Trong 18 tháng kể từ khi OpenAI ra mắt ChatGPT, các hãng công nghệ lớn và nhỏ của Trung Quốc đã tập trung vào mục tiêu đánh bại công ty khởi nghiệp Mỹ được Microsoft hậu thuẫn bằng các chatbot riêng.
Nhịp đập khoa học

Khó vượt qua OpenAI, các hãng công nghệ lớn Trung Quốc tham gia cuộc chiến giảm giá khốc liệt

Sơn Vân 01/06/2024 16:30

Trong 18 tháng kể từ khi OpenAI ra mắt ChatGPT, các hãng công nghệ lớn và nhỏ của Trung Quốc đã tập trung vào mục tiêu đánh bại công ty khởi nghiệp Mỹ được Microsoft hậu thuẫn bằng các chatbot riêng.

Các kết quả còn trái ngược nhau, với một số gã khổng lồ công nghệ tuyên bố đạt kết quả tốt hơn GPT-4, mô hình ngôn ngữ lớn tiên tiến của OpenAI, với những truy vấn tiếng Trung. Có hơn 200 mô hình ngôn ngữ lớn (công nghệ làm nền tảng cho các chatbot AI) từ nhiều công ty Trung Quốc đang tranh giành thị phần. Dù khó vượt qua OpenAI, các công ty AI của Trung Quốc có thể tự hào thông báo sở hữu ít nhất một lợi thế rõ ràng so với đối thủ ở Mỹ là giá cả của mô hình ngôn ngữ lớn.

Những tuần gần đây, ByteDance (chủ sở hữu TikTok), Baidu (công ty tìm kiếm số 1 Trung Quốc), tập đoàn thương mại điện tử Alibaba và gã khổng lồ truyền thông xã hội Tencent Holdings đều đã giảm giá mạnh việc đăng ký sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn của họ.

Dịch vụ cao cấp từ mô hình ngôn ngữ lớn Doubao Pro của ByteDance có giá chỉ 0,0008 nhân dân tệ cho 1.000 token, giảm 99,8% so với mức phí OpenAI tính cho quyền truy cập GPT-4. Token là đơn vị dữ liệu được mô hình ngôn ngữ lớn xử lý. Với mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Trung, 1 token thường tương đương với từ 1 đến 1,8 ký tự tiếng Trung.

Với mức giá này, 1 nhân dân tệ có thể mua được 1,25 triệu token đầu vào. Để so sánh, sẽ tốn khoảng 37,50 USD (tương đương 272 nhân dân tệ) để mua 1,25 triệu mã token đầu vào của GPT-4.

Ở Mỹ, những gã khổng lồ công nghệ như Alphabet (công ty mẹ Google), Meta Platforms (chủ sở hữu Facebook), Amazon và Microsoft cũng đang cạnh tranh trong lĩnh vực AI bằng cách đi theo chiến lược “tăng quy mô chớp nhoáng” đã trở nên phổ biến ở Thung lũng Silicon. Cụ thể là thu hút người dùng càng nhanh càng tốt, bấp chấp doanh thu, để chiếm lĩnh thị trường.

Ngay cả khi đang tận hưởng “khu vườn có tường bao quanh” đằng sau Great Fireawall (tường lửa vĩ đại kiểm duyệt các dịch vụ internet nước ngoài), các công ty Trung Quốc vẫn phải đối mặt với thách thức lớn do Mỹ hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến của Nvidia. Họ cũng có sức chi tiêu doanh nghiệp ít hơn so với các công ty cùng ngành tại thị trường Mỹ với nguồn tiền dồi dào.

Cung cấp bộ xử lý đồ họa (GPU) mạnh mẽ cho máy chủ, Nvidia đóng vai trò quan trọng trong việc các hãng lớn phát triển các mô hình AI.

“Việc giảm giá với các dịch vụ AI của Trung Quốc chủ yếu nhằm mục đích thu hút nhiều khách hàng hơn và giống như một hoạt động xây dựng thương hiệu hơn”, Xu Li, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập SenseTime (công ty AI niêm yết tại Hồng Kông), nói với trang SCMP.

ByteDance đã mở đầu cuộc chiến giá cả mô hình ngôn ngữ lớn vào giữa tháng 5 khi công bố mức giá cho các dịch vụ AI Doubao của mình giảm mạnh so với các đối thủ trong nước.

Các hãng công nghệ lớn khác của Trung Quốc đã nhanh chóng phản ứng.

Alibaba Cloud, đơn vị đám mây của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, đã công bố giảm giá đến 97% cho hàng loạt mô hình ngôn ngữ lớn Tongyi Qwen. Ví dụ, Alibaba giảm giá mô hình Qwen-Long từ 0,02 nhân dân tệ trên 1.000 token xuống 0,0005 nhân dân tệ, tức rẻ hơn 0,0003 nhân dân tệ so với ByteDance.

Baidu nhanh chóng chạy theo Alibaba Cloud khi thông báo rằng mô hình ngôn ngữ lớn Ernie Speed và Ernie Lite sẽ được miễn phí cho tất cả người dùng doanh nghiệp.

