Ngày 13.4.2018, khi thăm 2 hội quán của Đồng Tháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Hội quán nông dân là sáng kiến mới của Đồng Tháp. Mong tỉnh tiếp tục thực hiện mở rộng dần và có tổng kết, đánh giá để có thể trở thành chủ trương chung của cả nước”.

Hội quán sản phẩm độc đáo của Đất Sen hồng

Văn Kim Khanh | 09/11/2023, 17:00

Ngày 13.4.2018, khi thăm 2 hội quán của Đồng Tháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Hội quán nông dân là sáng kiến mới của Đồng Tháp. Mong tỉnh tiếp tục thực hiện mở rộng dần và có tổng kết, đánh giá để có thể trở thành chủ trương chung của cả nước”.

Ông Lê Thành Công, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp - Trưởng ban tổ chức ngày hội "Hội quán Đất Sen hồng lần thứ I năm 2023" cho biết trong buổi họp báo gần đây: “Đúng như Tổng bí thư đã nói, hội quán là sáng kiến mới của Đồng Tháp. Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp đã phát triển thành chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu giống, nuôi trồng, chế biến, đông lạnh đến vận chuyển, hậu cần xuất khẩu; sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Hội quán sẽ là nơi tập hợp người dân theo ngành nghề, tổ chức sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Hội quán là cầu nối đưa khoa học công nghệ và chuyển đổi số vào đời sống và sản xuất, với mục đích nâng cao đời sống người dân nông thôn và đưa sản phẩm Đồng Tháp vươn xa hơn”.

le-minh-hoan(1).jpg
Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Lê Minh Hoan phát biểu tại họp mặt hội quán tỉnh Đồng Tháp năm 2022 - Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Theo kế hoạch, ngày hội "Hội quán Đất Sen hồng lần thứ I năm 2023" sẽ được tổ chức trong 2 ngày 18 - 19.11 tại TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Tại ngày hội, sẽ có các tổ chức quốc tế đến tham quan mô hình hội quán; tổ chức vòng chung kết cấp tỉnh hội thi “Thủ lĩnh hội quán Đất Sen hồng”; triển lãm các gian hàng: trưng bày hình ảnh, hiện vật, nông sản, sản phẩm chế biến, sản phẩm OCOP; triển lãm những thành tựu hội quán; gian hàng chuyển đổi số trong nông nghiệp; gian hàng giới thiệu mô hình làng mới của Văn phòng SGF (Quỹ toàn cầu hóa Saemaul Globalization Foundation) tại Hà Nội.

hoiquannongdan-kinh-huy(1).jpg
Một buổi họp của hội quán tại Đồng Tháp - Ảnh: Kỉnh Huy

Ngày hội “Hội quán Đất Sen hồng - đồng hành cùng phát triển” là dịp để các thành viên cùng nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển mô hình hội quán từ tháng 7.2016 đến nay. Qua đó, tạo điều kiện cho các hội quán của tỉnh Đồng Tháp giao lưu, liên kết hợp tác, giới thiệu sản phẩm; thành viên hội quán được gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các tổ chức quốc tế. Các hoạt động của ngày hội nhằm kết nối, thu hút các nguồn lực từ các chương trình, dự án ở các tổ chức quốc tế nhằm hỗ trợ, phát triển hội quán.

hoi-quan-4(1).jpg
Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, thành viên hội quán còn tham gia hoạt động du lịch - Ảnh: Văn Kim Khanh

Mô hình hội quán ở Đồng Tháp phát triển bắt đầu từ Canh Tân Hội quán được thành lập vào tháng 7.2016 tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành. Tính đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 145 hội quán với hơn 7.500 hội viên tham gia.

Các thành viên tham gia đều trên tinh thần tự nguyện và hình thức tổ chức hội quán cũng là sự tự nguyện của các nông dân trong tỉnh nhằm chia sẻ những kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa, xã hội... và qua đó, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh.

Mỗi hội quán cũng có thể là tập hợp những người có nghề nghiệp khác nhau nhưng đều dựa trên tinh thần cộng đồng và vì cộng đồng.

hoi-quan-8(2).jpg
Hội quán hoạt động không biên chế, không ngân sách và hướng đến sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân - Ảnh: Văn Kim Khanh

Các hội viên tham gia sinh hoạt chia sẻ kinh nghiệm sản xuất hay, cách làm giỏi; kết nối các nhà khoa học, nhà chuyên môn về nông nghiệp đến trao đổi với nông dân về những kỹ thuật sản xuất mới, phương pháp giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng; liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định thời gian qua mô hình hội quán đã tạo ấn tượng và lan tỏa mạnh mẽ trong thời gian qua ở tỉnh Đồng Tháp. Những cơ chế hoạt động tương tự như các hội quán đã có từ lâu đời tại nhiều nước như: Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan.

hoi-quan-10.jpg
Hội quán xoài ở TP.Cao Lãnh - Ảnh: L.H.V

Mô hình hội quán ở Đồng Tháp là sự sáng tạo của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Người phát động, cổ vũ và ủng hộ mạnh mẽ nhất cho hội quán ở tỉnh này là Bộ trưởng Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có quan hệ chặt chẽ với nhau thông qua hoạt động hội quán. Vì có xây dựng nông thôn tốt thì tình làng, nghĩa xóm, an ninh trật tự mới tốt và đảm bảo người dân an tâm sản xuất; sản xuất tốt theo định hướng đề án tái cơ cấu nông nghiệp thì người dân có điều kiện hơn để đóng góp cho việc xây dựng nông thôn mới.

Bộ trường Lê Minh Hoan bày tỏ sự quan tâm đến các hội quán tại Đồng Tháp với niềm tin và định hướng rõ ràng khi nói rằng: “Hãy tự định vị lại, xác lập giá trị hội quán của mình trong chặng đường sắp tới”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội quán sản phẩm độc đáo của Đất Sen hồng