Từ ngày 26.5 đến 1.7,2018, tại rạp Bến Thành, TP.HCM, chương trình Ngày xửa ngày xưa của sân khấu IDECAF sẽ đến với khán giả nhí với một vở diễn có tựa đề dài nhất từ trước đến nay: Alibaba và đầy đủ 40 tên cướp cùng với cây đèn thần Aladin nữa đó
Trong vở diễn này Nsut Thành Lộc sẽ hoá thân vào nhân vật Alepede, một trong những đầu sỏ của 10 tên cướp. Ở băng nhóm cướp đó Nsut Hữu Châu trong vai Abu xukha là một ông trùm điều khiển dưới trướng 40 tên khác. Như vậy, Nsut Thành Lộc là 1 trong 40 đàn em của Nsut Hữu Châu. Đây cũng là một trong nhiều lần cả Nsut Thành Lộc và Nsut Hữu Châu đều hoá thân cùng tuyến nhân vật phản diện.
Tuy nhiên, các tên cướp trong vở diễn này không ác ôn theo kiểu bạo lực, giết người mà là chỉ là biểu tượng cho những kẻ xấu bụng. Để cuối cùng nhận lãnh kết quả xấu. Từ đó, tác giả Minh Phương gửi đi thông điệp rằng trong cuộc sống con người cần phải phát huy lòng tốt và sự san sẻ tình thương với người bất hạnh.
Theo đạo diễn Vũ Minh, để tạo hiệu ứng mạnh cho vở diễn, anh mạng lên sân khấu đầy đủ 40 diễn viên vào vai 40 tên cướp. Tính ra tổng số diễn viên cho vở diễn này lên đến khoảng hơn 70 người. Đây là số lượng diễn viên kỷ lục của chương trình Ngày xửa ngày xưa từ trước đến nay.
Điểm đặc biệt khác, phần nhạc và vũ đạo trong vở diễn tăng lên gấp đôi so với các vở diễn khác. Các bài múa mang màu sắc Ấn Độ và Trung Đông khiến các diễn viên hát và múa liên tục trong suốt buổi diễn. Nsut Thành Lộc dù đã ngoài tuổi 50 nhưng anh vẫn hoàn thành xuất sắc lượng vũ đạo khó và nặng so với ngay cả diễn viên trẻ. Điều này góp phần tạo nên hiệu ứng rất mạnh cho vở diễn.
Một trong những nét nhân văn trong vở diễn là dù có sự đối đầu giữa hai phe thiện và ác, nhưng suốt vở diễn không có cảnh chém giết, đánh đấm. Điều này cũng thể hiện ẩn ý rằng trong thế giới tuổi thơ cần đấu tranh cho điều tốt nhưng không cần tính bạo lực. Vì Thế giới tuổi thơ rất đẹp và trong sáng.