Câu trả lời thẳng thắn duy nhất mà tôi có được cho câu hỏi của tôi về (tính hiệu quả việc oanh kích) 94 mục tiêu nọ xuất hiện trong một báo cáo về một cuộc tập trận mang bí danh “Sigma II-64” thực hiện vào trung tuần tháng 9.1964 bởi Cục diễn tập hành quân, Bộ Tổng tham mưu Liên quân (Hồi ký McNamara).

Hồi ký McNamara - Kỳ 19: Tướng tá Sài Gòn đấu đá, Nhà Trắng đau đầu

13/12/2014, 05:36

Câu trả lời thẳng thắn duy nhất mà tôi có được cho câu hỏi của tôi về (tính hiệu quả việc oanh kích) 94 mục tiêu nọ xuất hiện trong một báo cáo về một cuộc tập trận mang bí danh “Sigma II-64” thực hiện vào trung tuần tháng 9.1964 bởi Cục diễn tập hành quân, Bộ Tổng tham mưu Liên quân (Hồi ký McNamara).

Báo cáo này kết luận rằng “oanh kích các mục tiêu quân sự và kỹ nghệ của Bắc VN sẽ không nhanh chóng dẫn đến việc ngừng nổi dậy ở Nam VN và cũng chỉ có thể gây tác động tối thiểu nơi mức sống vốn đã thấp của đối phương”.
Ngày 6.9, tướng Max Taylor, (lúc đó là Đại sứ tại Sài Gòn) đau khổ gửi điện cho tôi nói rằng “trừ phi có một nhà lãnh đạo kiệt xuất nào xuất hiện ở đây tình hình mới mong được cải thiện, song chưa thấy bóng một “George Washington” nào cả”. Một báo cáo của Cơ quan Đặc biệt Lượng giá Tình báo (SNIE) ít lâu sau đó cũng phụ họa cho ý kiến của Max. Báo cáo này kết luận: “Các xung khắc (giữa các nhân vật NVN) không cho phép có được một chính phủ ổn định có khả năng tiếp tục một cách hữu hiệu cuộc chiến tranh ở NVN”.
Tình thế bất ổn chính trị ở NVN khiến Tổng thống bối rối vô cùng và ông lớn tiếng đặt câu hỏi liệu điều đó sẽ khiến cho mọi nỗ lực của chúng ta đều trở nên công cốc hay không. Đại sứ Max Taylor thẳng thừng tuyên bố không thể để cho Hà Nội thắng cuộc. Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Bus Wheeler nhất trí với Đại sứ Max, nhấn mạnh đến ý kiến chung của các tướng chỉ huy liên quân cho rằng mất NVN tức là mất toàn bộ Đông Nam Á, Ngoại trưởng Dean Rusk và giám đốc CIA cũng ồn ào nhất trí. Song chẳng một ai (kể cả tôi) nêu được câu hỏi liệu có thể ngăn chặn được sự thất thủ đó và bằng cách nào!
Cuối cùng Tổng thống phải kết thúc buổi họp bằng cách ra chỉ thị cho tướng Tổng tham mưu trưởng Bus Wheeler nhắn lại với các tướng chỉ huy liên quân nào nói tấn công ngay BVN rằng chúng ta sẽ không đưa binh sĩ Mỹ vào trong một trận đấu dài 10 hiệp khi mà triển vọng kết thúc được hiệp 1 còn chưa thấy đâu, “Ít nhất võ sĩ của chúng ta cũng phải đứng vững được 3,4 hiệp chớ”, Tổng thống lẩm bẩm. Tuyệt đối Tổng thống chẳng bàn gì về những tác động của việc leo thang chiến tranh nơi cuộc bầu cử lúc đó chỉ còn cách có 2 tháng.

Johnson hoàn toàn có lý để âu lo về tình hình mong manh của NVN. Chỉ 4 ngày sau đó, một vụ chính biến đã gần như xảy ra tại NVN, lần này do cánh Công giáo trong quân đội thực hiện. Họ cho rằng tướng Khánh quá thân với giới Phật giáo. Thế là cánh Công giáo này đổ quân vào Sài Gòn chiếm một số cơ quan chính phủ trước khi bị một số sĩ quan trẻ trung thành với Khánh đẩy lui.

Sau khi nói chuyện với Tổng thống về vụ này, Ngoại trưởng Dean Rusk gửi điện cho Đại sứ Max Taylor nhận xét rằng “hình ảnh các nhà lãnh đạo NVN cãi cọ với nhau đã tạo ra một ấn tượng kinh hoàng ở ngoại quốc. Chúng ta làm sao có thể can thiệp vào đó khi mà các nhà lãnh đạo ở đó không thể tuyên bố ngưng tranh giành xâu xé cá nhân?”
Ngay cả Đô đốc Sharp cũng đã bắt đầu cất giọng hoài nghi. Hôm 25.9, ông điện cho Tổng tham mưu trưởng Bus Wheeler: “Tình hình chính trị ở VNCH hiện bất ổn đến độ chúng ta nên nghiêm túc đặt câu hỏi cho tương lai hành động của chúng ta…Có thể nghĩ đến một quyết định không can thiệp vào đấy nữa”. CIA cũng hiệp ý cho rằng “các mối bất hòa hiện nay sẽ làm suy sụp tinh thần và hiệu năng của quân đội NVN chỉ trong vòng vài tuần lễ nữa. Và điều đó đủ để làm mất đi ý nghĩa chính trị của chính sách và mục tiêu của Mỹ tại NVN”.

