Tạp chí The Forbes cho biết Ukraine đang tấn công Nga bằng một loại vũ khí mới: khí cầu thả bom đơn giản, giá thành thấp nhưng được điều khiển bằng thiết bị điện tử và tín hiệu vệ tinh.
Chuyển động

Khí cầu thả bom tầm xa của Ukraine

Cẩm Bình 25/04/2024 17:10

Tạp chí The Forbes cho biết Ukraine đang tấn công Nga bằng một loại vũ khí mới: khí cầu thả bom đơn giản, giá thành thấp nhưng được điều khiển bằng thiết bị điện tử và tín hiệu vệ tinh.

Giới chuyên gia ghi nhận khí cầu nêu trên có một số tính năng đáng ngạc nhiên. Thứ trông như công cụ quấy rối tầm thường có thể là vũ khí khéo léo tăng cường khả năng tấn công chiến lược của Ukraine.

khi00.jpg
Hình ảnh khí cầu thả bom của Ukraine - Ảnh: H.I.Sutton

Tháng 2 năm ngoái, lực lượng Ukraine từng bắn hạ khí cầu Nga. Chúng dường như là khí cầu theo dõi thời tiết mang gương phản xạ radar bay về phía thủ đô Kyiv ở độ cao hơn 3.000 mét, đóng vai trò mồi nhử gây nhầm lẫn cho mạng lưới phòng thủ trong các đợt không kích bằng tên lửa lẫn máy bay không người lái (UAV).

Đến tháng 3 năm nay, Nga thông báo bắn hạ khí cầu Ukraine. Chúng lớn hơn, tinh vi hơn và mang vũ khí. Hãng MASH thời điểm đó đưa tin: “Lần đầu tiên lực lượng vũ trang Ukraine phóng một loạt khí cầu thời tiết có chất nổ vào sâu trong lãnh thổ Nga”. Một trái rơi xuống khu rừng gần làng Novaya Slobodka, còn một trái khác bị phá hủy ở vùng Kursk.

Vài khí cầu mang bom cối, số khác mang gương phản xạ radar. Mỗi quả khí cầu còn có thiết bị GPS, chấn lưu, pin cùng thiết bị điều khiển nhập sẵn tọa độ tấn công. Nhiều hình ảnh cũng cho thấy bom cối, vũ khí nổ được treo trên nó.

khi01.jpg
Loạt thiết bị và bom mà khí cầu mang theo - Ảnh: DanielR

Theo tạp chí Scientific American, khí cầu thả bom được biết đến sớm nhất do kỹ sư người Áo Franz Von Uchatius phát minh nhằm phục vụ cuộc tấn công thành phố Venice năm 1849. Trong 175 năm qua chúng không ngừng được cải tiến, gần đây nhất nhóm Hamas đã dùng khí cầu tiến hành cho nhiều cuộc tấn công từ Dải Gaza.

Khí cầu Ukraine tiên tiến hơn đáng kể. Nhà vật lý DanielR phân tích: “Bom được giữ bằng một sợi dây xuyên qua vòng dây. Module Bluetooth đóng vai trò “bộ não” của khí cầu, cho phép rơ le truyền dòng điện dọc vòng dây. Vòng dây nóng chảy rồi bén sang dây giữ giải phóng bom”.

Module Bluetooth dường như là ESP32-H2-Mini-1 giá khoảng 2 USD. Ngoài ra còn có thiết bị GPS GP1818MK giá 20 USD, thiết bị theo dấu Spot Trace giá 130 USD gửi dữ liệu vị trí trực tiếp đến các vệ tinh để lực lượng Ukraine nắm bắt, theo nhà vật lý DanielR.

Chuyên gia Chris Hillcox (trang Near Space Photography) nhận định toàn bộ khí cầu chỉ tốn khoảng 1.000 USD, tùy loại khí bơm vào chúng là heli đắt tiền hay hydro rẻ hơn.

Nếu không mang gương phản xạ radar, khí cầu sẽ khó bị phát hiện. Tuy nhiên có lẽ Ukraine không muốn như vậy, họ muốn Nga phải tiêu tốn tên lửa đất đối không hoặc không đối không đắt tiền. Gương phản xạ cũng cho phép Ukraine theo dõi vũ khí mình triển khai, so sánh với dữ liệu GPS phục vụ công tác lập bản đồ nơi GPS thường bị nhiễu hoặc giả mạo, cải thiện độ chính xác khi dùng UAV tấn công.

Nga có máy bay M-17 Mystic chuyên bắn hạ khí cầu. Máy bay được trang bị pháo 23mm, hoạt động ở độ cao tối đa hơn 21.000 mét. Vào những năm 1950 khi vệ tinh chưa phổ biến, phương Tây thường triển khai khí cầu tiến hành do thám Liên Xô.

Khi mối đe dọa từ khí cầu giảm dần, M-17 Mystic chuyển sang làm nhiệm vụ trinh sát và nghiên cứu thời tiết vùng cao. Nhưng giờ đây nhiều khả năng Nga phải lên phương án đối phó trở lại bằng nó bởi khí cầu Ukraine sẽ còn xâm phạm không phận.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Hội thảo, Triển lãm Internet Day 2024 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khí cầu thả bom tầm xa của Ukraine