Theo Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hoà Bình, mục tiêu kiến tạo là phải có một nền hành chính thông thoáng, vì người dân; phục vụ đắc lực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp.
Theo dòng thời sự

Kiến tạo nền hành chính thông thoáng vì dân

Lam Thanh 26/11/2024 13:48

Theo Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hoà Bình, mục tiêu kiến tạo là phải có một nền hành chính thông thoáng, vì người dân; phục vụ đắc lực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp.

Ngày 26.11, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Chính phủ có buổi làm việc với 3 bộ (Quốc phòng, Ngoại giao, Thông tin - Truyền thông) và 8 địa phương (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Hải Dương, Tây Ninh) về công tác cải cách TTHC.

Cắt giảm, đơn giản hóa TTHC còn chậm

Báo cáo tổng hợp kết quả triển khai nhiệm vụ công tác 10 tháng năm 2024 của 3 bộ, 8 địa phương cho thấy công tác cải cách, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công được các bộ, địa phương nỗ lực triển khai.

Cụ thể, việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, Bộ Quốc phòng đã hoàn thành thực thi cắt giảm, đơn giản hóa 11/35 thủ tục, còn 24 thủ tục chưa đơn giản hóa; Bộ Thông tin - Truyền thông đã thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với 101/202 quy định kinh doanh, còn 101/202 quy định chưa thực thi.

Đối với việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến dân cư, Bộ Quốc phòng đã cắt giảm, đơn giản hóa 30/52 thủ tục, giấy tờ công dân; Bộ Thông tin - Truyền thông đơn giản hóa giấy tờ công dân đối với 48/68 thủ tục; Bộ Ngoại giao đã cắt giảm, đơn giản hóa 25 TTHC.

Về tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC và đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia của các địa phương: Cần Thơ đạt 100%, Tây Ninh 98,56%, Hải Phòng 77,17%, Hải Dương 72.06%, Hà Nội 65,82%, TP.HCM 39,59%... Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC của Bộ Quốc phòng đạt 96,76%, Bộ Thông tin - truyền thông 46,53%...

binh-2.jpg
Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình làm việc về công tác cải cách thủ tục hành chính

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch với các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu thực hiện đến năm 2025 nhằm cải cách mạnh mẽ quy định TTHC và nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay các văn bản thực thi phương án đơn giản hóa còn chậm được ban hành, một số phương án đã được phê duyệt nhưng chưa hoàn thành thực thi (Bộ Quốc phòng còn 12 văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Thông tin - Truyền thông còn 22 văn bản, Bộ Ngoại giao còn 3 văn bản cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung). Việc triển khai rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ tại các bộ, địa phương còn chậm, lúng túng.

Về cải cách việc thực hiện, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công, các bộ, địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện công tác này và đạt một số kết quả nổi bật.

Cụ thể là việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia được thực hiện khá tốt; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh đã kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đã được tập trung thực hiện và có kết quả cao tại một số bộ, địa phương…

Tuy nhiên, tình trạng công bố, công khai TTHC chưa đầy đủ, kịp thời; việc thực hiện tái cấu trúc quy trình TTHC, dịch vụ công chưa thực chất, còn phức tạp; việc số hóa vẫn còn chậm và chưa phát huy được hiệu quả, đặc biệt là tỉ lệ tái sử dụng dữ liệu số hóa còn rất thấp, như tại Bộ Ngoại giao, Đà Nẵng, Hải Phòng…

Ngoài ra, việc kết nối giữa cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin dịch vụ công tập trung thuộc phạm vi quản lý của bộ ngành với hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh còn chậm; có nơi, có chỗ việc triển khai cải cách còn chưa quyết liệt; còn tình trạng nhũng nhiễu, phát sinh thủ tục, hồ sơ, giấy tờ không đúng quy định...

Kiến tạo nền hành chính thông thoáng vì người dân

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh công tác cải cách TTHC được Chính phủ xác định rõ đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp căn cơ tạo động lực phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo Phó thủ tướng thường trực, những thành tố tạo nên nền hành chính gồm: Thể chế hành chính (hệ thống pháp luật), bộ máy hành chính, công chức hành chính, thủ tục hành chính, hạ tầng cơ sở để thực thi nền hành chính (hiện nay là hạ tầng số và hạ tầng công nghệ thông tin), sự tham gia của người dân vào tiến trình thực hiện và cải cách TTHC.

"Một nền hành chính tốt thì các thành tố trên phải tốt, hoạt động trơn tru, hiệu quả", Phó thủ tướng thường trực nói và nhấn mạnh cải cách TTHC phải tập trung chủ yếu ở 2 khâu lớn, đó là cải cách quy định TTHC thông qua xây dựng chính sách, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và cải cách việc thực thi chính sách, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

“Mục tiêu là kiến tạo một nền hành chính thông thoáng, vì người dân; phục vụ đắc lực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp”, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình nói.

binh-1.jpg
Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hoà Bình phát biểu

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các bộ, địa phương, các cơ quan chức năng cần đặc biệt lưu ý để khắc phục những tồn tại, hạn chế, các vướng mắc đang tồn tại, góp phần tạo động lực phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao niềm tin của người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước…

“Các bộ, địa phương cũng cần tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình triển khai thực hiện để mang lại hiệu quả thiết thực, vì trên thực tế cho thấy, trong điều kiện, hoàn cảnh tương đồng, nhưng vẫn có địa phương làm tốt hơn”, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình lưu ý.

Phó thủ tướng thường trực cũng yêu cầu các bộ, địa phương cần đặc biệt quan tâm xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, bảo đảm xây dựng được bộ máy tinh gọn; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tuyển chọn được những người thực sự có tâm, có năng lực, hiểu biết, có tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi nhiệm vụ.

Bài liên quan
Người dân TP.HCM có thể ngồi nhà 'chấm điểm' cán bộ khi làm thủ tục hành chính
UBND TP.HCM vừa ban hành quy định đánh giá chất lượng phục vụ người dân và tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tội phạm công nghệ cao đang gia tăng và diễn biến phức tạp
một phút trước Theo dòng thời sự
Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) cho rằng tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động trên không gian mạng có yếu tố nước ngoài và chủ yếu để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc trái phép, mua bán dữ liệu cá nhân… đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiến tạo nền hành chính thông thoáng vì dân