Baidu tích hợp cả DeepSeek và các mô hình Ernie của riêng mình vào công cụ tìm kiếm, sau khi Tencent bắt đầu thử nghiệm công nghệ của công ty khởi nghiệp này trong tìm kiếm trên Weixin.
Nhịp đập khoa học

Hãng tìm kiếm internet lớn nhất Trung Quốc áp dụng mô hình AI DeepSeek, chạy đua với Tencent

Sơn Vân 18:41 17/02/2025

Baidu tích hợp cả DeepSeek và các mô hình Ernie của riêng mình vào công cụ tìm kiếm, sau khi Tencent bắt đầu thử nghiệm công nghệ của công ty khởi nghiệp này trong tìm kiếm trên Weixin.

Baidu (hãng tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc) đang tích hợp các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) DeepSeek vào công cụ tìm kiếm của mình, ngay sau động thái từ Tencent. Gần đây, Tencent đã áp dụng công nghệ của DeepSeek trong Weixin, nền tảng mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc.

Baidu sẽ kết nối đầy đủ cả DeepSeek và các mô hình ngôn ngữ lớn Ernie với công cụ tìm kiếm để cung cấp “trải nghiệm tìm kiếm đa dạng hơn”, công ty thông báo hôm 17.2.

Mô hình ngôn ngữ lớn là công nghệ nền tảng cho các dịch vụ AI tạo sinh như ChatGPT, Ernie Bot của Baidu và chatbot cùng tên DeepSeek.

Ngoài ra, gã khổng lồ tìm kiếm intenet Trung Quốc cũng sẽ thêm DeepSeek vào nền tảng mô hình ngôn ngữ lớn dành cho nhà phát triển của mình.

Baidu áp dụng DeepSeek sau khi đối thủ Tencent công bố thử nghiệm các mô hình AI này trên siêu ứng dụng Weixin, tên gọi của WeChat tại Trung Quốc đại lục. Một số người dùng đã được cấp quyền truy cập DeepSeek-R1 thông qua thanh tìm kiếm của Weixin cuối tuần qua. Điều này có khả năng mở rộng mức độ tiếp cận của các mô hình AI DeepSeek tới 1,3 tỉ người dùng hoạt động trên Weixin. Hiện tại, tính năng này chỉ được cung cấp cho các tài khoản Weixin tại Trung Quốc đại lục.

Giá cổ phiếu Baidu giảm khoảng 8% trong phiên giao dịch buổi chiều 17.2 tại Hồng Kông, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11.2024. Công ty dự kiến sẽ công bố báo cáo tài chính quý 4/2024 hôm 18.2.

DeepSeek (có trụ sở tại thành phố Hàng Châu) trở thành công ty khởi nghiệp AI đáng chú ý nhất Trung Quốc sau khi phát hành V3 và R1, hai mô hình AI nguồn mở có hiệu suất mạnh mẽ với chi phi đào tạo chỉ bằng một phần nhỏ so với sản phẩm của các đối thủ. Thông tin này khiến Phố Wall chao đảo vào tháng 1, kéo theo sự sụt giảm của cổ phiếu liên quan đến AI.

Một yếu tố quan trọng trong sự thành công bất ngờ của DeepSeek: V3 và R1 đều mã nguồn mở, cho phép bất kỳ ai sử dụng và chỉnh sửa chúng. Điều đó đã thúc đẩy các đối thủ cạnh tranh áp dụng chiến lược mã nguồn mở của riêng mình, gồm cả Baidu, vốn trước đây chủ yếu tập trung vào phát triển mô hình AI mã nguồn đóng.

Hôm 14.2, Baidu thông báo phiên bản tiếp theo của các mô hình ngôn ngữ lớn Ernie sẽ được cung cấp dưới dạng mã nguồn mở từ ngày 30.6. Đây là một bước ngoặt 180 độ so với quan điểm lâu nay của Robin Li Yanhong (nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Baidu), vốn ủng hộ phát triển AI theo hướng mã nguồn đóng.