Các công ty như Tencent và iFlytek (chuyên gia AI nổi tiếng với công nghệ nhận dạng âm thanh) cũng giảm giá mạnh mô hình ngôn ngữ lớn của họ.

chua-the-vuot-openai-cac-hang-cong-nghe-lon-trung-quoc-tham-gia-cuoc-chien-giam-gia-khoc-liet1.jpg
Giá dịch vụ các mô hình ngôn ngữ lớn từ 4 hãng công nghệ lớn Trung Quốc so với GPT-4 và GPT-4o của OpenAI tính theo đơn vị token, trong đó input là đầu vào và output là đầu ra - Ảnh: SCMP

Wang Sheng, nhà đầu tư của hãng InnoAngel Fund có trụ sở tại Bắc Kinh (thủ đô Bắc Kinh), cho biết kiểu cạnh tranh giá “ác liệt” này đang gây tổn hại cho các công ty khởi nghiệp AI địa phương.

Wang Sheng nói: “Khi nói đến việc phát triển mô hình ngôn ngữ lớn, các hãng công nghệ lớn không nhất thiết phải giỏi hơn các công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, chiến lược giảm giá của họ để giành thị phần sẽ gây bất lợi cho các công ty khởi nghiệp”.

Alain Le Couedic, đối tác cấp cao tại công ty đầu tư AI Artificial Intelligence Quartermaster (AIQ), cho rằng cuộc cạnh tranh về giá sẽ mang lại kết quả theo thời gian.

Ông nói: “Cuộc đua giành quyền thống trị thị trường là dấu hiệu cho thấy nhiều công ty nhìn thấy các cơ hội hấp dẫn trong tương lai, ngay cả khi điều đó gây ra một số khó khăn trong ngắn hạn đến trung hạn”.

Mô hình ngôn ngữ lớn tiêu tốn nhiều năng lượng, khiến chúng tốn kém khi vận hành, do đó chi phí biên để thêm người dùng mới có thể cao hơn so với các dịch vụ trực tuyến khác. Điều này làm cho việc mở rộng quy mô nhanh chóng trở nên phức tạp hơn với các dịch vụ AI. Tuy nhiên, một cuộc đua để làm cho mô hình ngôn ngữ lớn hiệu quả hơn cuối cùng có thể thay đổi điều này.

Chi phí biên (marginal cost) là chi phí phát sinh thêm khi sản xuất thêm một đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ. Cụ thể, nó là sự thay đổi trong tổng chi phí khi tăng sản lượng thêm một đơn vị. Ví dụ, nếu nhà sản xuất cần chi thêm 10.000 đồng để sản xuất thêm một sản phẩm nữa thì chi phí biên của sản phẩm đó là 10.000 đồng. Chi phí biên thường gồm các chi phí biến đổi, như nguyên liệu và lao động trực tiếp, nhưng không bao gồm cả các chi phí cố định như tiền thuê nhà hoặc lương quản lý.

Bill MacCartney, Giám đốc công nghệ của công ty đầu tư mạo hiểm SignalFire và là giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Stanford (Mỹ), chia sẻ với SCMP tại Hội nghị Đầu tư châu Á UBS tuần này: “Việc vận hành những mô hình ngôn ngữ lớn này tốn rất nhiều tiền và mọi hãng có động lực kinh tế mạnh mẽ để tìm cách làm cho nó rẻ hơn”.

Một số công ty cho biết hiệu quả được cải thiện trong đào tạo và vận hành các mô hình ngôn ngữ lớn là lý do chính để họ giảm giá. OpenAI ghi nhận những hiệu quả như vậy là lý do đằng sau mức giá thấp hơn nhiều của mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4o ra mắt hôm 14.5.

Robin Li Yanhong, người sáng lập và Giám đốc điều hành Baidu, nói vào tháng 4 rằng hiệu quả đào tạo Ernie, mô hình ngôn ngữ lớn hàng đầu của hãng, đã cải thiện 5,1 lần trong vòng một năm. Hiệu suất suy luận của Ernie tăng 105 lần, giảm 99% chi phí suy luận.

ByteDance cho biết giảm giá mô hình ngôn ngữ lớn vì tự tin có thể giảm chi phí thông qua cải tiến kỹ thuật.

Bất kể lợi nhuận ở đâu, các hãng công nghệ đều nhanh chóng cho rằng doanh thu tăng lên là nhờ sự bùng nổ của AI.

Alibaba Cloud cho biết mức tăng trưởng 3% trong quý 1/2024 của họ được hỗ trợ một phần bởi thu nhập liên quan đến AI giúp thúc đẩy tăng trưởng. Baidu Cloud báo cáo mức tăng trưởng doanh thu 12% trong quý 1/2024, với các dịch vụ mô hình nền tảng và AI tạo sinh chiếm 6,9% tổng doanh thu đám mây AI.

