Theo các chuyên gia, sau giai đoạn trầm lắng (từ tháng 4.2022), thị trường bất động sản (BĐS) đã tích lũy được một lượng đủ lớn nguồn lực để phục hồi.
Hạ tầng và bất động sản

Kịch bản nào cho thị trường bất động sản nửa cuối năm 2024?

Lam Thanh 14/07/2024 16:34

Theo các chuyên gia, sau giai đoạn trầm lắng (từ tháng 4.2022), thị trường bất động sản (BĐS) đã tích lũy được một lượng đủ lớn nguồn lực để phục hồi.

3 kịch bản cho thị trường nửa cuối năm

Kinh nghiệm các thời kỳ 2004-2007 và 2014-2018 cho thấy, sau giai đoạn trầm lắng, cùng với sự thay đổi theo hướng hỗ trợ của hệ thống thể chế, thị trường sẽ có giai đoạn tăng trưởng. Tất nhiên, thời điểm tăng trưởng có thể sai khác nhau từ 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2024 sẽ là thời gian khởi đầu.

Theo PGS-TS Trần Kim Chung, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, có 3 kịch bản đối với thị trường BĐS 6 tháng cuối năm 2024.

Kịch bản thứ nhất, thị trường đi ngang, ngoại suy, tiệm tiến. Đây là phương án chủ đạo do thị trường BĐS chuyển từ chế độ chờ sang chế độ thực thi.

“Việc 3 luật liên quan đến thị trường BĐS đã được dự kiến có hiệu lực từ ngày 1.1.2025 nên nhiều doanh nghiệp đã định hướng vận hành năm 2024 ở chế độ chờ. Đáng chú ý, Luật Đất đai 2024 đã có rất nhiều điểm mới, tích cực cho thị trường BĐS”, ông Chung nói.

chung-2.jpg
Nhiều trợ lực cho thị trường bất động sản giai đoạn tới

Theo đó, ông Chung cho rằng các quy định theo hướng thị trường hơn (về giá, về tiếp cận đất đai, về hạn mức đất đai); các quy định theo hướng chính quy hơn (về đăng ký thống kê, về giao dịch qua sàn); các quy định theo hướng mở rộng đối tượng tham gia thị trường hơn.

Chẳng hạn, các quy định về thu hồi đất rõ ràng hơn, đặc biệt cơ chế thu hồi đất phụ cận các công trình hạ tầng đưa vào đấu giá, xây dựng theo quy hoạch để tạo vốn phát triển cơ sở hạ tầng được đề cập đến từ thời kỳ 1994-1995, nay đã được chính thức luật hóa.

“Với cơ chế này, thị trường sẽ được tạo thêm một xung lực rất mạnh để thị trường phát triển. Cơ chế này có vai trò tương đương với công cụ tái thế chấp, quỹ tiết kiệm tương hỗ và quỹ đầu tư tín thác trong thị trường BĐS”, ông Chung nói.

Theo ông Trần Kim Chung, mặc dù việc Quốc hội, Chính phủ rất nỗ lực trong việc đưa 3 luật này vào có hiệu lực sớm nhưng việc điều chỉnh sản xuất kinh doanh cần có thời gian. Vì vậy, thị trường BĐS 6 tháng cuối năm sẽ khó có nhiều biến động lớn mà chủ yếu vận hành như dự kiến những có chiều hướng tích cực hơn.

Kịch bản thứ 2, thị trường tăng trưởng nhưng không bùng nổ. Kịch bản này xảy ra nếu hội tụ một số những yếu tố bổ sung.

Thứ nhất, tình hình kinh tế và bối cảnh thế giới diễn biến tích cực. Thứ hai, kinh tế vĩ mô tiếp tục có kết quả tốt. Lạm phát được kìm giữ. Việc tăng lương 30% cho lương cơ bản của người lao động và 15% đối với những người hưởng lương hưu được quản lý tốt, tích cực. Thứ ba, đầu tư nước ngoài thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược. Đây là phương án có khả năng xảy ra ở mức không cao nhưng cũng không quá thấp.

Kịch bản thứ 3, thị trường bùng nổ. Kịch bản này sẽ xảy ra nếu hội tụ được một số những điều kiện đặc biệt tích cực.

