Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng

TS Lê Thành Ý 29/04/2024 06:00

Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.

Thách thức kinh tế trong năm 2024

Thuế tối thiểu toàn cầu ở mức 15% được áp dụng từ ngày 1.1.2024 ở hầu hết các nước, bao gồm tất cả các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Theo nguyên tắc áp dụng, thuế tối thiểu chưa phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên đến nay, hầu hết các nước đều đã luật hóa thuế này trên cơ sở thu ít nhất 15% lợi nhuận đối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có hoạt động kinh doanh sản xuất trên địa bàn. Nếu doanh nghiệp, tập đoàn nộp không đủ 15% lợi nhuận tại một quốc gia, thì sẽ phải nộp bổ sung tại một quốc gia khác.

Đánh giá tác động sơ bộ cho thấy thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt đối là việc thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, giữ chân các dự án hiện có và duy trì các doanh nghiệp vệ tinh thuộc chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư vì thuế này sẽ vô hiệu hóa những ưu đãi về thuế hiện đang áp dụng tại Việt Nam. Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có ảnh hưởng mạnh đến vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Tác động và lợi thế của thuế tối thiểu là khiến tất cả các nước cạnh tranh cùng Việt Nam trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Cho đến nay, chưa một quốc gia nào công bố chính thức thay đổi chính sách ưu đãi đầu tư để đối phó với tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Song, chúng ta cần nghiên cứu để có chính sách phù hợp nhằm duy trì và nâng cao tính cạnh tranh trong thu hút FDI.

Song hành cùng thuế tối thiểu là thuế môi trường được áp dụng ở nhiều nước đối tác thương mại. Theo đó, các mặt hàng hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu sự đánh giá về cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất và chịu thêm thuế nếu không bảo đảm yêu cầu đặt ra. Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội đã phối hợp với các bộ ban ngành, cũng như các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế để xây dựng thị trường tín chỉ carbon, xây dựng hệ thống đánh giá, kiểm đếm, chứng chỉ và đào tạo nguồn nhân lực để nhanh chóng thích nghi với tình hình mới. Tuy nhiên, tốc độ thực hiện phải được đẩy nhanh hơn nếu không muốn bị tụt hậu so với các đối tác, đối thủ cạnh tranh và các nước phát triển khác.

Về nguồn cung năng lượng, tại kỳ họp thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường đã nêu rõ 3/6 chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đang biến động theo chiều hướng bất lợi, đặc biệt là nguồn cung trong nước không đủ, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Tài nguyên năng lượng sơ cấp của Việt Nam ngày càng cạn kiệt; thủy điện về cơ bản đã khai thác hết, sản lượng dầu khí giảm nhanh. Chiến tranh ở những nước cung ứng năng lượng và các rủi ro đối đầu quân sự kéo dài cũng đặt áp lực lớn lên nguồn năng lượng nhập khẩu của Việt Nam. Vào giữa năm 2023, thiếu điện cho sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt là điều nổi bật. Không chỉ người dân, doanh nghiệp trong nước mà các doanh nghiệp FDI cũng đã nhiều lần kiến nghị chính thức tới các cấp có thẩm quyền. Đây là một trong những yếu tố lớn khiến việc sản xuất kinh doanh, cũng như các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của Việt Nam không phát triển tích cực trong năm 2023. Điều này có thể lặp lại trong năm 2024.

Tại COP26 và COP28, Thủ tướng Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, quyết liệt về việc đưa mức phát thải ròng bằng 0 - "Net Zero" vào giữa thế kỷ này, cũng như tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Đây là một cam kết phù hợp với xu thế thời đại, xác định chiến lược phát triển dài hạn hợp lý của Việt Nam. Tuy nhiên, con đường cụ thể thực hiện những cam kết còn nhiều chông gai với những thách thức lớn, bao gồm cả hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh, công nghệ chưa bắt kịp yêu cầu và thói quen sản xuất, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Giải quyết những thách thức ấy trong năm 2024 là điều không dễ, do vậy cần có những chiến lược, chính sách, kế hoạch cụ thể ngay từ giờ để vừa đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng của nền kinh tế, vừa từng bước chuyển đổi thành công sang nguồn năng lượng sạch và bền vững. Những chiến lược, chính sách, kế hoạch cụ thể để đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng của nền kinh tế, từng bước chuyển đổi thành công sang nguồn năng lượng sạch, bền vững là rất cần thiết.

Nền kinh tế Việt Nam phải chịu nhiều biến động trong năm 2024 khi Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm lãi suất cơ bản để kích cầu kinh tế nội địa. Khi Fed tăng lãi suất liên tục và duy trì ở mức cao để đối phó với lạm phát, thì sự linh hoạt, chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ sẽ tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất ổn định và giảm thấp.

