Cá mập Greenland nặng đến 1,5 tấn có thể sống 400 tuổi là mục tiêu tìm hiểu của các nhà khoa học.
Kiến thức - Học thuật

Đi tìm cơ chế chống lão hóa, tăng tuổi thọ từ một loài to lớn ở Bắc cực

Anh Tú 14:02 16/07/2024

Cá mập Greenland nặng đến 1,5 tấn có thể sống 400 tuổi là mục tiêu tìm hiểu của các nhà khoa học.

Abigail Adams, đệ nhất phu nhân của tổng thống thứ hai của Mỹ, sinh năm 1744. Từ đó đến giờ là một quãng thời gian dài với bao thế hệ con người sinh ra rồi mất đi. Khó ai nghĩ rằng có một loài động vật to lớn lại có thể sinh ra từ thời kỳ đó mà vẫn sống đến ngày nay. Thế nhưng thiên nhiên thật diệu kỳ. Hoàn toàn có khả năng có những con cá mập Greenland thời đó vẫn còn sống cho đến ngày nay và vẫn đang bơi ở Bắc Đại Tây Dương.

ca-map.jpg
Cá mập Greenland sống tới 400 tuổi

Không còn nghi ngờ gì nữa, những con cá mập to lớn này có thể sống hàng trăm năm. Năm 2016, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chúng có tuổi đời ít nhất 272 năm và còn có thể thọ tới 400 tuổi.

Tuy nhiên, tại sao những con cá mập này có tuổi thọ cao như vậy thì vẫn còn là một điều bí ẩn. Một số giả thuyết chẳng hạn như tốc độ tăng trưởng chậm và tốc độ trao đổi chất thấp của cá mập… được nêu ra nhưng chưa hoàn toàn được chứng minh đầy đủ và quá trình nghiên cứu vẫn đang tiếp tục.

Các nhà khoa học hy vọng rằng việc giải mã những bí mật về tuổi thọ của loài cá này có thể giúp con người sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn. Chúng ta có thể sẽ không đạt tới tuổi thọ 400 năm, nhưng thậm chí việc kéo dài tuổi thọ trung bình của con người thêm khoảng chục năm nữa cũng sẽ là một bước đột phá.

Một nhà khoa học là Ewan Camplisson đang nghiên cứu quá trình trao đổi chất của cá mập để tìm manh mối về quá trình lão hóa của nó.

Camplisson là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Manchester, nói với Business Insider: “Hiểu rõ hơn về giải phẫu và khả năng thích nghi của một loài sống lâu như cá mập Greenland có thể cho phép chúng ta cải thiện sức khỏe con người”.

Sự trao đổi chất chậm suốt đời

Chủ yếu sinh sống ở Bắc Cực và Bắc Đại Tây Dương, cá mập Greenland là loài bơi lội nhàn nhã chứ không hối hả di cư trong năm như các loài to lớn khác. Theo National Geographic, chúng có thể dài từ 2,5 đến 7 mét và nặng tới 1,5 tấn.

Những kẻ săn mồi trên đại dương này ăn cá hồi, lươn, hải cẩu và thậm chí cả gấu Bắc Cực nếu có cơ hội. Tuy nhiên, chúng có thể không kiếm được thức ăn trong thời gian dài. Theo một nghiên cứu năm 2022, một con cá nặng 220 kg có thể sống tốt dù chỉ ăn một hai lạng thức ăn mỗi ngày.

Nghiên cứu mới của Camplisson được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Sinh học Thực nghiệm hồi đầu tháng này, cho thấy tốc độ trao đổi chất của cá mập có thể không chậm lại khi chúng già đi. Điều này có thể giúp giải thích tại sao cá mập sống lâu như vậy.

Điều này không đúng với hầu hết các loài động vật, gồm cả con người. Ví dụ, quá trình trao đổi chất của con người có xu hướng chậm lại theo thời gian, điều này có thể góp phần làm tăng cân không lành mạnh.

Camplisson đã xem xét hoạt động của 5 enzyme trao đổi chất trong mô cơ cá mập Greenland được bảo quản. Ông nói: “Ở hầu hết các loài, bạn có thể dự tính hoạt động của các enzym này sẽ khác nhau khi độ tuổi của động vật tăng lên.

Một số trong các enzym sẽ giảm dần theo thời gian vì chúng có thể bắt đầu suy giảm hoặc suy thoái, trong khi những enzym khác sau đó sẽ bù đắp và tăng cường hoạt động để đảm bảo cơ thể động vật vẫn sản xuất đủ năng lượng”.

Ở những con cá mập Greenland mà Camplisson quan sát, ước tính độ tuổi từ 60 đến 200, nhà khoa học này không tìm thấy sự thay đổi đáng kể nào trong hoạt động của enzyme. Tất nhiên, độ tuổi trung niên một con cá mập Greenland có thể chỉ ở khoảng 200 năm, vì vậy điều này có thể không đúng khi chúng bước sang thế kỷ thứ ba hoặc thứ tư của cuộc đời.

Camplisson có kế hoạch xem xét nhiều enzyme hơn để xem liệu chúng có thay đổi như thế nào khi cá mập già đi hay không.

Giải mã lão hóa là vấn đề rất phức tạp

Vẫn còn rất nhiều việc phải làm trước khi loại nghiên cứu này có thể được áp dụng cho con người. Camplisson nói: “Lão hóa là một hệ thống cực kỳ phức tạp và chúng ta vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát về cách thức hoạt động chính xác của nó”.

Ví dụ, những thay đổi trong quá trình trao đổi chất chỉ là một phần của quá trình lão hóa ở người. Các lỗi di truyền, sự mất ổn định của protein và một số quá trình khác nằm trong số những thứ được gọi là "dấu hiệu lão hóa"... cũng là nguyên nhân Camplisson cho rằng cá mập có nhiều điều để chúng ta tìm hiểu hơn ở những lĩnh vực này.

Ông nói: “Chúng tôi muốn xem xét kỹ lưỡng một số dấu hiệu nổi bật này để xác định xem cá mập Greenland có bất kỳ dấu hiệu lão hóa truyền thống nào hay không”.

Mặc dù quá trình trao đổi chất chậm của cá mập Greenland đã giúp chúng giảm tốc độ lão hóa và tồn tại qua nhiều thế kỷ, nhưng đó cũng có thể là con dao hai lưỡi khi môi trường của chúng thay đổi nhanh chóng.

Camplisson cho biết loài này được Liên minh Bảo tồn Thế giới coi là "Gần bị đe dọa". Một trong những lý do có thể là chúng quá chậm để thích nghi với những thay đổi về khí hậu, ô nhiễm biển và các yếu tố gây căng thẳng khác.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đi tìm cơ chế chống lão hóa, tăng tuổi thọ từ một loài to lớn ở Bắc cực