Chỉ mới áp dụng vào các trường được 2 năm, nhưng Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về quy định đánh giá học sinh tiểu học đã thật sự khiến các giáo viên... phát hoảng mỗi khi kết thúc một học kỳ hoặc kết thúc năm học.

Kết thúc năm học, giáo viên than trời vì tìm lời nhận xét cho học sinh

Haiyen | 16/05/2016, 10:49

Chỉ mới áp dụng vào các trường được 2 năm, nhưng Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về quy định đánh giá học sinh tiểu học đã thật sự khiến các giáo viên... phát hoảng mỗi khi kết thúc một học kỳ hoặc kết thúc năm học.

Có hiệu lực từ 15.10.2014, Thông tư 30 với quy định các giáo viên tiểu học phải nhận xét định tính hoặc định lượng kết quả học tập, rèn luyện phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh thay vì đánh giá bằng điểm số như những năm trước đã khiến nhiều giáo viên... phát hoảng.

Chính vì quy định này nên mỗi khi kết thúc một học kỳ hay một năm học, các giáo viên vốn đã mất ăn, mất ngủ vìcác giấy tờ, ôn tập, lại phải kèm thêm ghi nhận xét cho từng học sinh. Để tổ chức khen thưởng học sinh cuối học kỳ hay cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm phải hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá theo Thông tư 30/2014 của Bộ GD-ĐT hoặc đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hay thành tích đột xuất khác. Giáo viên chủ nhiệm sẽ phải tổng hợp và lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.

"Mỗi lớp có hơn 60 học sinh, ngồi ghi nhận xét, nghĩ ra từng câu chữ phù hợp cho từng em rất mất thời gian. Do không có mẫu nhận xét cho học sinh nên giáo viên phải tự nghĩ ra lời đánh giá theo các mức độ khác nhau. Kể cả có muốn chê học sinh cũng phải tìm từ ngữ sao cho phù hợp. Ví dụ như muốn nói với phụ huynh là con lười viết, cần rèn thêm tiếng Việt cho con thì cũng phải ghi thật "ẩn ý" rằng con viết còn chưa nhanh, cần cố gắng hơn nữa. Nói chung là tôi thấy không khác gì ngồi tập làm văn theo hướng chung chung", cô T.H - giáo viên chủ nhiệm lớp 1M Trường tiểu học Dịch Vọng A, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.

Việc đánh giá học sinh tiểu học không bằng điểm số đã làm nảy sinh những bất cập khiến các giáo viên khóc dở mếu dở. "Ở lớp tôi các em học không đều, thường các em học Toán rất giỏi nhưng tiếng Việt lại kém. Khi các em hoàn thành bài xong, tôi chấm điểm thì Toán được 10, nhưng tiếng Việt và viết chỉ đạt điểm 6; chia điểm ra sẽ là học lực khá. Nhưng nếu không chấm điểm thì phụ huynh sẽ không biết môn học nào con mình học kém với lời nhận xét chung chung là con cần rèn luyện thêm phần tiếng Việt. Thậm chí thầy cô phải tìm ngôn ngữ phù hợp để nhận xét và với sĩ số lớp hơn 60 em thì giáo viên phải mất gần 1 tháng mới hoàn thành được toàn bộ học bạ của lớp mình", thầy Mai Văn M. - giáo viên Trường tiểu học Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội khẳng định.

Giáo viên phải tìm những câu chữ phù hợp để nhận xét từng học sinh trong suốt một năm học

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, giáo sưVăn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng theo như Thông tư 30, những học sinh sinh học mức trung bình thì có thể không nhận xét, nếu kém phần nào nhận xét phần đó. Học sinh học khá, giỏi thì có thể khen: Tính toán nhanh, chữ viết đẹp, làm văn biết sử dụng từ ngữ giàu hình ảnh, sáng tạo trong các môn... Giấy khen học sinh giỏi toàn diện thườngghi: Đạt học sinh tiêu biểu. Học sinh chỉ giỏi một hoặc hai môn thì ghi: Học sinh có năng khiếu về môn Toán hoặc Tiếng Việt. Nếu học sinh học chỉ bình thường mà hoạt động sôi nổi trong lớp thì cũng khen để khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động tích cực. Tóm lại, nếu áp dụng theo đúng Thông tư 30 thì hầu như học sinh nào cũng được khen. Thầy cô giáo cũng phải tìm những từ ngữ tốt nhất, phù hợp nhất để vừa khen, vừa khuyến khích học sinh không... buồn và bố mẹ không... xấu hổ.

"Tôi mệt mỏi đến mức dù kết thúc một buổi dạy cũng không muốn về nhà, vì về nhà vướng víu con cái, nấu nướng, dọn dẹp... lại không hoàn thành được các bản đánh giá cho các em. Cả tuần nay chúng tôi vừa dạy, vừa ghi nhận xét, tranh thủ cả giờ nghỉ trưa, đêm khuya nhưng cũng mới chỉ hoàn thành được phân nửa số học bạ. Chúng tôi truyền nhau phương pháp, học sinh nào học khá, giỏi thì nhận xét trước, còn học sinh học trung bình thì để cuố. Đến lúc mệt quá rồi thì ghi nhận xét chung chung cho một số em có học lực giống nhau. Mỗi khi kết thúc một học kỳ, một năm học là các giáo viên lại "vắt chân lên cổ" để tìm những lời nhận xét có cánh cho các học sinh", một giáo viên Trường Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội mệt mỏi trao đổi.

Có thể thấy, Thông tư 30 với việc không cho điểm học sinh đã khiến giáo viên vất vả hơn rất nhiều so với trước kia. Thay vì chỉ chấm điểm một bài kiểm tra của một môn học, giáo viên phải theo dõi, quan sát học sinh để đưa ra các nhận xét, đánh giá về mọi mặt, cả đạo đức lẫn phong trào của các em. Việc không cho điểm học sinh còn khiến khó xác định năng lực thực sự của các em khi các giáo viên không được “chê” trò. Thậm chí, để đối phó với sổ sách, nhiều giáo viên đã phải cầu cứu đến những tài liệu với các câu nhận xét mẫu để... áp dụng với chính các học sinh của mình. Nhiều giáo viên chia sẻ, họ mong muốn thu hồi và dừng việc áp dụng Thông tư 30 vào bậc tiểu học hơn bao giờ hết vì chính Thông tư này đang lấy đi thời gian để quan tâm, đánh giá của giáo viên dành cho học sinh thông qua cuốn sổ học bạ...

Dạ Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kết thúc năm học, giáo viên than trời vì tìm lời nhận xét cho học sinh