Đại dịch COVID-19, cuộc chiến tại Ukraine, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng... đã cùng nhau đẩy giá mọi mặt hàng tăng cao, trong đó có thứ cốt yếu nhất là lương thực.

Khủng hoảng lương thực sẽ tồi tệ hơn vào năm tới

Cẩm Bình | 31/08/2022, 17:25

Đại dịch COVID-19, cuộc chiến tại Ukraine, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng... đã cùng nhau đẩy giá mọi mặt hàng tăng cao, trong đó có thứ cốt yếu nhất là lương thực.

Chuỗi cung ứng rơi vào tình trạng gián đoạn kể từ năm 2020 do dịch COVID-19 bùng phát, năm nay lại càng trầm trọng khi giữa Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới nổ ra chiến tranh, khiến lạm phát giá lương thực thêm nặng nề.

Giám đốc điều hành tổ chức nhân đạo Mercy Corps Tjada D'Oyen McKenna cho biết: “Giá lương thực tăng vọt năm 2022 làm cho khoản hỗ trợ tiền mặt mà chúng tôi cấp cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương, chẳng thể giúp đỡ được nhiều. Sức mua giảm cùng giá lương thực tăng là hạn chế chính đối với khả năng tiếp cận thực phẩm”.

Tháng trước, Ukraine - Nga đạt thỏa thuận mở hành lang xuất khẩu ngũ cốc ra khỏi Biển Đen, làm dịu cuộc khủng hoảng toàn cầu. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc tháng 7 tiếp tục duy trì đà giảm.

Tuy vậy, lợi ích từ giảm giá khó đến với người tiêu dùng ngay lập tức. Theo bà McKenna: “Dù giá nhiều loại thực phẩm đã giảm trong vài tuần gần đây, một số thậm chí còn giảm xuống mức trước chiến tranh, nhưng thị trường vẫn tiếp tục biến động và dù cho giá toàn cầu giảm, giá ở các thị trường địa phương sẽ không điều chỉnh trong vòng 1 năm”.

Đến lúc đó, khủng hoảng có thể sang một giai đoạn mới tồi tệ hơn.

khfood.jpg
Thu hoạch lúa mì - Ảnh: Getty Images

Khủng hoảng năm nay chủ yếu do hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và Nga bị gián đoạn. Sang năm tới, bản thân nguồn cung, nhất là Ukraine, gặp nguy hiểm.

Cuộc chiến tại Ukraine nổ ra cuối tháng 2 phá hỏng chu kỳ nông nghiệp hằng năm, cản trở đợt gieo hạt mùa xuân vào tháng 4, tháng 5. Một đợt gieo hạt khác chuẩn bị diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11.

Tháng trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo sản lượng nông sản nước này có thể giảm một nửa trong năm nay do chiến tranh.

Công ty tư vấn McKinsey trong báo cáo công bố ngày 17.8 dự báo sản lượng ngũ cốc Ukraine giảm 35 - 45% trong mùa thu hoạch tới. “Xung đột đang diễn ra ảnh hưởng đến khả năng xử lý cánh đồng, gieo hạt, bảo vệ và bón phân cho cây trồng của nông dân. Điều này có thể khiến sản lượng mùa thu hoạch tới thấp hơn nữa”, báo cáo viết.

Theo McKinsey, sản lượng năm nay sẽ ít hơn mức bình thường 30 - 44 triệu tấn vì diện tích đất trồng trọt giảm, dòng tiền dành cho nông dân ít hơn, phần lớn sản lượng thu hoạch trước đó chưa xuất được, ngũ cốc bị bỏ lại không thu hoạch.

“Trong mùa thu hoạch tới, do chiến tranh làm gián đoạn hoạt động trồng và thu hoạch của Ukraine, cộng với việc cây trồng của Nga, Brazil và nhiều nước khác nhận nguyên liệu đầu vào kém nên nguồn cung có thể bị thắt chặt”, McKinsey dự báo.

Giá phân bón cao và biến đổi khí hậu

Nga chiếm gần 1/5 xuất khẩu phân bón năm 2021, nhưng xảy ra cuộc chiến tại Ukraine làm nguồn cung phân bón bị gián đoạn nghiêm trọng. Giá phân ure đã tăng hơn gấp đôi so với một năm trước. Vì vậy mà nông dân trên thế giới sử dụng ít phân bón hơn.

“Tình trạng thiếu phân bón và giá phân bón cao hơn cũng sẽ làm giảm sản lượng ở các nước phụ thuộc phân bón nhập khẩu, chẳng hạn như Brazil, khiến lượng ngũ cốc trên thị trường giảm sút thêm”, theo McKinsey.

Bà McKenna cho biết nông dân ở nước Guatemala mà Mercy Corps tiếp xúc không thể đầu tư vào chu kỳ sản xuất tiếp theo vì không đủ khả năng mua phân bón và các nguyên liệu đầu vào khác.

Cú sốc với nông nghiệp ập đến trong lúc hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ở khắp nơi, chẳng hạn hạn hán ở châu Âu và lũ lụt ở Úc. Vì vậy McKinsey dự báo khủng hoảng lương thực năm tới sẽ tồi tệ hơn khủng hoảng 2007 - 2008 hay khủng hoảng 2010 - 2011.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khủng hoảng lương thực sẽ tồi tệ hơn vào năm tới