Báo cáo chính thức của IEA cho biết, tình trạng cung vượt cầu trên thị trường dầu lửa toàn cầu sẽ tiếp tục diễn ra ít nhất là trong nửa đầu năm 2017, trong khi thời điểm cung cầu có thể cân bằng lại là điều không chắc chắn.
Những kỳ vọng về việc vực dậy giá dầu thế giới trong cuộc họp không chính thức của OPEC tại Algeria vào cuối tháng 9đang có nguy cơ trở thành mây khói, khi Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) vừa đưa ra báo cáo về thị trường dầu lửa thế giới từ nay đến hết năm 2017. Theo đó, tình trạng dư cung sẽ tiếp tục diễn ra và kéo dài đến gần hết năm 2017, bất chấp những nỗ lực tìm cách đóng băng sản lượng của OPEC cũng như các cường quốc xuất khẩu dầu nằm ngoài tổ chức này như Nga hay Na Uy.
Lý do chủ yếu sẽ đến từ việc sụt giảm nhu cầu từ các nền kinh tế lớn đang gặp vấn đề về tăng trưởng như Trung Quốc hay Ấn Độ, trong khi các nước OPEC lại chưa thể đưa ra một thỏa thuận đóng băng để làm giảm tình trạng dư cung trầm trọng hiện nay. Và quan trọng hơn hết làhầu hết các nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới đều đang dần thích nghi với giá dầu thấp hiện nay để có thể tiếp tục duy trì sản lượng cao của mình.
Tuyên bố này của IEA đã gây ra nhiều bất ngờ, khi chính tổ chức này đã dự báo về một sự cân bằng cung cầu có thể diễn ra ngay trong năm 2016, nhưng ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thể diễn ra khi giá dầu vẫn đang dao động quanh mốc 50 USD/thùng. Theo lý giải của các quan chức IEA, có hai lý do chính tạo ra tình trạng này: sự sụt giảm nhu cầu do các nền kinh tế lớn mới nổi giảm tốc tăng trưởngvà các nước xuất khẩu dầu đang thích nghi với tình trạng giá dầu thấp tốt hơn so với dự đoán.
Cụ thể, IEA dự báo nhu cầu dầu lửa toàn cầu trong năm 2017 sẽ giảm khoảng 200.000 thùng mỗi ngàyvà chỉ còn đạt mức 97.300.000 thùng/ngày. Thậm chí, mức giảm nhu cầu hàng ngày này có thể dao động từ 100.000 tới 1,3 triệu thùng mỗi ngày tùy thuộc vào tình trạng kinh tế của các quốc gia trong khối BRICS như Trung Quốc hay Ấn Độ. Sự sụt giảm nhập khẩu dầu đã diễn ra tại hai nền kinh tế hàng đầu châu Á này trong quý III năm nay, và có thể sẽ kéo dài sang nửa đầu năm 2017. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như các nền kinh tế lớn nhất đang trì trệ, thì sự sụt giảm nhu cầu đối với dầu lửa là một điều dễ hiểu.
Trong khi đó, sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu của hầu hết các nước trên thế giới lại đang có xu hướng gia tăng khá mạnh trong thời gian vừa qua. Nguyên nhân chủ yếu không đến từ việc giá dầu hồi phục (không đáng kể), mà có vẻ như đến từ tình trạng các nước xuất khẩu dầu dường như đang thích nghi tốt hơn với mức giá thấp dưới 50 USD/thùng. Hầu hết các nước xuất khẩu dầu hàng đầu trong OPEC đều đã tăng khá mạnh sản lượng khai thác của mình trong thời gian qua, chẳng hạn như Iran đã tiến đến khá gần con số 4 triệu thùng/ngàyvốn là mức sản lượng nước này đạt được trước khi bị cấm vận cách đây 3 năm. Iran đã làm được điều này sớm hơn khoảng nửa năm so với dự đoán của giới chuyên gia.
Cường quốc xuất khẩu số một OPEC là Ả Rập Saudi cũng tương tự, khi nước này đã chính thức qua mặt Mỹ để trở thành quốc gia có sản lượng khai thác lớn nhất thế giới. Cụ thể, trong tháng vừa qua Ả RậpSaudi đã tăng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày để đạt tổng sản lượng lên tới 12,58 triệu thùng/ngày, vượt qua mức sản lượng của Mỹ là 12,2 triệu thùng/ngày. Đây là mức tăng trưởng sản lượng khai thác lớn nhất của Ả Rập Saudi trong vài năm gần đây, khi tổng sản lượng của nước này trong tháng 7 mới chỉ đạt 10,65 triệu thùng/ngày.
Điều tương tự cũng diễn ra với các nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC như Nga hay Na Uy. IEA dự kiến mức tăng sản lượng khai thác của các nước này trong năm 2017 là khoảng 380.000 thùng/ngày, và đây có thể chưa phải là mức cao nhất dự kiến. Cường quốc duy nhất rơi vào tình trạng sụt giảm sản lượng khai thác là Mỹ, khi tổng sản lượng của nước này đã giảm khoảng 460.000 thùng/ngày trong thời gian vừa qua, chủ yếu là do tình trạng các công ty khai thác dầu phiến phải tạm ngưng hoạt động hoặc phải giảm sản lượng đang gia tăng do giá dầu thấp. Chính việc giảm 460.000 thùng/ngày này đã khiến cho Mỹ bị Ả RậpSaudi qua mặt để giữ vị trí quốc gia có sản lượng khai thác số một thế giới. Hầu hết các chuyên gia đều dự báo, chỉ đến khi giá dầu quay trở lại mức 55-65 USD/thùng thì các hoạt động khai thác dầu phiến tại Mỹ mới hồi phục trở lại.
Tổng hợp hai nguyên nhân này, là lý do IEA đưa ra dự đoán giá dầu sẽ chưa thể hồi phục ít nhất là trong nửa đầu năm 2017, do tình trạng cung vượt cầu vẫn còn diễn ra ở quy mô lớn. Kể cả những nỗ lực vực dậy giá dầu, chẳng hạn như một thỏa thuận đóng băng sản lượng quy mô lớn giữa OPEC và một số nước xuất khẩu lớn như Nga, cũng không thể cải thiện tình hình. Một thỏa thuận đóng băng sản lượng sơ bộ được dự báo sẽ diễn ra trong cuộc họp không chính thức của OPEC tại Algeria vào cuối tháng này, khi Iran tỏ ý sẵn sàng tham gia nếu như có sự đồng thuận của cả Ả Rập Saudi, Nga lẫn các nước thành viên khác trong OPEC.
Về lý thuyết, một thỏa thuận đóng băng sản lượng sẽ có ý nghĩa vực dậy phần nào với giá dầu, nhưng có giải quyết triệt để tình trạng dư cung hiện nay hay không lại là một câu chuyện khác. Rất có thể, thỏa thuận đóng băng sản lượng sẽ chỉ dừng lại ở mức vừa đủ để đưa giá dầu lên cao đến mức có thể chấp nhận với các quốc gia xuất khẩu dầu chủ chốt, để làm giảm sức ép về kinh tế - xã hội tại các nước này ở thời điểm hiện tại mà thôi.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)