Các phóng viên của The New York Times đã dành hơn 1 năm để tìm hiểu các tài liệu đấu thầu của chính phủ Trung Quốc để tiết lộ lộ trình công nghệ của đất nước này.
Tham vọng của Trung Quốc trong việc thu thập một lượng dữ liệu cá nhân từ các công dân hàng ngày còn mở rộng hơn những gì từng biết trước đây, theo cuộc điều tra của The New York Times.
Các thiết bị theo dõi điện thoại hiện nay có mặt ở khắp mọi nơi ở Trung Quốc. Cảnh sát nước này đang tạo ra một số cơ sở dữ liệu DNA lớn nhất trên thế giới. Các nhà chức trách đang xây dựng dựa trên công nghệ nhận dạng khuôn mặt để thu thập các bản ghi giọng nói từ công chúng.
DNA là vật liệu di truyền của tế bào, lưu trữ trong các nhiễm sắc thể ở nhân tế bào và ty thể.
Bản ghi giọng nói là nhận dạng sinh trắc học bằng cách ghi âm điện tử và biểu diễn bằng đồ thị giọng nói của một người.
Nhóm Điều tra Hình ảnh của The New York Times và các phóng viên ở châu Á đã dành hơn 1 năm để phân tích hơn 100.000 hồ sơ mời thầu của chính phủ Trung Quốc. Họ kêu gọi các công ty đấu thầu các hợp đồng cung cấp công nghệ giám sát, bao gồm các yêu cầu về sản phẩm và quy mô ngân sách, đôi khi mô tả chi tiết tư duy chiến lược đằng sau việc mua hàng.
Luật pháp Trung Quốc quy định rằng các cơ quan phải lưu giữ hồ sơ dự thầu và đặt chúng ở chế độ công khai. Song trên thực tế, các hồ sơ này nằm rải rác trên các trang web khó tìm kiếm và thường bị gỡ xuống nhanh chóng mà không cần thông báo. ChinaFile, tạp chí kỹ thuật số do Asia Society xuất bản, đã thu thập các hồ sơ dự thầu và chia sẻ chúng độc quyền với The New York Times.
Sự tiếp cận chưa từng có này cho phép The New York Times nghiên cứu khả năng giám sát của Trung Quốc. Mục tiêu của chính phủ Trung Quốc rất rõ ràng: Thiết kế một hệ thống để tối đa hóa những gì nhà nước có thể tìm hiểu về danh tính, hoạt động và kết nối xã hội của người dân.
Dưới đây là những tiết lộ chính của cuộc điều tra:
Cảnh sát Trung Quốc phân tích hành vi của con người để đảm bảo camera nhận dạng khuôn mặt ghi lại được nhiều hoạt động nhất có thể.
Các nhà phân tích ước tính rằng hơn một nửa trong số gần 1 tỉ camera giám sát của thế giới là ở Trung Quốc, nhưng rất khó để đánh giá cách chúng được sử dụng, những gì chúng thu được và lượng dữ liệu chúng tạo ra. Phân tích của The New York Times cho thấy cảnh sát đã chọn các địa điểm một cách chiến lược để tối đa hóa lượng dữ liệu mà camera nhận dạng khuôn mặt của họ có thể thu thập.
Trong một số hồ sơ mời thầu, cảnh sát nói rằng muốn đặt camera ở những nơi người dân đến để thực hiện các nhu cầu chung của họ, như ăn uống, du lịch, mua sắm và giải trí. Cảnh sát cũng muốn lắp đặt camera nhận dạng khuôn mặt bên trong các không gian riêng tư, như các tòa nhà dân cư, phòng hát karaoke và khách sạn. Trong một trường hợp, cuộc điều tra cho thấy cảnh sát thành phố Phúc Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến, miền đông nam Trung Quốc muốn lắp đặt camera bên trong sảnh địa điểm nhượng quyền thương hiệu khách sạn Days Inn (Mỹ). Người quản lý lễ tân của khách sạn nói rằng camera không có khả năng nhận dạng khuôn mặt và không đưa video vào mạng cảnh sát.
