 1 của Lưu Bị, như người nhà trời. La Quán Trung đã thêu dệt rất nhiều chiến công cho nhân vật Quan Vũ, còn những thất bại được ghi trong sử sách thì lại tìm cách biện minh.

Tam quốc diễn nghĩa là tiểu thuyết nên La Quán Trung muốn nhào nặn thế nào thì ra thế đó. Và vì Lã Mông dám "cả gan" đánh bại Quan Vũ nên La Quán Trung không ngại ngần việc dùng thủ bút để bôi bác danh tướng này. Nhưng đáng tiếc do phần đông người dân xưa và cả bây giờ không phân biệt nổi lịch sử và dã sử, sự kiện và hư cấu nên có những hiểu lầm tai hại.

Ở hồi 77 Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung viết thế này: “Trong buổi đại tiệc mừng công của Đông Ngô nhân chiếm được Kinh Châu, "hồn" Quan Vũ nhập vào Lã Mông, xưng mình là Hán Thọ Đình hầu, ngồi lên ngai của Ngô chủ, chửi mắng Tôn Quyền một hồi trước khi ngã lăn xuống đất chết”.

Rõ ràng đây là chuyện phi lý. Ấy vậy vì nhiều người lỡ quá yêu Quan Vũ và cả tin La Quán Trung nên tin sự kiện hư cấu đó như cách an ủi nỗi lòng tan nát. Như đã nói, vì muốn thần thánh hóa Quan Vũ nên La Quán Trung đã chủ ý bôi bác… người đã đánh bại Quan. Quan Vũ thì chết mà như sống, thậm chí được hiển linh vài lần, còn Lã Mông thì sống mà như chết, khi bị Quan Vũ hành hình báo thù ngay tiệc mừng công.

lu_meng.jpg

Ở đây cần làm rõ 2 điểm. Lã Mông là danh tướng và giải mã cái chết của ông dưới lăng kính khoa học.

Quan Vũ là danh tướng nhưng Lã Mông cũng là danh tướng. Không phải danh tướng, làm sao thống lĩnh 3 quân được. Lã Mông, đại đô đốc đời thứ 3 nhà họ Tôn cầm quyền Đông Ngô, sinh vào năm 178. Từ nhỏ Lã Mông sống trong cảnh nghèo khổ, khi lớn lên ông nương nhờ người anh rể là Đặng Dương, vốn là tướng dưới quyền của Tôn Sách, thủ lĩnh ở Giang Đông. Năm 16 tuổi, Lã Mông giấu gia đình, bí mật tòng binh.

Sau này, mẹ Lã Mông biết việc nên rất tức giận và ép không cho ông tòng quân nữa. Nhưng Lã Mông giải thích với mẹ rằng "Chúng ta không thể sống nghèo khổ mãi, nếu có thể tự chứng tỏ bản thân qua những công việc khó khăn, thì sự giàu sang mới có thể đến với mình. Nếu không vào hang hổ thì làm sao mà có thể bắt được hổ con".

Cái chí của Lã Mông quả đáng để người đời học tập, dám dấn thân vào đời. So với các danh tướng đương thời được ăn học đầy đủ thì Lã Mông thua thiệt vì nhà nghèo không được đi học. Sử chép Mông thời trẻ không được học tập kinh thư điển tịch, nói thẳng ra là ít học ít chữ, mỗi khi bày tỏ đại sự, thường nói ra miệng để người khác chép làm tấu thư.

Tôn Quyền thấy Lã Mông không có điều kiện học hành nhiều, chủ yếu tiến thân bằng võ nghiệp đánh trận chém giết nên khuyên Lã Mông dù việc quân có bận rộn đến đâu cũng nên dành chút thời gian đọc sách để có kiến thức, biết chữ nghĩa. Lã Mông ngẫm thấy có lý nên nghe theo, nhưng có lẽ chính Tôn Quyền cũng không thể ngờ Lã học nhanh hiểu rộng, nhanh chóng trở thành một bậc tướng quân đại tài. Chính điều này khiến cho Lỗ Túc, người trước đây rất coi thường Lã Mông đã phải thay đổi cách nhìn.

Năm 217, Lỗ Túc lâm bệnh qua đời, Lã Mông lên kế nhiệm chức Đại đô đốc, tiếp nhận hơn trăm vạn quân mã của Đông Ngô. Lúc đó, Đông Ngô có không ít tướng tài như Từ Thịnh, Đinh Phụng, Cam Ninh... nhưng Lã Mông được chọn thì đủ biết Tôn Quyền tin tưởng ông ta thế nào.

Việc Tôn Quyền chọn Lã Mông cũng cho thấy Ngô chủ muốn trao trọng trách đoạt Kinh Châu cho Lã Mông - điều mà hai vị Đại đô đốc trước đó là Chu Du và Lỗ Túc đều không làm được. Lã Mông đã không làm Ngô chủ và nước Ngô thất vọng khi đại thắng danh tướng số 1 thời đó là Quan Vũ - người vừa đánh bại 7 đạo quân của 2 danh tướng Vu Cấm - Bàng Đức, bắt sống cả hai, khiến Tào Tháo sợ hãi suýt muốn thiên đô khỏi Hứa Xương.