Các gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Google và Microsoft cũng báo cáo nhu cầu mạnh mẽ với dịch vụ mô hình ngôn ngữ lớn dựa trên đám mây của họ. Trong quý 1/2024, doanh thu tại bộ phận đám mây thông minh của Microsoft đã tăng 21% so với một năm trước đó. Trong khi đó, Google chứng kiến ​​doanh thu quý 1/2024 tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ivan Lam, nhà phân tích tại công ty tư vấn thị trường Counterpoint Research, nói: “Chúng tôi đã chứng kiến ​​vốn hóa thị trường của Microsoft tăng vọt và nhiều người đều mong muốn tận dụng cơ hội này. Thị trường Trung Quốc đặc biệt mong muốn thiết lập mối liên kết nhanh chóng giữa các ứng dụng AI và hoạt động kinh doanh để thúc đẩy những tiến bộ hơn nữa trong mô hình ngôn ngữ lớn của mình”.

Alibaba từ chối cung cấp dữ liệu về mức độ tăng trưởng trong việc sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn của mình sau đợt giảm giá gần đây, nhưng cho biết số lần một công ty tuyển dụng hàng đầu Trung Quốc sử dụng giao diện lập trình ứng dụng (API) Qwen của họ đã tăng gấp 100 lần trong vòng một tuần.

Ít nhất là với những người sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn như công ty tuyển dụng đó, việc giảm giá các dịch vụ AI hiện tại dường như đang mang lại lợi ích.

Zhao Chong, người sáng lập và Giám đốc điều hành iSheji (công ty cung cấp dịch vụ thiết kế đồ họa hỗ trợ AI), đã phấn khởi khi các hãng đua nhau giảm giá mô hình ngôn ngữ lớn.

“Với những công ty khởi nghiệp xây dựng ứng dụng như chúng tôi, cuộc chiến giá cả là một điều tốt. Chi phí mô hình ngôn ngữ lớn trước đây chiếm từ 5 đến 10% tổng chi phí của chúng tôi, giờ đây có thể chỉ còn 1%, giúp tăng lợi nhuận cho chúng tôi”, Zhao Chong nói.

Các công ty hướng tới người tiêu dùng như iSheji cũng giảm giá dịch vụ của chính họ, với nhiều dịch vụ miễn phí.

Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp đang cố gắng đứng ngoài cuộc chiến giá cả. Baichuan và 01.AI (công ty khởi nghiệp được thành lập bởi Lý Khai Phục, nhà khoa học máy tính người Đài Loan từng làm Chủ tịch Google Trung Quốc) đã bác bỏ ý tưởng giảm giá.

chua-the-vuot-openai-cac-hang-cong-nghe-lon-trung-quoc-tham-gia-cuoc-chien-giam-gia-khoc-liet(1).jpg
Cuộc chiến về giá trong ngành AI của Trung Quốc do các gã khổng lồ công nghệ khởi xướng đe dọa những công ty khởi nghiệp đang cố gắng phát triển trong thị trường có tính cạnh tranh cao - Ảnh minh họa: Henry Wong

You Yang, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Quốc gia Singapore, lưu ý đến lợi ích của giá thấp với các nhà phát triển ứng dụng, nhưng ông cảnh báo rằng những ứng dụng này có thể không hoạt động tốt nếu được xây dựng trên các mô hình ngôn ngữ lớn phụ.

Dù vậy, cuộc chiến giá cả đã nổ ra vì các công ty có những lựa chọn hạn chế. Theo Yan Lijie, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành MiniMax (1 trong 4 "con hổ AI" của Trung Quốc), cạnh tranh về giá luôn dễ dàng hơn so với việc cải thiện không ngừng khả năng của mô hình ngôn ngữ lớn.

4 "con hổ AI" của Trung Quốc gồm MiniMax, Baichuan, Zhipu AI và Moonshot AI.

Nhà phân tích Ivan Lam cho rằng cạnh tranh về giá có thể là điều không thể tránh khỏi với các công ty muốn duy trì sự thống trị trong lĩnh vực dịch vụ AI khi thị trường ngày càng trở nên đông đúc.

Một số gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc dường như có lợi thế hơn về nguồn tài nguyên tính toán và tiền bạc để chi tiêu. Alain Le Couedic nói còn quá sớm để dự đoán người chiến thắng tiềm năng trong cuộc chiến giá AI vì ngành này vẫn chưa trưởng thành. Ông nói thêm rằng mô hình kinh doanh và lợi thế kỹ thuật đều sẽ là yếu tố chính quyết định những công ty thống trị lĩnh vực AI.

“Cuối cùng thì những công ty có dịch vụ tốt nhất và công nghệ tốt nhất sẽ giành chiến thắng”, Alain Le Couedic nhấn mạnh.

Bài liên quan
Trung Quốc phê duyệt hơn 40 mô hình ngôn ngữ lớn trong nửa năm mặc cảnh báo từ CEO Baidu
Trung Quốc đã phê duyệt hơn 40 mô hình ngôn ngữ lớn để sử dụng công khai trong 6 tháng đầu tiên kể từ khi chính quyền bắt đầu quá trình này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó vượt qua OpenAI, các hãng công nghệ lớn Trung Quốc tham gia cuộc chiến giảm giá khốc liệt