Trước đó, ngày 13.2, Baidu cho biết dịch vụ Ernie Bot sẽ được dùng miễn phí từ ngày 1.4, giúp nhiều người hơn tiếp cận với các mô hình ngôn ngữ lớn Ernie của công ty. Động thái này sẽ chấm dứt nỗ lực kéo dài 17 tháng nhằm kiếm tiền từ dịch vụ Ernie Bot, vốn đang thu phí người dùng 49,90 nhân dân tệ (6,84 USD) mỗi tháng để truy cập vào các mô hình ngôn ngữ lớn Ernie.

hang-tim-kiem-internet-lon-nhat-trung-quoc-dung-mo-hinh-ai-deepseek-chay-dua-voi-tencent.jpg
Baidu đã tích hợp các mô hình AI DeepSeek vào công cụ tìm kiếm của mình - Ảnh: SCMP

Thời gian qua, các công ty Trung Quốc và chính quyền địa phương đang đổ xô triển khai các sản phẩm DeepSeek trên hệ thống của họ.

Thành phố Quảng Châu và Thâm Quyến, thuộc tỉnh Quảng Đông, hôm 16.2 cho biết đã tích hợp mô hình suy luận DeepSeek-R1 vào các nền tảng dịch vụ công.

Chính quyền thành phố Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, đã áp dụng DeepSeek-R1 cùng các mô hình ngôn ngữ lớn khác cho phần cứng nội địa và sẽ sử dụng chúng để cải thiện các dịch vụ công như diễn giải chính sách và điều phối nhiệm vụ cho đường dây nóng chính quyền.

Quận Long Cảng của thành phố Thâm Quyến đã áp dụng R1 vào ngày 8.2, trở thành chính quyền quận đầu tiên trong nước áp dụng rộng rãi mô hình hiệu suất cao, chi phí thấp của DeepSeek.

Sự thay đổi chiến lược sang nguồn mở của Baidu phản ánh sự cạnh tranh gia tăng trên thị trường AI Trung Quốc, nơi DeepSeek và Alibaba gần đây có những bước tiến lớn trong việc phát triển và tăng cường áp dụng mô hình AI.

Các mô hình Qwen của Alibaba đang đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành hoặc hỗ trợ phát triển những mô hình ngôn ngữ lớn mã nguồn mở mạnh nhất hiện nay, theo đánh giá của Hugging Face – nền tảng nổi tiếng trong lĩnh vực học máy.

Dù chiến lược mã nguồn mở của Baidu có thể giúp thu hút nhiều người dùng hơn và đối phó với sự cạnh tranh ngày càng tăng, nhưng nó cũng đặt thêm gánh nặng tài chính lên công ty trong bối cảnh triển vọng kiếm tiền từ AI vẫn còn chưa chắc chắn, theo Su Lian Jye - nhà phân tích chính tại công ty nghiên cứu Omdia.

Dự đoán nhu cầu về các mô hình AI nền tảng sẽ tiếp tục tăng nhanh trong năm nay, Su Lian Jye cho biết thị trường này sẽ bắt đầu chứng kiến ​​sự hợp nhất và tập trung nhiều hơn vào các mô hình cũng như tác tử AI dành riêng cho ngành.

Tác tử AI là hệ thống hoặc chương trình máy tính được thiết kế để thực hiện các tác vụ tự động bằng cách sử dụng AI. Các tác tử AI có khả năng tương tác với môi trường, thu thập thông tin, xử lý dữ liệu, ra quyết định và thực hiện các hành động dựa trên mục tiêu được đặt ra.

Hơn 20 hãng Trung Quốc tích hợp AI DeepSeek vào ô tô điện thông minh

Nhiều hãng sản xuất ô tô điện Trung Quốc đang đổ xô tích hợp AI DeepSeek vào xe của họ để bổ sung các tính năng kỹ thuật số trong một thị trường đầy cạnh tranh.