Sử chép sau khi Lã Mông lập công lớn nên được Tôn Quyền hậu thưởng, nhưng ông ta lại không có phúc để hưởng. Tôn Quyền cử ông ta làm Thái thú Nam Quận, phong ông ta là Sàn Lăng hầu, thưởng ông ta năm trăm cân vàng, một vạn quan tiền. Tờ sắc phong tước hầu còn chưa tới tay, ông ta đã đột nhiên mắc phải bệnh lạ, một trong những triệu chứng là không ăn được bất cứ vật gì.

Giang Biểu truyện chép: Quyền ở Công An đại hội quần thần, Lã Mông bởi có bệnh nên từ chối dự, Quyền cười nói: “Cái công bắt Quan Vũ, là mưu của Tử Minh, nay công lớn đã thành, còn chưa mừng công khen thưởng, sao lại ủ ê làm vậy? Rồi cấp thêm cho quân bộ kỵ và đội quân nhạc, sắc mệnh tuyển chọn thuộc quan cho Hổ uy tướng quân (cho nhận uy nghi) ở hai quận Lư Giang, Nam Quận. Mông nhận bái phong xong liền quay về doanh, binh mã đi theo trên đường, trước sau đánh trống thổi sáo, sáng choang cả đường”.

Theo Ngô chí, Tôn Quyền lúc ấy đóng ở hành cung trong thành Công An, sai người khiêng Lã Mông vào “nội điện” để đích thân chăm sóc. Tôn Quyền tìm những danh y giỏi nhất tới chữa, đồng thời ra bảng nói nếu ai chữa được bệnh cho Lã Mông sẽ thưởng ngàn vàng. Có lúc thầy thuốc châm cứu cho Lã Mông, Tôn Quyền thấy kim đâm vào thịt Lã Mông cũng cảm thấy đau đớn như chính mình bị châm đốt. Tôn Quyền rất muốn thường xuyên tới thăm Lã Mông nhưng lại sợ ông ta mệt, bèn sai người khoét một cái lỗ trên vách, từ đó nhìn trộm qua xem tình hình Lã Mông thế nào. Mỗi khi thấy Lã Mông ăn được chút gì là mừng rỡ như được vật báu, vui vẻ cười nói với các đại thần tả hữu và bọn thị vệ. Còn nếu thấy Lã Mông không ăn được gì thì mặt ủ mày chau, thở dài sườn sượt, trằn trọc suốt đêm.

Bệnh của Mông đỡ dần, Quyền hạ lệnh xá tội ở trong nước, quần thần đều đến mừng. Sau đấy bệnh lại thêm nặng, Quyền thân đến xem, lệnh sai đạo sĩ ở dưới đài của sao Thần vì Mông cầu đảo xin tuổi thọ. Mông bốn mươi hai tuổi, rút cục chết trong điện (cung vua). Quyền rất xót thương, vì Mông mà giảm cả đồ ăn uống.

la-mong.jpg

Cho đến giờ, không ai biết nguyên nhân vì sao Lã Mông qua đời mà chỉ đưa ra những phỏng đoán. Chẳng hạn như Lã Mông đột ngột qua đời vì trúng gió hay đột quỵ do ông uống rượu nhiều, và thời nhỏ sống quá khổ cực. Phim Tam Quốc diễn nghĩa 2010 thì ngụ ý Lã Mông do trái lệnh Tôn Quyền, cố gắng truy sát Quan Vũ làm hỏng đại cục nên bị Tôn Quyền ngầm đầu độc, về nhà thì chết, để phạt tội trái lệnh và để Ngô chủ thanh minh với Lưu Bị về cái chết của Quan Vũ.

Nhưng triệu chứng không ăn được bất cứ thứ gì trong một thời gian dài trước khi chết thì rất có thể là bị khối u ở cổ họng, hoặc thực quản dẫn đến ung thư, thứ nan y mà các thầy thuốc ngày đó không thể chữa nổi. Cũng với triệu chứng này, trong tập biên khảo Khổng Minh Gia Cát Lượng đại truyện, học giả Trần Văn Đức viết rằng Lã Mông đã bị viêm loét dạ dày giai đoạn cuối, đơn giản là không thể chữa trị.

Do vậy, việc Lã Mông trình kế sách vờ cáo ốm xin Tôn Quyền cho về Kiến Nghiệp dưỡng bệnh đầu năm 219 để khiến Quan Vũ chủ quan, không phòng bị mặt đông, qua đó dễ dàng triển khai sách lược chiếm Kinh Châu sau này, thực ra một phần cũng bởi ông… bệnh thật. Có lẽ Quan Vũ thông qua tình báo cũng biết Lã Mông bị bệnh nặng thật nên mới chủ quan dốc toàn bộ quân đội đi đánh Tào Nhân, chứ nếu Lã Mông đột nhiên giả ốm thì người thạo binh thư như Quan Vũ đâu dễ tin để hành động cẩu thả như vậy.

Điều ấy cũng cho thấy Quan Vũ thua Lã Mông không phải vì Quan Vũ dở, kiêu ngạo như trong tiểu thuyết, mà chẳng qua ông gặp phải Lã Mông quá giỏi mà thôi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giải trình cụ thể về chính sách đột phá tiền lương giáo viên
1 giờ trước Giáo dục
Sáng 20.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà giáo. Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) có giải trình cụ thể về ý kiến đại biểu nêu ra liên quan chính sách đột phá về tiền lương, phụ cấp của nhà giáo tại dự luật.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lã Mông - danh tướng bị tiếng oan bậc nhất trong 'Tam quốc diễn nghĩa'