Hội chợ thương mại Việt - Lào luôn được xem là điểm đến cầu nối kinh doanh hiệu quả cho doanh nghiệp hai nước.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Hội chợ thương mại Việt - Lào 2024: Cầu nối kinh doanh, đầu tư giữa hai nước

Tuyết Nhung 17:21 27/07/2024

Hội chợ thương mại Việt - Lào luôn được xem là điểm đến cầu nối kinh doanh hiệu quả cho doanh nghiệp hai nước.

Bộ Công Thương ngày 27.7 cho biết từ ngày 25 - 29.7 đã diễn ra Hội chợ thương mại Việt - Lào 2024 tại Trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế Lào, thủ đô Viêng Chăn, Lào. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô lớn nhất do Bộ Công Thương Việt Nam và Lào phối hợp tổ chức thường niên tại Viêng Chăn từ năm 2007 đến nay.

2024_07_27_07_07_311_810e4.jpg
Hội chợ thương mại Việt - Lào 2024, cầu nối kinh doanh hiệu quả cho doanh nghiệp hai nước - Ảnh: BCT

Hội chợ nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia, hình ảnh doanh nghiệp, thương hiệu Việt; tăng cường xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khả năng phát triển thị trường xuất khẩu tại Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan; tổ chức mạng lưới tiêu thụ hàng hóa tại thị trường Lào; phát triển các dự án đầu tư tại Lào...

Năm nay, hội chợ có quy mô 250 gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ: nông sản, thủy sản và thực phẩm chế biến, may mặc - thời trang, điện - điện tử và điện gia dụng, máy và thiết bị công nghiệp, xây dựng và vật liệu xây dựng, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng, dược phẩm và thiết bị y tế, dịch vụ thương mại, đầu tư...

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng đánh giá hội chợ năm nay được tổ chức quy mô, hàng hóa trưng bày khá đa dạng và phong phú với những mẫu mã đẹp mắt, chất lượng cao, đáp ứng được người tiêu dùng của thị trường hai nước. Điều này chứng tỏ sự quan tâm và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp hai nước đối với sự phát triển của quan hệ thương mại Việt - Lào.

"Với sự hiện diện của hàng trăm doanh nghiệp hai nước trưng bày, giới thiệu sản phẩm trên quy mô khoảng 250 gian hàng, tôi tin tưởng mạnh mẽ về sự thành công của Hội chợ Thương mại Việt - Lào năm 2024, góp phần tăng cường tình đoàn kết và sự hợp tác giữa doanh nghiệp và người dân hai nước", ông Nguyễn Bá Hùng nói.

Việt Nam và Lào có chung đường biên giới dài đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố của cả hai nước, với 9 cặp cửa khẩu quốc tế, 6 cặp cửa khẩu chính và 18 cặp cửa khẩu phụ, cùng 27 lối mở và 9 khu kinh tế cửa khẩu, hoạt động trao đổi về kinh tế cũng như đi lại, xuất nhập khẩu hàng hóa, lao động giữa Việt Nam và Lào được lãnh đạo cấp cao hai nước luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi phát triển trong nhiều năm qua.

Hợp tác kinh tế trở thành nền tảng lâu dài trong quan hệ hai nước và đang trên đà phát triển hiệu quả hơn. Việt Nam luôn nằm trong Top 3 đối tác thương mại lớn nhất của Lào nhiều năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Lào tháng 6.2024 đạt 928 triệu USD, tăng 11%; trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Lào đạt 289 triệu USD, tăng 7,4%, nhập khẩu từ Lào đạt 639 triệu USD, tăng 12,8%.

"Chúng ta hy vọng kim ngạch thương mại hai nước năm 2024 sẽ đạt mức tăng trên 10% theo chỉ tiêu lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra tại kỳ họp Ủy ban liên chính phủ lần thứ 46. Trong thời gian tới, chính phủ hai nước Lào và Việt Nam mong muốn tăng giá trị thương mại song phương/năm lên 2 tỉ USD bằng cách tối đa hóa tiềm năng hợp tác thương mại mà hai nước có thể mang lại", ông Hùng nhấn mạnh.

Về hợp tác đầu tư, Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Lào sau Trung Quốc và Thái Lan. Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào trên 245 dự án đang hoạt động với tổng số vốn cam kết là hơn 5,47 tỉ USD. Nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn người lao động, bổ sung nguồn thu ngân sách cho Lào.

Có thể thấy, trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, mối quan hệ trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại và đầu tư giữa hai nước hết sức quan trọng và cần phát huy. Nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển, chính phủ hai nước giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào thúc đẩy, nâng cấp các thỏa thuận thương mại đã ký kết, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại... nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hai nước.

Việc tổ chức Hội chợ Thương mại Việt - Lào thường niên từ năm 2007 đến nay không chỉ có vai trò làm cầu nối hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Việt Nam và Lào gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết, mà còn là sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội có ý nghĩa góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.

Bài liên quan
Xung lực mới cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Lào - Campuchia
Những kết quả đạt được trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm đến Lào và Campuchia có ý nghĩa rất quan trọng đối với quan hệ giữa Việt Nam hai nước láng giềng thân thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội chợ thương mại Việt - Lào 2024: Cầu nối kinh doanh, đầu tư giữa hai nước