Đó là các nhà đầu tư chiến lược đồng loạt đến đầu tư và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam như thời kỳ 2004-2007; du lịch bùng nổ trở lại; kinh tế vĩ mô tăng mạnh mẽ; dưới tác động của bộ 3 luật liên quan đến thị trường BĐS, các công cụ tài chính phái sinh (quỹ tín thác đầu tư BĐS, quỹ tiết kiệm tương hỗ, hệ thống tái thế chấp được hình thành).

chung-1.jpg
PGS-TS Trần Kim Chung, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương

Ngoài ra, vấn đề condotel-officetel được ban hành văn bản xử lý, cơ chế thu hồi đất phụ cận công trình hạ tầng... được vận hành đồng bộ và đầy đủ; cơ chế thí điểm công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại khi nhà đầu tư đã có đất nhưng không chưa phải là đất ở được vận hành...

Tuy nhiên, phương án này, do có quá nhiều yếu tố kỳ vọng nên khả năng xảy ra, tuy vẫn có thể, nhưng khả năng không cao.

Vẫn còn những rủi ro tiềm tàng

Dù vậy, ông Trần Kim Chung cũng cho rằng có một số tủi ro tiềm tàng. Đó là rủi ro biến động kinh tế và bối cảnh quốc tế.

Theo đó, vẫn có thể có khả năng thị trường BĐS 6 tháng cuối năm trầm lắng nếu xảy ra những điều kiện bất khả kháng về kinh tế quốc tế, về các vấn đề ngoài kinh tế có liên quan đến những vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, điều này khó xảy ra trong ngắn hạn của 6 tháng cuối năm 2024.

Rủi ro tiếp theo là kinh tế vĩ mô. Ông Chung cho biết trong bối cảnh 6 tháng tới, các biến động kinh tế vĩ mô được dự báo là ít có biến động khác biệt. Tuy nhiên, một số vấn đề của biến động tỷ giá, các biến động về nguồn vốn đầu tư nước ngoài, giải ngân đầu tư công vẫn có những tác động nhất định nếu xảy ra những tình huống ngoài dự báo.

chung-3.jpeg
Kỳ vọng sự khởi sắc của thị trường bất động sản giai đoạn tới

Ngoài ra, do thị trường vừa qua giai đoạn điều chỉnh nên chưa phải các chủ thể đều đã vượt qua được khó khăn. Tuy vậy, rủi ro đối tác, cũng đã giảm thiểu trong trung và dài hạn đối với thị trường BĐS. Nếu có, chỉ là các rủi ro ngắn hạn, khi các chủ thể chưa bộc lộ hết những khó khăn, thách thức.

Do đó, ông Trần Kim Chung đề nghị các cơ quan hữu quan cần tập trung nghiên cứu, trình ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn các luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh BĐS và cả Luật Các tổ chức tín dụng để làm hậu thuẫn cho giai đoạn phát triển mới của thị trường BĐS.

Đối với các chủ thể đầu tư, kinh doanh BĐS, ông Chung cho rằng đây là một giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, cơ hội luôn song hành với rủi ro. Vấn đề là thời điểm, địa bàn và liều lượng đầu tư yếu tố quan trọng đối với thành công của mối chủ thể.

“Thị trường sẽ vận hành theo quy luật và sự tham gia của các bên cho đến hết giai đoạn và chuyển sang giai đoạn khác. Vì vậy, mỗi chủ thể phải cân nhắc, lựa chọn thời gian, địa điểm và vị thế của mình”, ông Chung nêu.

PGS-TS Trần Kim Chung cũng cho rằng thị trường vừa qua giai đoạn khó khăn, việc chuyển giai đoạn thành công và tránh được những khó khăn, rủi ro cần sự tham gia của tất cả các bên. Nhất là, vấn đề thông tin, truyền thông, sự minh bạch, khách quan là rất quan trọng đối với thị trường trong giai đoạn này.

“Việc các bên hữu quan nỗ lực vượt bậc đề kết thúc trạng thái chờ của thị trường BĐS sẽ tạo một cơ hội mới cho giai đoạn phát triển mới”, ông Chung nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kịch bản nào cho thị trường bất động sản nửa cuối năm 2024?