Với 50 năm cầm cọ, họa sĩ Nam Anh được biết tới bởi khả năng đa dạng trong ngôn ngữ, thủ pháp, kỹ thuật chất liệu từ đồ họa, hội họa lẫn trang trí...
Ngày 27.8, tại Bình Minh Art Gallery (Q.3, TP.HCM), họa sĩ Nam Anh mở triển lãm cá nhân đầu tay giới thiệu với công chúng 14 bức tranh sơn mài, 16 bức sơn dầu, 1 bức sơn khắc, 1 bức in khắc gỗ và 30 bức màu nước tiêu biểu của ông qua các thời kỳ. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 5.9.
Video chia sẻ của giới chuyên môn về tranh của Nam Anh và toàn cảnh khai mạc triển lãm:
Nam Anh được giới hội họa và các nhà sưu tập nhận định là họa sĩ có khả năng biến hóa và thích ứng với mọi trường phái hội họa. Nam Anh thành công trên rất nhiều chất liệu khác nhau như: sơn mài, sơn khắc, sơn dầu, khắc gỗ, màu nước... Vì vậy tác phẩm của ông rất đa dạng về ngôn ngữ thể hiện, về thủ pháp và kỹ thuật chất liệu từ đồ họa, hội họa lẫn trang trí... Riêng về tranh sơn mài ông vẫn "kiên định" sáng tác theo phong cách truyền thống.
Năm nay họa sĩ Nam Anh 65 tuổi, ông có hơn 50 năm cầm cọ nhưng đây là lần đầu tiên ông mới có một triển lãm cho riêng mình. Triển lãm cá nhân của họa sĩ Nam Anh cũng tạo ra nhiều bất ngờ, bởi với giới hội họa ông là cái tên không quá xa lạ. Tác phẩm của Nam Anh có mặt trong phòng tranh của nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước.
Là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và TP.HCM, tranh của ông thường xuyên được tuyển chọn tham gia các triển lãm của Hội Mỹ thuật, triển lãm nhóm, triển lãm Câu lạc bộ, triển lãm giao lưu tranh màu nước ở trong nước và quốc tế. Năm 2018, ông đã có cuộc triển lãm nhóm về tranh sơn mài tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh với chủ đề Sài Gòn hẻm vô cùng đặc biệt và gây ấn tượng mạnh cho công chúng.
Chia sẻ với phóng viên Một Thế Giới về lý do đến tuổi 65 mới có triển lãm đầu tay, họa sĩ Nam Anh cho biết: “Suốt sự nghiệp cầm cọ tôi chỉ tham gia các triển lãm chung của nhóm, của hội, riêng lần này tôi nhận thấy tuổi nghề của mình đủ để nhìn nhận một tác phẩm, bởi bản thân tôi tương đối khó tính trong vấn đề lựa chọn tranh: trước khi đưa ra công chúng thưởng thức thì những tác phẩm đó phải thật chỉn chu”.
Nghiêm túc chuẩn mực với nghề nghiệp, nhưng khi bước ra ngoài ông rất hòa đồng với mọi người, ông thường xuyên tham gia công tác xã hội và luôn có mặt trong các trại sáng tác do Hội Mỹ thuật tổ chức. Từ những chuyến đi thực tế ấy đã hình thành bộ tranh ký họa với hàng ngàn bức vẽ chủ yếu bằng bút kim, màu nước, chì,... ghi lại phong cảnh tươi đẹp của các danh lam, thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử..., cảnh sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân ở khắp các vùng miền hoặc sự phát triển, đổi thay của quê hương, đất nước...
Họa sĩ Nam Anh, tên thật là Nguyễn Văn Năm, sinh năm 1957 tại Đồng Tháp. Năm 1971, khi mới 14 tuổi ông được tuyển vào học Mỹ thuật tại Trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Sài Gòn. Năm 1975, ra trường, ông đi vẽ tự do và tham gia các hoạt động trong ngành Trang trí Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật TP.HCM.
Năm 1989 ông theo học Mỹ thuật tại Bulgaria để nâng cao kiến thức về Hội họa, đến năm 1992 thì về nước.
Trong sự nghiệp sáng tác, họa sĩ Nam Anh cũng giành nhiều giải thưởng ấn tượng như Giải thưởng Philip Morris, Giải thưởng Cathay Pacific (Hồng Kông)...
Ngoài sáng tác tranh, ông còn chế tác các sản phẩm sơn mài như tủ, hộp, bình, mâm, dĩa, tượng, bình phong... rất đa dạng, phong phú để làm quà tặng, đồ trang trí, đồ gia dụng, đề co.... Ông còn nhận phục chế tranh sơn mài bị hư hỏng, xuống cấp...