Theo Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM Lê Hồng Sơn, sau khi phát hiện ra việc trẻ bị bạo hành tại Trường mầm non Mầm Xanh, cơ quan này đã phối hợp với chính quyền quận 12 để xử lý nghiêm khắc; kiên quyết đóng cửa trường và điều tra khởi tố.
Chiều30.11, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11.2017.
Nghiên cứu việc lắp camera ở các trường mầm non
Theo Giám đốc Sở Giáo dục -Đào tạo Lê Hồng Sơn, tình trạng bạo hành xảy ra ở lớp mẫu giáo Mầm Xanh tạiquận 12 vừa qua cũng đã từng xảy ra ở quận Thủ Đức vào năm 2013. Ngăn ngừa tình trạng bạo hành trẻ em đã có chỉ thị của Thành ủy, UBND TP.HCM, các cấp quận huyện đều có báo cáo đầy đủ. Công việc này được Sở phối hợp thường xuyên với các hội đoàn và siết chặt việc theo dõi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng việc đau lòng lại xảy ra.
“Việc bạo hành tại mầm non Mầm Xanh, phòng giáo dục quận 12 đã kiểm tra 2 lần nhưng không phát hiện ra những dấu hiệu bất thường. Trẻ em vẫn vui chơi, phụ huynh vẫn đưa đón con bình thường. Thế nên, việc bạo hành xảy ra là do đạo đức nghề nghiệp, nhân tính của con người. Sự việc trên xảy ra chỉ có cách đóng cửa trường.
Khi phát hiện việc này, Sở đã phối hợp với quận 12 để xử lý nghiêm khắc, kiên quyết dứt khoát đóng cửa trường và điều tra khởi tố. Không thể chấp nhận những con người mất nhân tính làm công việc giáo viên mầm non như vậy. Còn việc cấp phép thì Phòng Giáo dục -Đào tạo thấy đủ điều kiện thì phải cấp phép, chứ không nghĩ có những trường hợp mất nhân tính như vậy”, ông Sơn nói.
Nói đến chỉ đạo lắp camera ở tất cả các trường mầm non trên địa bàn thành phố, ông Sơn cho biết trước đây đã từng có ý kiến lắp camera nhưng phương án này khi thực hiện chưa triển khai được. Nguyên nhân là các trường công lập, có quy mô lớn lại không xảy ra tình trạng bạo hành, mà toàn xảy ra ở các trường chỉ có 10 hay 20 đến 30 cháu.
Việc lắp camera Sở vẫn đang còn phối hợp để thực hiện, do một số điều lệ của Bộ Giáo dục -Đào tạo chưa có chỉ đạo, thế nên phải rà soát lại. Một số quyền, luật cũng không cho phép ghi lại hình ảnh trẻ em.
Do đó, việc phát hiện nhanh nhất là từ người dân vì không gì qua được tai mắt người dân. Còn lực lượng giám sát phòng giáo dục quận huyện rất mỏng nên không thể bao quát hết.
Ngoài ra, công tác tăng cường giám sát thì Thường trực Thành ủy TP.HCM cũng đã có chỉ đạo. UBND TP.HCM cũng đã có ý kiến nên Sở đang nghiên cứu, phối hợp với Sở Tư pháp, 24 quận huyện để lắp camera ở nhóm lớp ngoài công lập.
Chỉ đạo về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phong -Chủ tịch UBND TP.HCM nói rằngUBND TPcũng đã có ý kiến yêu cầuPhó chủ tịch Nguyễn Thị Thu phải thực hiện ý kiến của Thành ủy. Thế nhưng, các sở ngành cần phải khẩn trương, đề xuất các giải pháp.
“Công tác quản lý nhà nước về chăm sóc, bảo vệ trẻ em trước đây từng có Ban Chăm sóc, bảo vệ trẻ em nhưng đã bị giải thể. Thế nên, những công tác, nội dung để bảo vệ trẻ em không được tập trung như ngày xưa.Hiện tại, công tác quản lý đang bị phân tán, mỗi người một mảng, không ai tham mưu cho UBND TP.HCM về từng góc cạnh”, ông Phong chia sẻ.
TP.HCM khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Kế hoạch -Đầu tư TP.HCM Sử Ngọc Anh cho biếttổng thu ngân sách nhà nước trong 11 tháng là 307.336 tỉ đồng, đạt 88,34% dự toán, tăng 12,62% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 194.516 tỉ đồng, đạt 85,89% dự toán, tăng 14,02% so cùng kỳ; thu từ dầu thô 15.520 tỉ đồng, đạt 125,16% dự toán, tăng 23,22% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 97.300 tỉ đồng, đạt 89,27% dự toán, tăng 8,48% so cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương là 45.693 tỉ đồng, đạt 64,68% dự toán, tăng 10,95% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển 17.209 tỉ đồng, đạt 81,92% dự toán; chi thường xuyên 26.306 tỉ đồng, đạt 76,92% dự toán, tăng 6,63% so cùng kỳ.
Tính đến tháng 11.2017, TP.HCM cũng có 37.596 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 500.751 tỉ đồng, tăng 14,1% về số lượng doanh nghiệp và tăng 87,9% về vốn đăng ký, tập trung nhiều nhất tại các quận 1, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Tân.
Ngoài ra, thành phố còn có 55.042 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 277.682 tỉ đồng, tăng 11,8% về số lượt doanh nghiệp và tăng gấp 18 lần về vốn bổ sung so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 778.434 tỉ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Trong số này, kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất (42,4%) với vốn đăng ký 212.199 tỉ đồng, tăng 95,3% so với cùng kỳ; tiếp theo buôn bán, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy chiếm 15,7% với vốn đăng ký 78.845 tỉ đồng (tăng 60,6% so với cùng kỳ); xây dựng với vốn đăng ký 60.671 tỷ đồng chiếm 12,1%...
Hiện tại, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp, trong 11 tháng kể từđầu năm 2017, đã có 2.799 hộ kinh doanh đã chuyển thành doanh nghiệp. Trong đó, số hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp tập trung nhiều nhất ở các quận huyện: Bình Thạnh, Thủ Đức, Bình Tân, 10, Bình Chánh.
Như vậy, ước tính cả năm 2017, tổng số doanh nghiệp đăng ký trên hệ thống (đã trừ số giải thể) của TP.HCM là 333.472 doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 88,7%; doanh nghiệp vừa chiếm 5,4%; doanh nghiệp nhỏ chiếm 4,5%; doanh nghiệp mạnh 1,4%.
Đánh giá về các chỉ tiêu này, ông Nguyễn Thành Phong cho rằngnhìn vào các chỉ tiêu tăng trưởng của các lĩnh vực thì đều đạt kết quả tăng cao so với cùng kỳ. Thế nhưng, tốc độ tăng trường không đạt được như kỳ vọng, là từ 8,4 -8,7%.
Ông Phong nói có 2 nguyên nhân khiến thành phố không đạt chỉ tiêu đề ra. Một là do việc tính toán để trình Thành ủy, HĐND TP.HCM chưa sát. Hai là do một số lĩnh vực chưa tập trung phát triển, dù tháng 11 có tăng nhưng chỉ còn 1 tháng nữa nên rất khó đạt được tốc độ tăng trưởng đã đề ra. Ngay cả thu ngân sách mới chỉ đạt 88,34%, tháng 12 nỗ lực dữ lắm mới được kết quả như dự tính.
Phan Diệu