Ngày 17.3, tại TP.Cần Thơ đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nhân lực và vi mạch bán dẫn tại TP.Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Khoa học - công nghệ

Hợp tác đào tạo nhân lực ngành điện tử và vi mạch bán dẫn

Văn Kim Khanh 17/03/2024 23:24

Ngày 17.3, tại TP.Cần Thơ đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nhân lực và vi mạch bán dẫn tại TP.Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường đã dự lễ ký kết. Cùng tham dự còn có đại diện các sở, ban, ngành, viện, trường tại TP.Cần Thơ, TP.HCM và các tập đoàn, doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn.

dat.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại lễ ký kết - Ảnh: Văn Kim Khanh

Việc ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo nhân lực ngành điện tử và vi mạch bán dẫn được thực hiện giữa Sở KH-CN, Trường Bách khoa - Đại học Cần Thơ, Trường đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế Sun Edu nhằm tạo ra sự lan tỏa, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao về điện tử và vi mạch bán dẫn tại TP.Cần Thơ và vùng ĐBSCL.

Theo đó, các bên sẽ cùng hợp tác tổ chức hiệu quả Chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn để đón đầu nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này; tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu cho các đối tượng là viên chức, giảng viên và sinh viên trên địa bàn thành phố và khu vực ĐBSCL

Cùng với đó là việc tổ chức các sự kiện truyền thông về hoạt động triển khai chương trình, tổng hợp, báo cáo, đánh giá hiệu quả hoạt động đào tạo, đồng thời tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực một cách hiệu quả, chất lượng.

phuong.jpg
GS-TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường, Đại học Cần Thơ phát biểu - Ảnh: V.K.K

Thời gian qua, vi mạch bán dẫn được xem là nền tảng của tính toán hiện đại, giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh thế giới bước sang giai đoạn bùng nổ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, dữ liệu lớn…

Cùng với xu thế phát triển trên thế giới và cả nước, Cần Thơ đang nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có nền tảng tư duy tốt và nhân lực có trình độ cao không ngừng được tăng lên

Đặc biệt, lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, công nghệ thông tin (CNTT), tự đóng hóa, điện tử đang dành được nhiều sự quan tâm của các thế hệ trẻ. Đây cũng là các lĩnh vực có liên quan đến các công đoạn khác nhau của ngành công nghiệp bán dẫn. Để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tận dụng những lợi thế này, TP.Cần Thơ đang tập trung xây dựng và phát triển công nghệ cao, công nghệ 4.0, tăng cường đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và đào tạo nhân lực về công nghệ điện tử và vi mạch bán dẫn.

hieu.jpg
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu phát biểu - Ảnh: Văn Kim Khanh

Việc ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nhân lực ngành điện tử và vi mạch bán dẫn diễn ra hôm nay sẽ là bước tiến quan trọng thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Cần Thơ và vùng ĐBSCL.

Phát biểu tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác, GS-TS Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch Hội đồng Trường (Đại học Cần Thơ) cho biết Đại học Cần Thơ với sứ mệnh là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng; là cầu nối năng động, tin cậy và hợp tác trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL và cả nước.

trao-2-chung-nhan.jpg
Trao giấy chứng nhận cho 2 trường đại học về đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn - Ảnh: V.K.K

Đại học Cần Thơ có nguồn nhân lực gần 2.000 cán bộ - giảng viên, trong đó có gần 1.200 giảng viên trình độ tiến sĩ, chiếm 55%, giáo sư, phó giáo sư chiếm 17%, và 45 ngàn sinh viên, đào tạo đa ngành, chuyên sâu, cơ sở vật chất ngày càng được nâng cấp hiện đại.

“Trong đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030” do Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ KH-CN, Bộ TT-TT và Bộ Giáo dục - Đào tạo nghiên cứu, xây dựng; trong đó dự kiến đào tạo khoảng 30.000 - 50.000 nhân lực, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Đại học Cần Thơ vinh dự là một trong 18 đại học/trường đại học được phân công, giao chỉ tiêu đào tạo kỹ sư lĩnh vực vi mạch điện tử. Đây là cơ hội cũng là thách thức đối với nhà trường”, đại diện Đại học Cần Thơ cho biết.

ky-ket.jpg
Ký kết hợp tác đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn - Ảnh: Văn Kim Khanh

Cũng theo Đại học Cần Thơ, việc ký kết hợp tác nhằm phát huy thế mạnh của trường và thế mạnh của Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế Sun Edu, tạo thêm thế mạnh cùng đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực về điện tử và vi mạch bán dẫn. Bên cạnh đào tạo, cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ thúc đẩy sự phát triển bền vững TP.Cần Thơ và vùng ĐBSCL.

Phát biểu tại sự kiện, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu rất ủng hộ sự hợp tác này. TP.Cần Thơ sẽ xây dựng các khu công nghiệp với quỹ đất sạch tạo điều kiện để thu hút đầu tư khu công nghệ cao. Cần Thơ khuyến khích các trường đại học hợp tác với doanh nghiệp và các trường đại học trong-ngoài nước về đào tạo vi mạch và bán dẫn, không chỉ cho ĐBSCL mà cho cả nước. Đào tạo gắn với sử dụng hiệu quả nhân lực cho ngành bán dẫn, đó là định hướng của TP.Cần Thơ.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao ý nghĩa của việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của các bên liên quan, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện tử và vi mạch bán dẫn, đánh giá cao vai trò của Đại học Cần Thơ trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thời gian qua cho TP.Cần Thơ và vùng ĐBSCL.

Bộ trưởng Đạt lưu ý đào tạo phải gắn với sử dụng nguồn lực, TP.Cần Thơ đang tập trung xây dựng và phát triển công nghệ cao, công nghệ 4.0 nên rất cần nguồn nhân lực này nhằm góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.Cần Thơ và cả nước.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ KH-CN, lãnh đạo TP.Cần Thơ và các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nhân lực và vi mạch bán dẫn giữa Sở KH-CN Cần Thơ, Trường Bách khoa - Đại học Cần Thơ, Trường đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế Sun Edu.

Bộ trưởng Bộ KH-CN và Bí thư Thành ủy Cần Thơ trao hoa cho các doanh nghiệp ký kết hợp tác đào tạo nhân lực chip bán dẫn - Ảnh: V.K.K
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hợp tác đào tạo nhân lực ngành điện tử và vi mạch bán dẫn