Hơn 20 hãng sản xuất ô tô, từ hãng dẫn đầu về xe điện BYD đến công ty khởi nghiệp Leapmotor được Stellantis hậu thuẫn, đã công bố kế hoạch phát triển ô tô được trang bị các tính năng AI của DeepSeek trong hai tuần qua.

"Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự cạnh tranh đang chuyển sang một mặt trận mới, thu hút tài xế và hành khách bằng các chatbot tiên tiến hơn. Những chiếc ô tô không có DeepSeek sẽ mất thị phần hoặc bị loại khỏi thị trường", Phate Zhang, người sáng lập CnEVPost (hãng cung cấp dữ liệu ô tô điện có trụ sở tại Thượng Hải), nhận định.

AI có thể giúp ô tô an toàn hơn và thông minh hơn thông qua các hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến (ADAS), cải thiện hệ thống thông tin giải trí trên ô tô và trải nghiệm lái xe tổng thể.

Tuần trước, BYD cho biết sẽ tích hợp DeepSeek vào kiến trúc xe thông minh Xuanji của mình để nâng cao khả năng AI cho ô tô. BYD có kế hoạch cung cấp các tính năng lái xe tự động tiên tiến trên hầu hết ô tô điện của mình, giúp xe thông minh trở nên phù hợp với túi tiền của khách hàng Trung Quốc đại lục, khi hãng tìm kiếm lợi thế cạnh tranh trong cuộc chiến giá cả đang leo thang.

Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này có kế hoạch trang bị hệ thống ADAS tự phát triển cho ít nhất 21 mẫu xe, gồm cả hatchback Seagull có giá khởi điểm từ 69.800 nhân dân tệ (9.575 USD), hỗ trợ di chuyển trên đường cao tốc và tự đỗ xe.

Các đối thủ của BYD như Geely, Great Wall Motor, Chery Automobile và SAIC Motor cũng công bố kế hoạch sử dụng DeepSeek trong buồng lái kỹ thuật số để thu hút tài xế Trung Quốc đại lục.

"Mô hình nguồn mở của DeepSeek đã thu hút các nhà phát triển toàn cầu tham gia vào quá trình tối ưu hóa và kiểm tra bảo mật thông qua nhiều nền tảng như GitHub, tạo thành một hệ sinh thái đổi mới hợp tác sôi động. Với người dùng cuối, mong muốn và khả năng triển khai, đào tạo và sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn của họ cũng sẽ được cải thiện đáng kể", hãng nghiên cứu IDC cho biết trong một báo cáo.

"DeepSeek đã trở thành niềm tự hào mới của quốc gia và sẽ giúp các nhà sản xuất ô tô trong nước thúc đẩy doanh số bán hàng. Việc vội vã đưa DeepSeek vào các loại ô tô điện mới cũng cho thấy sự cạnh tranh trên thị trường này đã trở nên khốc liệt hơn", Zhao Zhen, Giám đốc bán hàng tại đại lý ô tô Wan Zhuo Auto ở Thượng Hải, cho hay.

Bài liên quan
DeepSeek tạo lợi thế cạnh tranh cho các hãng chip AI Trung Quốc nhưng GPU Nvidia vẫn tốt hơn ở tác vụ suy luận
Sự trỗi dậy của DeepSeek đang mang lại cơ hội tốt hơn cho một số nhà sản xuất chip AI Trung Quốc để cạnh tranh trên thị trường nội địa với các bộ xử lý mạnh mẽ hơn từ Mỹ, cụ thể là Nvidia.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Nghiên cứu khoa học cần có chính sách đột phá
1 giờ trước Theo dòng thời sự
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho rằng việc triển khai những hướng đi mới trong nghiên cứu khoa học cần có một chính sách mang tính đột phá, vì hoạt động của các nhà khoa học Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hãng tìm kiếm internet lớn nhất Trung Quốc áp dụng mô hình AI DeepSeek, chạy đua với Tencent