Công cụ mới chống giảm phát của Nhật Bản đang có vẻ như tập trung nhiều hơn vào ngành công nghiệp tài chính của mình, thay vì cố gắng theo đuổi chính sách tỷ giá yếu để hỗ trợ xuất khẩu bằng mọi giá như trước. Nhưng, bất chấp những tín hiệu tích cực ngắn hạn, giải pháp mới mà BOJ vừa đưa ra vẫn bị đánh giá là một thử nghiệm liều lĩnh.

Kiểm soát đường cong lãi suất: Thử nghiệm liều lĩnh của ngân hàng trung ương Nhật Bản?

Nhàn Đàm | 23/09/2016, 06:44

Công cụ mới chống giảm phát của Nhật Bản đang có vẻ như tập trung nhiều hơn vào ngành công nghiệp tài chính của mình, thay vì cố gắng theo đuổi chính sách tỷ giá yếu để hỗ trợ xuất khẩu bằng mọi giá như trước. Nhưng, bất chấp những tín hiệu tích cực ngắn hạn, giải pháp mới mà BOJ vừa đưa ra vẫn bị đánh giá là một thử nghiệm liều lĩnh.

Một sự kiện đáng chú ý trong nền kinh tế thế giới tuần này là việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) mở cuộc họp tiến hành xem xét toàn diện các chính sách tiền tệ trong vòng 3 năm rưỡi qua của mình, trước khi đưa ra sự điều chỉnh mới nhằm đảm bảo chương trình cải tổ Abenomics diễn ra thành công.

Những tuyên bố ban đầu của BOJ sau khi kết thúc cuộc họp vào ngày thứ Tư 21.9 có lẽ đang có những hiệu ứng tích cực, khi thống đốc BOJ cho biết sẽ chuyển dần từ chính sách lãi suất âm sang tập trung kiểm soát đường cong lãi suất như một công cụ mới chống giảm phát, ngay lập tức đồng yen giảm giá mạnh nhất trong vòng 1 tháng qua, còn cổ phiếu ngân hàng Nhật Bản tăng 7% và sắc xanh bao phủ trên thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu.

Nhưng, bất chấp những tín hiệu tích cực ngắn hạn đó, giải pháp mới mà BOJ vừa đưa ra vẫn bị đánh giá là một thử nghiệm liều lĩnh.

Công cụ mới chống giảm phát vừa được BOJ đưa ra vào ngày thứ Tư đã khiến cả thế giới bất ngờ, khi hầu hết các dự đoán trước đó đều đã chệch hướng. Cụ thể, BOJ có thể sẽ không tiếp tục theo đuổi chính sách lãi suất âm trước đó và sẽ dần tìm cách duy trì mức lãi suất -0,1% hiện tại thay vì đẩy nó đi xa hơn nữa, biện pháp mua vào trái phiếu (mức ấn định hàng năm là 80.000 tỉ yen) sẽ được thay đổi theo một mức linh hoạt hơn dù vẫn theo đuổi mục tiêu lạm phát 2%.

Nhưng, điều chỉnh quan trọng nhất và được chú ý nhất của BOJ trong bản tuyên bố vào ngày thứ Tư là việc chuyển trọng tâm sang tập trung kiểm soát đường cong lãi suất. Vậy, điều chỉnh mới này có ý nghĩa như thế nào khiến cho tỷ giá đồng yen lập tức sụt giảm mạnh còn TTCK toàn cầu lại được bao phủ bởi sắc xanh trong ngắn hạn?

Sự thay đổi quan trọng nhất của chính sách mới này là việc Nhật Bản đang có vẻ như tập trung nhiều hơn vào ngành công nghiệp tài chính của mình, thay vì cố gắng theo đuổi chính sách tỷ giá yếu để hỗ trợ xuất khẩu bằng mọi giá như trước. Trong vòng ba năm rưỡi qua, chương trình mua vào trái phiếu của BOJ đã khiến cho chi phí đi vay dài hạn đạt mức gần bằng chi phí đi vay ngắn hạn, dẫn đến việc đường cong lãi suất gần như nằm ngang và điều này ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế.