Nền kinh tế và thị trường tài chính nước ta được duy trì ổn định và tiếp tục phát triển trong năm 2023, khi các chỉ số lạm phát luôn nằm trong tầm kiểm soát. Năm 2024, khi Fed giảm lãi suất, nhiều khả năng mặt bằng lãi suất thế giới thay đổi, diễn biến giá cả và kinh tế thế giới trở nên khó lường, nhiều khả năng biến động của nền kinh tế đòi hỏi họạt động sản xuất kinh doanh và quản lý phải sôi động hơn.

Mặc dù năm 2023 ghi nhận sự nỗ lực vượt bậc thực hiện vốn đầu tư công của Chính phủ và các cấp chính quyền, nhưng ở khía cạnh khác, luật định và những quy định trong lĩnh vực này được coi là rào cản chính trong việc giải ngân nguồn ngân sách nhà nước nhưng chưa có những thay đổi căn bản. Duy trì được mức tăng trưởng như năm 2023 trong năm 2024, đặc biệt là việc thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm như sây bay, cầu đường vẫn là những thách thức lớn.

Triển vọng của năm 2024

Theo các chuyên gia kinh tế, với những thách thức do xung đột địa chính trị và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nguy cơ lạm phát tại các thị trường chủ chốt của Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn do thị trường trong nước còn yếu, đầu tư khu vực tư nhân chưa phục hồi. Tuy nhiên, những điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2023 và những động lực cho tăng trưởng hiện tại sẽ tạo đà tăng trưởng cho năm 2024 và các năm tiếp theo.

Từ tầm nhìn doanh nghiệp, 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt 322,5 tỉ USD, tuy giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước, song xuất siêu đạt 28 tỉ USD. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với kim ngạch 11 tháng đạt 88 tỉ USD. Ưu tiên sản xuất những mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu cho thị trường này là hướng đi mà các doanh nghiệp cần quan tâm lựa chọn trong thời gian tới. Việc Fed tạm ngừng tăng lãi suất sẽ giúp cho nền kinh tế Mỹ phục hồi, đồng thời cũng tác động tích cực đến các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Chính phủ Mỹ chi tiêu mạnh hơn sẽ tạo thuận lợi xuất khẩu vào thị trường này.

Với thị trường trong nước mở rộng, bên cạnh việc ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách kích cầu và chính sách tiền tệ trong năm 2024 là nhữngvấn đề lớn cần được quan tâm. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 trên thế giới có thể giảm nhẹ nhưng ở Việt Nam, giới nghiên cứu và các tổ chức kinh tế quốc tế đều dự báo có thể phục hồi ở mức 6 - 6,5%. Để đảm bảo mức tăng trưởng này, những cơ chế, chính sách về tài khóa từ năm 2023 cần được tiếp tục vận dụng. Các chính sách tiền tệ, như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cũng cần kéo dài thực hiện cho đến hết năm.

Với các doanh nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại, đa dạng hóa nguồn vốn, nâng cao tính thích ứng, và nhất là nhanh chóng chuyển đổi theo hướng xanh hóa và số hóa phù hợp với khả năng chi trả của người dân cần được khai thác, mở rộng.

Năm 2023 là một năm nỗ lực vượt khó của nền kinh tế, với thành công đáng kể thể hiện trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, các thách thức đa chiều còn là bài toán phức tạp cần được giải quyết cho năm 2024 và những giai đoạn sau này. Cho đến nay, các tổ chức trong nước và quốc tế vẫn thể hiện niềm lạc quan về sự phát triển kinh tế-xã hội và đánh giá cao khả năng tăng trưởng của Việt Nam.

Để hiện thực hóa được những lạc quan, bảo đảm đáp ứng kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp và xã hội, Chính phủ, các bộ ban ngành và cấp chính quyền địa phương cần duy trì tinh thần quyết tâm như những tháng cuối năm 2023 và bắt tay hành động ngay từ những ngày đầu của năm 2024. Theo đó, hành lang pháp lý về chuyển đổi năng lượng, thu hút đầu tư, môi trường kinh doanh, thực hiện đầu tư công... cần có chuyển biến rõ rệt. Các chính sách điều hành về tài khóa, tiền tệ cần được tiếp tục phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt và chủ động hơn. Những tác nhân của thị trường tài chính, vốn, đất đai, lao động, khoa học-công nghệ cần được khuyến khích phát triển và chủ động trong việc tham gia quản trị, xây dựng và phát triển các thị trường, bảo đảm nền kinh tế vận hành theo đúng định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Năm 2024 là năm nhiều thách thức, nhưng cũng có nhiều cơ hội cho sự bứt phá và chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam theo hướng linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, hội nhập và bền vững.

Bài liên quan
Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản
Ngày 22.11, tại Cần Thơ, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ phối hợp với Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo khởi động dự án “Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững và Tham vấn các giải pháp đổi mới sáng tạo ngành tôm Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” (viết tắt là Dự án).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng