Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay
Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay

Kỳ 78: Ấn Độ “cần có vũ khí hạt nhân để răn đe Trung Quốc”

01/11/2014, 05:01

Tại hội đàm với tổng thống Mỹ Bill Clinton cách đây 20 năm - vào 1994 - thủ tướng Ấn Độ P.V. Narasimha Rao một lần nữa khẳng định Ấn Độ vẫn tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình trước mưu đồ bành trướng của Trung Quốc….

Bill Clinton viết: “với dân số gần một tỷ, Ấn Độ là quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới” (nằm cạnh nước Trung Hoa cộng sản “số một thế giới” - như chủ tịch Mao Trạch Đông từng tuyên bố trong tiệc đón mừng tổng thống Mỹ Nixon sang thăm Bắc Kinh năm 1972 - xem Kỳ 24) có đường biên giới chung hơn 3.500km, đã không tránh khỏi nhiều lần đổ máu bởi những đợt đụng độ vũ trang với quân đội Mao Trạch Đông.

Về phía Mỹ, Bill Clinton (nhiệm kỳ 1993 - 2001) nhắc: “chiến tranh lạnh cùng các chính sách ngoại giao vụng về đã chia rẽ Hoa Kỳ và Ấn Độ quá lâu (…)tôi nghĩ mình có cơ hội cũng như bổn phận cải thiện quan hệ Mỹ - Ấn”. Song rắc rối do “mâu thuẫn giữa một bên là nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn cản sự lan tràn của vũ khí hạt nhân - với một bên là định hướng của Ấn Độ nhằm phát triển loại vũ khí này, vì họ cho vũ khí hạt nhân là không thể thiếu để răn đe Trung Quốc (Bill Clinton – My Life – Bản tiếng Việt: Đời tôi – Trần Hà và Phan Thanh Toàn dịch, 1375 trang, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội quý II-2007, tr. 841).

Định hướng trên của Ấn Độ được thủ tướng Narasimha Rao lặp lại một lần nữa qua hội đàm với tổng thống Bill Clinton trong chuyến thăm Mỹ giữa thập niên 1990 làm Nhà Trắng không mấy vui vẻ, song cuối cùng Bill Clinton cũng ghi nhận:
“Người Ấn Độ cho rằng tiếp tục chương trình hạt nhân là quyền chính đáng của mình và quyết tâm không để Hoa Kỳ can thiệp (…) dù không giải quyết được các bất đồng (về hạn chế vũ khí hạt nhân) song thủ tướng Rao và tôi cũng đã mở ra một chương mới trong quan hệ Mỹ - Ấn mà sau đó ngày càng thân thiện hơn”.
Những rò rỉ thông tin về hội đàm (giữa Clinton và Narasimha Rao) cho biết Ấn Độ kiên quyết nắm trong tay vũ khí hạt nhân để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc trên đường phục hồi chủ nghĩa Đại Hán do Mao Trạch Đông phát động và các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải kế tục.
Văn kiện của Bộ ngoại giao Việt Nam 4.10.1979 cũng chỉ rõ: “Trung Quốc đã muốn chiếm đất đai của Ấn Độ và thực tế đã chiếm một bộ phận đất đai của Ấn Độ trong cuộc chiến tranh năm 1962”. Qua năm sau (1963), Mao Trạch Đông đào sâu thêm hố chia rẽ giữa Ấn Độ và Pakistan (vốn tranh chấp trường kỳ về chủ quyền của hai bên đối với vùng đất Kashmir) bằng thủ đoạn “nhường” Pakistan “ 300 ki-lô-mét vuông lãnh thổ hiện đang thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc” (theo hiệp định biên giới Pakistan - Trung Quốc ký ngày 2.3.1963 tại Bắc Kinh).
Thủ đoạn đó của Mao Trạch Đông bị chính phủ Ấn Độ lên tiếng phản đối: “Trung Quốc và Pakistan đều không có quyền ký hiệp ước biên giới liên quan đến lãnh thổ mà theo luật pháp thuộc vùng đất của Ấn Độ” (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, tài liệu đã dẫn Kỳ 58, tr.244).

Trở lại chuyện “vũ khí hạt nhân”:

* Về phía Mỹ:

Một số quốc gia không tự mình sản xuất và sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng được Mỹ chia sẻ để quản lý loại vũ khí nguy hiểm này, như Đức, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Bỉ. Nước Anh là quốc gia đầu tiên trong số các thành viên NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương với cơ quan quyền lực cao nhất gồm các Bộ trưởng Quốc phòng) tuyên bố đồng ý để “Mỹ đặt 160 tên lửa hạt nhân tại hai sân bay cách thủ đô Luân Đôn 97km” (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, tài liệu đã dẫn, tr.313). Sẽ còn quốc gia nào trên thế giới nhận thêm “tài trợ đặc biệt” vũ khí hạt nhân Mỹ những thập niên tới?

* Về phía Trung Quốc:

Hội đàm với thủ tướng Australia Gough Whitlam (dài 100 phút) vào một chiều tháng 11.1973 tại Trung Nam Hải, Mao đã phát biểu Mao “không bận tâm” trước phản đối của cộng đồng quốc tế về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân do Trung Quốc đang tiến hành. Buổi tiếp kiến có mặt thủ tướng Chu Ân Lai và Chu Ân Lai đã ghi chép đoạn đối thoại giữa Mao và Gough Whitlam được Trần Trường Giang trích lại trong “Mười năm cuối đời của Mao Trạch Đông” (sđd Kỳ 8, tr. 289):

Gough Whitlam nói:

- Tôi luôn phản đối Trung Quốc thử vũ khí hạt nhân

- Vấn đề mà ngài đề cập đến chúng tôi không bận tâm !

Vị thủ tướng này (Gough Whitlam) nói rằng các nước như Australia, Nhật Bản và các quốc gia khác đều phản đối Trung Quốc thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Mao Chủ tịch nói rằng: “Đó là việc làm theo phép cần thiết (việc làm lấy lệ)”.

Tại sao Trung Quốc lạnh lùng xúc tiến chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, mặc cho phản ứng của cộng đồng quốc tế, đe dọa an ninh các nước láng giềng, mà Ấn Độ lại không thể? Ấn Độ tiếp tục “vận hành kỹ thuật” để khép kín quy trình hạt nhân đã định của mình… Và, nửa năm sau cuộc gặp giữa Mao Trạch Đông và Gough Whitlam, lần đầu tiên Ấn Độ thử nghiệm thành công bom nguyên tử ngày 18.5.1974, trở thành quốc gia thứ sáu trên thế giới sở hữu vũ khí hạt nhân (cùng Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp và Trung Quốc) - sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc trong trận chiến vốn được cảnh báo sẽ “không có kẻ thắng người thua”, mà chỉ còn lại những hồn ma đây đó… (còn nữa).

Giao Hưởng

Bài liên quan
Siêu máy tính Trung Quốc đứng đầu danh sách hiệu suất điện toán AI toàn cầu
Do các nhà khoa học quân sự Trung Quốc chế tạo, siêu máy tính Tianhe một lần nữa đứng đầu trong cuộc thử nghiệm quốc tế về hiệu suất điện toán trí tuệ nhân tạo (AI).

(0) Bình luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 78: Ấn Độ “cần có vũ khí hạt nhân để răn đe Trung Quốc”