Lãi suất cho vay dài hạn cực thấp làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng thương mại vì mức chênh lệch lãi suất quá thấp, khiến cho các nhà đầu tư dài hạn như quỹ lương hưu giảm đi khá nhiều lợi nhuận do trái phiếu chính phủ giảm giá mạnh. Việc tập trung kiểm soát đường cong lãi suất và lợi suất trái phiếu chính phủ (trong vòng 10 năm) có thể khiến các tổ chức tín dụng như ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm và quỹ lương hưu giảm thiệt hại và thu được nhiều lợi nhuận hơn.

Về cơ bản, sự điều chỉnh mới này có tác dụng xoa dịu những hậu quả tiêu cực mà chính sách lãi suất âm đem lại cho nền kinh tế Nhật Bản trong thời gian vừa qua, trong khi vẫn duy trì việc mua vào trái phiếu để hỗ trợ tăng trưởng.

Ngay lập tức, sự điều chỉnh này đem lại những tín hiệu tích cực, tỷ giá đồng yen giảm 0,9% - mức cao nhất trong vòng 1 tháng qua, lợi suất trái phiếu 10 năm của Nhật Bản tăng 7 điểm lên mức 0,005%, kéo theo mức tăng tương ứng của lợi suất trái phiếu Mỹ cùng kỳ hạn cũng như TTCK toàn cầu.

Tuy nhiên, biện pháp mới này lại đang nhận được sự hoài nghi từ không ít các chuyên gia kinh tế trên thế giới. Theo đó, chính sách kiểm soát đường cong lãi suất này là thử nghiệm liều lĩnh thứ ba của thống đốc Haruhiko Kuroda chỉ trong vòng ba năm rưỡi qua kể từ khi nhậm chức, hai thử nghiệm trước đó là chương trình mua tài sản quy mô lớn lên tới 80.000 tỉ yen (tương đương 788 tỉ USD) mỗi năm, và việc đưa lãi suất về mức -0,1% như một biện pháp kích thích tăng trưởng có phần mù quáng.

Cả hai thử nghiệm trước đó của ông Kuroda đều không đem lại nhiều hiệu quả, đặc biệt là chính sách lãi suất âm, khi nó không những không kích thích cho vay và tiêu dùng như BOJ đã kỳ vọng mà còn khiến cho giá tiêu dùng trong nền kinh tế giảm đáng kể, theo thống kê giá tiêu dùng trong tháng 7.2016 đã giảm khoảng 0,5% so với cùng kỳ 2015.

Vì thế, việc chuyển sang tập trung kiểm soát đường cong lãi suất và kiểm soát lợi suất trái phiếu mang ý nghĩa là một sự tiếp tục của chính sách lãi suất âm, bằng cách xoa dịu các tác dụng phụ của nó mà thôi.

Mari Iwashita, kinh tế trưởng của công ty chứng khoán SMBC tại Tokyo, cho rằng: “Động thái mới này của BOJ có nghĩa là họ không muốn kết thúc chính sách lãi suất âm, họ nghĩ rằng nó thực sự có tác dụng tích cực và vì thế họ chỉ muốn sửa lại những tác dụng phụ tiêu cực của nó bằng cách kiểm soát đường cong lãi suất mà thôi”.

Nói cách khác, Nhật Bản vẫn đang theo đuổi chương trình mua vào tài sản quy mô lớn của ngân hàng trung ương, đồng thời tìm cách hạ tỷ giá đồng yen để hỗ trợ xuất khẩu như những gì đã làm trong ba năm rưỡi qua. Việc đưa ra chính sách mới này sẽ chỉ có tác dụng sửa chữa lại những tác dụng phụ mà chính sách lãi suất âm gây ra mà thôi, đó có thể là một việc khá liều lĩnh khi chính phủ Nhật quyết định sử dụng các công cụ kiểm soát tiền tệ trực tiếp và đi ngược lại với các khuyến nghị về chính sách tiền tệ mà thế giới đã đưa ra.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg/CafeF)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiểm soát đường cong lãi suất: Thử nghiệm liều lĩnh của ngân hàng trung ương Nhật Bản?