Một tài liệu cho thấy cảnh sát ở Phúc Châu cũng yêu cầu truy cập vào các camera bên trong một khách sạn Sheraton. Trong một email gửi tới The New York Times, Tricia Primrose, phát ngôn viên Marriott International (công ty mẹ của khách sạn Sheraton), nói vào năm 2019, chính quyền địa phương đã yêu cầu quay cảnh giám sát và công ty tuân thủ các quy định của địa phương, bao gồm cả những quy định chi phối hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật.
Các camera này cũng cung cấp dữ liệu cho phần mềm phân tích mạnh mẽ có thể cho biết chủng tộc, giới tính của ai đó và liệu họ có đeo kính hay khẩu trang hay không. Tất cả dữ liệu này được tổng hợp và lưu trữ trên các máy chủ của chính phủ Trung Quốc.
Một tài liệu đấu thầu từ tỉnh Phúc Kiến đưa ra ý tưởng về quy mô tuyệt đối: Cảnh sát ước tính rằng có 2,5 tỉ hình ảnh khuôn mặt được lưu trữ tại bất kỳ thời điểm nào. Theo cách nói của cảnh sát, chiến lược nâng cấp hệ thống giám sát video của họ là để đạt được mục tiêu cuối cùng là “kiểm soát và quản lý con người”.
Các nhà chức trách đang sử dụng trình theo dõi điện thoại để liên kết cuộc sống kỹ thuật số của người dân với các chuyển động thể chất của họ. Các thiết bị được gọi là bộ dò tìm Wi-Fi và IMSI (bộ nhận dạng trạm gốc quốc tế) có thể thu thập thông tin từ điện thoại ở vùng lân cận họ, cho phép cảnh sát theo dõi chuyển động của mục tiêu. Đây là một công cụ mạnh mẽ để kết nối dấu chân kỹ thuật số, danh tính ngoài đời thực và nơi ở thực tế của người dân.
Các trình theo dõi điện thoại đôi khi có thể lợi dụng các biện pháp bảo mật yếu kém để lấy thông tin cá nhân. Trong hồ sơ mời thầu năm 2017 từ Bắc Kinh, cảnh sát viết rằng họ muốn những người theo dõi thu thập tên người dùng của chủ sở hữu điện thoại trên các ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến Trung Quốc.
Trong một trường hợp, hồ sơ mời thầu tiết lộ rằng cảnh sát từ một quận ở Quảng Đông đã mua thiết bị theo dõi điện thoại với hy vọng phát hiện ứng dụng từ điển chuyển tiếng Duy Ngô Nhĩ sang Trung Quốc. Thông tin này cho thấy điện thoại rất có thể thuộc về người thuộc dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ bị giám sát chặt chẽ.
The New York Times nhận thấy rằng chính quyền Trung Quốc đã mở rộng đáng kể công nghệ này trong 7 năm qua. Đến nay, tất cả 31 tỉnh và khu vực của Trung Quốc đại lục đều sử dụng trình theo dõi điện thoại.
DNA, mẫu quét mống mắt và bản ghi giọng nói đang được thu thập bừa bãi từ những người không liên quan đến tội phạm.
Cảnh sát Trung Quốc đang bắt đầu thu thập các bản ghi giọng nói bằng cách sử dụng máy ghi âm gắn vào camera nhận dạng khuôn mặt của họ. Tại thành phố Trung Sơn, phía đông nam Trung Quốc, cảnh sát viết trong một hồ sơ mời thầu rằng họ muốn có các thiết bị có thể ghi lại âm thanh từ bán kính ít nhất 300 feet (91,44 m) xung quanh các camera. Sau đó, phần mềm sẽ phân tích các bản ghi bằng giọng nói và thêm chúng vào cơ sở dữ liệu. Cảnh sát khoe rằng khi kết hợp với phân tích khuôn mặt thì chúng có thể giúp xác định nghi phạm nhanh hơn.
