Trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024, phiên thảo luận với chủ đề “Đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn” đã diễn ra trong ngày 16.3.
Tại phiên thảo luận về đầu tư, ứng dụng công nghệ tại các tòa soạn, đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí đã trao đổi kinh nghiệm, bàn giải pháp để ứng dụng công nghệ AI vào làm báo.
Bà Nguyễn Thu Hà, Phó giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital), Đài truyền hình Việt Nam, cho rằng thời kỳ truyền thông lấy truyền hình là trung tâm đã kết thúc, hiện đã chuyển sang thời kỳ truyền thông lấy số làm trung tâm.
“Chúng ta cần tư duy lại bởi truyền hình không còn là truyền thông nữa mà số mới là truyền thông”, bà Hà nói và nhìn nhận để chuyển đổi được điều này là việc khó đối với truyền hình. Lúc này, ánh mắt của công chúng hướng vào màn hình máy tính, iPad và bây giờ là màn hình điện thoại chứ không phải tivi.
Bà Hà cũng cho rằng hiện nay những người phát ra tin tức, sáng tạo nội dung số được rất nhiều “follower”, sức cạnh tranh cao hơn truyền hình; trí tuệ của họ còn hơn cả bất kỳ trung tâm truyền hình lớn nào, kể cả Đài truyền hình Việt Nam.
Không chỉ truyền hình, bà Nguyễn Thu Hà còn cho rằng kể cả các loại hình báo chí khác cũng phải thay đổi, giữa các loại hình báo chí không còn ranh giới mà phải hòa nhập với AI, với chuyển đổi số.
Theo bà Hà, nhà báo phải quăng mình vào thế giới AI để không tụt hậu trong thời đại ngày nay. Nhà báo phải thành thạo công nghệ, đẩy mạnh làm báo đa phương tiện, làm báo di động, làm báo cùng AI và làm báo với mạng xã hội. Nhà báo phải có vốn xã hội, phải là ai đó trên mạng xã hội, có người theo dõi và tốt nhất là trở thành KOLs, có vị thế cá nhân trên mạng xã hội.
Phó giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số nhấn mạnh người làm truyền hình phải từ bỏ hào quang của môi trường truyền hình để bắt đầu với hào quang mới do AI tạo ra và phần thưởng là “công chúng sẽ không rời xa bạn”.
Tại phiên thảo luận, ông Bùi Công Duyến - Giám đốc Sản phẩm Tòa soạn Hội tụ ONECMS tham luận về giải pháp công nghệ dành cho tòa soạn hội tụ trong công cuộc chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam.
Theo ông Duyến, hầu hết các cơ quan báo chí tại Việt Nam đều có đồng thời nhiều loại hình báo chí: in, điện tử, video clip, podcast… Mỗi loại hình báo chí sử dụng các phần mềm quản lý nội dung (CMS) riêng rẽ hoặc chưa có CMS quản lý. Chưa có các phần mềm phục vụ hành chính trị sự như quản lý công việc, trang thiết bị, văn bản…
Cùng với đó, thiếu công cụ hỗ trợ sản xuất nhanh các tác phẩm báo chí đa phương tiện như e-magazine, longform, megastory. Thiếu công cụ quản lý nội dung tập trung trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube, Zalo… Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động của tòa soạn còn hạn chế.
Ông Bùi Công Duyến cũng chia sẻ về sử dụng Al trong toà soạn hội tụ. Trong đó có việc sử dụng các công cụ: xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt; chuyển văn bản thành giọng nói và ngược lại; nhận diện và phân loại hình ảnh, với việc hệ thống sẽ nhận diện được hình ảnh.
Về gợi ý và phát hiện xu hướng, ông Duyến lấy ví dụ về “hệ thống giám sát” thông tin trên báo chí để phát hiện xu hướng báo chí. Cùng với đó là sử dụng gợi ý nội dung cho loại hình báo chí khác. Một số công cụ AI có thể dùng ngay là ChatGPT, Gemini…
Chia sẻ tại thảo luận, ông Lee Kah Whye - Giám đốc khu vực của Hiệp hội các nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN - IFRA) cho biết, các cơ quan báo chí ở khu vực giống ở Việt Nam là có mức độ trưởng thành số khác nhau. Có cơ quan báo chí rất phát triển, có cơ quan mới bắt đầu. Do đó, việc học hỏi lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm từ các cơ quan báo chí trưởng thành hơn sẽ có ích rất nhiều cho cơ quan báo chí trong quá trình chuyển đổi, việc chuyển đổi này không nên giới hạn ở trong nước mà có thể là tiếp cận nhiều hơn với môi trường báo chí quốc tế.