Trong kịch bản cơ sở, VN-Index có thể đạt mức từ 1.100 - 1.200 điểm; ở kịch bản thận trọng có thể về 900 - 1.000 điểm, và ở kịch bản khả quan có thể đạt 1.200 - 1.300 điểm.

Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán 2023?

Hoài Lam | 30/01/2023, 14:38

Trong kịch bản cơ sở, VN-Index có thể đạt mức từ 1.100 - 1.200 điểm; ở kịch bản thận trọng có thể về 900 - 1.000 điểm, và ở kịch bản khả quan có thể đạt 1.200 - 1.300 điểm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã điều chỉnh giảm sâu trong năm 2022, sau 2 năm tăng trưởng mạnh trước đó. Đóng cửa năm 2022, VN-Index ở 1.007,09 điểm, giảm 32,78% so với đầu năm. Giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt 5.226.609 tỉ đồng, giảm 2.538.998 tỉ đồng so với cuối năm 2021.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của năm Quý Mão, VN-Index tăng 9,02 điểm lên mức 1.117,1 điểm, HNX-Index tăng 0,89 điểm lên mức 220,76 điểm, UPCOM tăng 1,01 điểm lên 74,99 điểm.

Thanh khoản trong phiên giao dịch đầu năm nay là khá tích cực, hơn 11.100 tỉ đồng trên sàn HOSE với 605 triệu cổ phiếu trao tay. Con số này ở sàn HNX là 977 tỉ đồng và hơn 70 triệu cổ phiếu trao tay. Điều này thể hiện việc dòng tiền đang đổ vào thị trường khá tốt.

Theo báo cáo chiến lược thị trường năm 2023 của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, việc Fed tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023 khiến tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán có thể sẽ chưa thể khởi sắc mạnh mẽ trong năm 2023. Dù vậy, nhóm phân tích kỳ vọng giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua.

Yuanta Việt Nam dự báo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của thị trường trong năm 2023 lần lượt ở mức âm 2,61% và 12,62%, tương ứng mức tăng trưởng EPS là 7,65%.

Ngày 30.12.2022, P/E của VN-Index ở mức 10,8x và P/E dự phóng 2023 ở mức 10,1x, các mức định giá này thấp hơn mức P/E trung bình 5 năm (16x). Đồng thời, tại phiên 27.1.2023, tỷ suất thu nhập trên giá hiện tại là 8,93%, cùng với tỷ suất cổ tức dự phóng 2023 là 1,96% thì tỷ suất lợi tức thị trường ở mức 10,89%, cao hơn mức lợi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại. Như vậy, định giá thị trường thấp đã phản ánh các rủi ro của thị trường.

ck.jpeg
3 kịch bản cho thị trường chứng khoán

Các nhà phân tích dự báo 3 kịch bản cho thị trường chứng khoán trong năm 2023. Theo phân tích mô hình dự phóng, kịch bản bi quan có xảy ra thì VN-Index cũng có thể sẽ không giảm mạnh trong năm 2023 và vẫn biến động quanh mức 1.000 điểm.

Yuanta Việt Nam dự báo VN-Index có thể đạt mức 1.258 điểm trong năm 2023, tăng trưởng 24,9% so với phiên 30.12.2022 và 12,6% so với phiên 27.1.2023.

Với kịch bản cơ sở, VN-Index được kỳ vọng sẽ có diễn biến tích cực trong nửa đầu năm 2023 và có xu hướng đi ngang trong nửa cuối năm 2023 quanh mức 1.200 điểm.

Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) dự báo VN-Index sẽ hồi phục lên mức 1.100 - 1.200 điểm vào giai đoạn cuối năm 2023 trên cơ sở lợi nhuận toàn thị trường có thể không tăng trưởng và P/E hợp lý 11 - 12 lần.

Ngoài ra, những áp lực từ vĩ mô thế giới cũng như trong nước có thể giảm dần trong nửa cuối năm 2023. Ví dụ Fed có thể ngừng nâng lãi suất từ giữa năm 2023 khi lạm phát hạ nhiệt, duy trì mặt bằng lãi suất 5% tới cuối năm; trong nước, áp lực lạm phát có thể giảm dần từ nửa cuối năm cùng với xu hướng giá cả hàng hóa toàn cầu. Tỷ giá cũng được kỳ vọng hạ nhiệt khi Fed ngừng nâng lãi suất, qua đó giảm áp lực rút vốn của dòng vốn ngoại.

Lạm phát và tỷ giá ổn định là điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước có nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ trong năm tới, tháo gỡ nút thắt về thanh khoản trong nền kinh tế…

Trong kịch bản cơ sở, VN-Index có thể đạt mức 1.100 - 1.200 điểm; kịch bản thận trọng, khủng hoảng xảy ra, VN-Index có thể về 900 - 1.000 điểm và ở kich bản khả quan, VN-Index có thể đạt 1.200 - 1.300 điểm.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM dự báo VN-Index sẽ vẫn có xu hướng đi ngang trong năm 2023 xoay quanh ở mức 950 đến 1.200 điểm, đó là kịch bản có xác suất xảy ra cao nhất.

Tuy nhiên, theo ông Huân, điều này còn tùy thuộc vào sự thay đổi của các biến số vĩ mô cả trong và ngoài nước và khi các giả định này thay đổi thì mô hình lại phải được tính toán lại cho phù hợp.

“Các biến số vĩ mô bên ngoài sẽ tác động mạnh đến VN-Index sẽ là: diễn biến của cuộc chiến Nga-Ukraine, động thái tăng lãi suất của Fed, thời điểm Trung Quốc mở cửa nền kinh tế và mức độ mở cửa. Trong nước sẽ là cách chúng ta xử lý các vụ việc đang được dư luận quan tâm như vụ ông Trịnh Văn Quyết, Vạn Thịnh Phát… và thời gian xử lý, cách chúng ta điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là tỷ giá và lãi suất trong năm 2023”, ông Huân nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán 2023?