Với danh nghĩa theo dõi tội phạm - thường được chính quyền Trung Quốc xác định lỏng lẻo và có thể gồm cả những người bất đồng chính kiến - cảnh sát nước này đang mua thiết bị để xây dựng cơ sở dữ liệu quét mống mắt và DNA quy mô lớn.
Cơ sở dữ liệu mống mắt toàn khu vực đầu tiên, có khả năng lưu giữ mẫu mống mắt lên đến 30 triệu người, được xây dựng vào khoảng năm 2017 ở Tân Cương, quê hương của người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
Các bản tin trực tuyến cho thấy cùng một nhà thầu sau đó đã giành được các hợp đồng khác của chính phủ Trung Quốc để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn trên khắp đất nước. Công ty đó đã không trả lời khi được The New York Times đề nghị bình luận.
Cảnh sát Trung Quốc cũng đang thu thập rộng rãi các mẫu DNA của nam giới. Do nhiễm sắc thể Y được truyền lại với ít đột biến nên khi có hồ sơ y-DNA của một người đàn ông, cảnh sát cũng sở hữu hồ sơ DNA của vài thế hệ cùng dòng dõi trong gia đình anh ta.
Theo các chuyên gia, trong khi nhiều quốc gia khác sử dụng đặc điểm này để hỗ trợ điều tra tội phạm thì cách tiếp cận của Trung Quốc nổi bật với trọng tâm duy nhất là thu thập càng nhiều mẫu càng tốt.
The New York Times đã theo dõi nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu DNA nam giới lớn nhất ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc vào năm 2014. Đến năm 2022, các tài liệu đấu thầu được The New York Times phân tích cho thấy ít nhất 25/31 tỉnh và khu vực đã xây dựng cơ sở dữ liệu như vậy.
Chính phủ Trung Quốc muốn kết nối tất cả điểm dữ liệu này để xây dựng hồ sơ toàn diện cho công dân. Những hồ sơ này có thể truy cập được trong toàn chính phủ.
Các nhà chức trách Trung Quốc cũng nhận thấy những hạn chế công nghệ của họ. Theo một hồ sơ mời thầu, Bộ Công an Trung Quốc tin rằng hệ thống giám sát video của nước này vẫn thiếu khả năng phân tích. Một trong những vấn đề lớn nhất mà họ xác định được là dữ liệu chưa được tập trung.
Các hồi sơ mời thầu tiết lộ rằng chính phủ Trung Quốc tích cực tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ để cải thiện việc hợp nhất. The New York Times có được bản trình bày sản phẩm nội bộ từ Megvii, một trong những nhà thầu giám sát lớn nhất ở Trung Quốc.
Phần trình bày cho thấy phần mềm lấy các phần dữ liệu khác nhau được thu thập về người dân và hiển thị chuyển động, quần áo, xe cộ, thông tin thiết bị di động cùng các kết nối xã hội của họ.
Trong một tuyên bố với The New York Times, Megvii cho biết họ quân tâm đến việc làm cho cộng đồng an toàn hơn chứ "không phải giám sát bất kỳ nhóm hoặc cá nhân cụ thể nào".
Song, cuộc điều tra của The New York Times cho thấy sản phẩm này đã được sử dụng bởi cảnh sát Trung Quốc. Nó tạo ra loại hồ sơ cá nhân mà cơ quan chức năng có thể tạo cho bất kỳ ai, mà các quan chức trên toàn quốc có thể truy cập được.
Bộ Công an Trung Quốc đã không trả lời câu hỏi được gửi đến trụ sở chính ở thủ đô Bắc Kinh. 5 sở cảnh sát hoặc văn phòng chính quyền địa phương có tên trong cuộc điều tra của The New York Times cũng không đưa ra lời bình luận.