Thông tin Bộ GD-ĐT sẽ thí điểm triển khai học bạ điện tử nhằm giảm thủ tục hành chính đã được nhiều giáo viên đồng tình ủng hộ, song cũng còn nhiều hạn chế do tính pháp lý.

Học bạ điện tử chỉ thành công khi số hóa mọi thủ tục trong ngành

Tú Viên | 21/11/2023, 17:14

Thông tin Bộ GD-ĐT sẽ thí điểm triển khai học bạ điện tử nhằm giảm thủ tục hành chính đã được nhiều giáo viên đồng tình ủng hộ, song cũng còn nhiều hạn chế do tính pháp lý.

Theo đó, việc chuyển đổi sang sổ điểm, học bạ điện tử giúp nhà trường, giáo viên giảm thời gian, công sức, thực hiện công việc nhanh, chính xác hơn. Tuy nhiên, việc này còn không ít khó khăn, do thiếu đồng bộ, quy định mang tính pháp lý thống nhất cả nước.

TS Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) cho biết bộ đã có thông tư khuyến khích các trường sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử. Các trường học, địa phương cũng đã bắt tay triển khai, thậm chí có những địa phương đã triển khai trong phạm vi toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn, các trường khác tỉnh không đồng nhất.

z4634520108067_9d23bc325c366eacde967a0291433d4c.jpg
Học sinh Trường THPT Hàn Thuyên, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Tú Viên

“Học bạ điện tử là một dạng điện tử của học bạ, có chữ ký xác thực của người/tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý, có thể sử dụng như học bạ giấy và trên môi trường số. Nếu làm được học bạ điện tử, điều này sẽ mang lại lợi ích lớn cho xã hội, nhà trường, giáo viên, học sinh”, ông Hải nói.

Chính vì thế, lãnh đạo Bộ GD-ĐT chỉ đạo các vụ, cục phải thí điểm triển khai việc này, mô hình trên toàn quốc và sau đó đánh giá chính xác kết quả để có hướng dẫn, thể chế thực hiện. Hiện nay, các vụ, cục của bộ đang trong quá trình thực hiện.

Theo ông Hải, hiện nay, học bạ bằng giấy nên có thể bị nhàu nát, để lâu có thể bị mối mọt, thậm chí hỏng. Nhưng học bạ điện tử giúp công tác lưu trữ rất tốt. Học bạ điện tử sẽ giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên và nhà trường. Bộ cũng sẽ nghiên cứu để tái cấu trúc, quy trình học bạ điện tử nhằm đảm bảo yêu cầu nhưng thực hiện đơn giản.

Hiện nay ở học bạ khối trung học, giáo viên bộ môn phải ký xác nhận. Bộ sẽ nghiên cứu xem có cần thiết giáo viên bộ môn phải ký vào học bạ, hay chỉ cần hiệu trưởng nhà trường ký là được.

Ngoài ra, học bạ điện tử sẽ minh bạch hóa quá trình quản lý kết quả học tập, rèn luyện và đặc biệt hạn chế các bất cập về sửa kết quả học tập học sinh. "Giải pháp học bạ điện tử sẽ hạn chế tối đa điều đó. Khi chúng ta minh bạch thì việc sửa sẽ rất khó, từ đó hạn chế tác động tiêu cực đang gặp phải hiện nay do sử dụng học bạ giấy", ông Hải nói.

Được biết cán bộ, giáo viên rất ủng hộ chủ trương này của bộ và kỳ vọng việc thực hiện học bạ điện tử sớm đi vào thực tiễn, triển khai đồng bộ; qua đó bớt thủ tục rườm rà, đặc biệt việc quản lý học sinh chuyển vùng sẽ dễ dàng, thông tin cập nhật đầy đủ…

Tuy nhiên, việc chuyển đổi học bạ thành học bạ điện tử chưa đồng bộ về thời gian, về cách thực hiện giữa các nhà trường, địa phương. Ngay cả trong một tỉnh cũng có trường chưa thực hiện vì chưa có chữ ký số. Do đó, cần cấp cho học sinh song song 2 loại học bạ, giấy và điện tử, tùy theo nhu cầu của học sinh.

Nhiều trường cho rằng đã thực hiện học bạ điện tử thì sao phải in ra, thêm một bước đóng dấu đỏ xác nhận (học bạ in ra đã có chữ ký số của giáo viên và hiệu trưởng).

Ví dụ, năm học 2023-2024, tỉnh Bến Tre tiếp tục tăng số trường có học bạ điện tử; tiến tới cấp học bạ điện tử cho học sinh khi ra trường nhưng vẫn cấp song song hai loại học bạ cho đến khi nào có quy định thống nhất của Bộ GD-ĐT.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD-ĐT cần có quy định mang tính pháp lý thống nhất cả nước để các trường, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp chấp nhận học bạ điện tử thay cho học bạ giấy nếu người học nộp hồ sơ đi học, xin việc làm.

z4901653971103_c8e142befd301e9d6539516f8a45912e.jpg
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du, TP.HCM phát biểu trong buổi họp báo - Ảnh: Tú Viên

Các văn bản của Bộ GD-ĐT chỉ mới khuyến khích sử dụng và có quy định về kỹ thuật học bạ điện tử. Học bạ điện tử (bao gồm cả học bạ in từ bản mềm có ký tươi và học bạ có gắn chữ ký số) hiện không được cơ quan, tổ chức, xã hội công nhận trong thực hiện thủ tục hành chính.

Hiện nay việc sử dụng học bạ điện tử chưa có tính thống nhất chung trong toàn quốc nên học sinh khi chuyển trường từ huyện này sang huyện khác, tỉnh này sang tỉnh khác gặp nhiều khó khăn. Một số giáo viên trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế nên quá trình thực hiện lúng túng, mất thời gian. Còn nhiều chức năng không phù hợp với địa phương, vùng khó khăn, như đăng ký nhắn tin, sổ liên lạc điện tử…

Cô Phạm Thanh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (H.An Lão, TP.Hải Phòng) góp ý: “Để sổ điểm, học bạ điện tử thực sự có thể trao đổi, giao dịch trên môi trường số, thay thế dần giấy tờ truyền thống, cần có công cụ xác thực, bảo đảm tính đúng đắn chính xác, toàn vẹn của dữ liệu”.

Do chưa thể triển khai đại trà, thống nhất, học bạ điện tử chưa phát huy hết lợi ích. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du (TP.HCM) cho rằng học bạ điện tử chỉ thành công nếu thực hiện triệt để số hóa tất cả thủ tục trong ngành giáo dục. Theo đó, sổ điểm, học bạ, báo cáo năm học đều phải được số hóa, tích hợp đồng bộ trong một hệ thống.

"Hiện nay, nhiều dữ liệu đã được báo về sở GD-ĐT trên hệ thống điện tử nhưng vẫn phải đi kèm bản cứng. Nếu thực hiện nửa vời như vậy, làm sao triển khai nổi học bạ điện tử", thầy Phú nhận xét.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học bạ điện tử chỉ thành công khi số hóa mọi thủ tục trong ngành