Giữa lúc tình hình trở nên đen tối như thế, Thứ trưởng Ngoại giao George Ball gửi cho Ngoại trưởng Dean Rusk, Cố vấn An ninh Mac Bundy và tôi một bản phúc trình dầy 62 trang xét lại “mệnh đề” của chính sách Mỹ tại VN hiện tại. Bản phúc trình bắt đầu với những nhận định công khai: tình hình chính trị tại Sài Gòn đã thoái hóa một cách đáng kể, và ít có khả năng thành lập được một chính phủ đủ mạnh để chiến thắng cuộc nổi dậy. Sau đó, nêu ra 4 phương pháp chọn lựa: 1/ Tiếp tục diễn biến như hiện nay. 2/ Chủ động chiến tranh. 3/ Không kích BVN. 4/ Tiến đến một giải pháp chính trị.

George Ball phân tích từng phương án một. Theo ông ta, diễn biến tình hình hiện tại sẽ dẫn đến sự suy yếu chính trị và quân sự ngày càng đi xuống theo đường xoắn ốc. Chủ động giành lấy nỗ lực chiến tranh sẽ dẫn đến việc binh sĩ Mỹ phơi thây trong các rừng rậm và trên các đồng ruộng. Oanh kích BVN sẽ chẳng làm sứt mẻ được tinh thần chiến đấu của BVN cũng như khả năng yểm trợ cho VC. George Ball cũng nói rằng không kích sẽ chẳng làm cho vị thế của chúng ta được tăng mạnh hơn trong trường hợp đàm phán (tuy nhiên qua năm sau George Ball sẽ xét lại ý kiến này).

Đặc biệt, George Ball nêu vấn đề sau: “Liệu chúng ta có thể tiến hành hoạt động tấn công mà vẫn kiểm soát được mức độ bất trắc”. Ông ta viết một câu thật chua cay và cũng thật tiên tri: “Một khi đã leo lên lưng cọp rồi làm sao xuống?”.

Rốt cuộc, chỉ còn có mỗi phương án 4 (là chưa phân tích). George Ball ghi nhận rằng chúng ta “hầu như đã chẳng hề chú ý đến các phương sách chính trị hầu tìm kiếm một lối ra.”. Và rồi George Ball kết luận: “Chúng ta nên sớm tiến hành nghiên cứu vấn đề này đừng chậm trễ”. Thế nhưng, phúc trình của ông ta lại không hướng chúng tôi đi xa hơn nữa về phía một giải pháp chính trị. Theo ông một giải pháp chính trị. Theo ông một giải pháp chính trị nên gồm các khía cạnh sau:

a. BVN phải thực sự ngừng cuộc nổi dậy ở NVN.

b. Thành lập một chính quyền độc lập tại Sài Gòn có khả năng quét sạch các phần tử nổi dậy còn sót lại sau khi BVN ngừng trực tiếp yểm trợ.

c. Phải nhìn nhận cho NVN có quyền tự do kêu gọi Mỹ hoặc bất cứ một cường quốc hữu nghị nào khác giúp đỡ trong trường hợp lại phải cần đến sự hỗ trợ.

d. Các cường quốc khác cùng ký kết (văn kiện chính trị) tăng cường những đảm bảo cho nền độc lập của chính phủ Sài Gòn.

Ngoại trưởng Dean Rusk, cố vấn an ninh Mac Bundy và tôi nhất trí với các mục tiêu này, song chúng tôi cũng chia sẻ ý kiến với nhau rằng một giải pháp chính trị mà không kèm theo các phương tiện hữu hiệu đồng nghĩa với triệt thoái vô điều kiện… Mà triệt thoái vô điều kiện hoàn toàn là một điều không thể chấp nhận được.

(Trong khi đó) tình hình tại Nam VN cứ tuột dốc. Đến tháng 10, uy quyền của Khánh giảm dần và ngày càng có nhiều yêu cầu quay trở lại với một chính phủ dân sự. Vào cuối tháng 10 này, các tướng lĩnh chỉ huy liên quân gửi đến tôi một bản phúc trình ghi lại các quan điểm của họ. Họ đề nghị một chương trình hành động mới mẻ và rất dầy đặc, bao gồm cả những vụ không kích trên cả miền Nam lẫn miền Bắc VN, dựa trên tiền đề là Mỹ không thể rút ra khỏi VN hoặc Đông Nam Á. Các tướng lĩnh tỏ ra hốt hoảng đến độ họ yêu cầu tôi trình bản phúc trình của họ lên Tổng thống càng sớm càng tốt.

Danh Đức dịch (tiêu đề của Một Thế Giới)
Đọc Hồi ký McNamara
Bài liên quan
Tổng thống Rumen Radev đề nghị VinFast sớm bán ô tô điện và đầu tư sản xuất tại Bulgaria
Chiều 26.11, Tổng thống Cộng hòa Bulgaria Rumen Radev cùng đoàn lãnh đạo cấp cao Bulgaria đã đến thăm và làm việc tại Tổ hợp nhà máy VinFast Hải Phòng. Ông đánh giá rất cao chất lượng cũng như cơ hội thành công của ô tô điện VinFast tại thị trường châu Âu và đề nghị VinFast sớm nghiên cứu hợp tác, đầu tư vào Bulgaria.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hồi ký McNamara - Kỳ 19: Tướng tá Sài Gòn đấu đá, Nhà Trắng đau đầu