Liên tục trong tuần qua, nhiều trẻ bị bỏng nặng phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, trong đó có không ít trẻ phải tử vong. Phần lớn các trường hợp trên đều do sự bất cẩn của người lớn. Đây thực sự là một điều rất đau lòng, thương tâm.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) trong những ngày qua liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ bị bỏng do tai nạn sinh hoạt, có nhiều trường hợp rất nguy kịch phải tử vong.
Bé gái H.T.H.Y. (10 tuổi, quê Quảng Trị) đang ở trong bếp thì người cha bật quẹt lửa châm thuốc hút, bất ngờ ngọn lửa bùng lên trùm kín căn phòng khiến bé bị bỏng đến 80% cơ thể. Bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu; còn người cha thì đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.
Nguyên nhân được xác định là do bình gas để trong bếp không khóa sau khi sử dụng khiến gas rò rỉ ra bên ngoài nên gặp lửa đã bùng lên gây ra thảm họa trên.
Đau lòng hơn là trường hợp của một bé mới 28 tháng tuổi ngụ ở Cà Mau bị bỏng đến 95% cơ thể khiến bé phải tử vong. Theo người nhà của bé này thì vào ngày 15.1 vừa qua, bé cùng với một số trẻ ở gần nhà gom rác đốt lửa. Không ngờ trong đống rác được gom có lẫn 1 chai xăng đựng trong vỏ chai nước giải khát. Khi cháu đang đứng gần đống lửa thì bất ngờ chai xăng phát nổ, ngọn lửa trùm kín cơ thể nạn nhân.
Bác sĩ Diệp Quế Trinh - Phó khoa Bỏng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết khi cháu bé này chuyển đến bệnh viện thì cả cơ thể bệnh nhi gần như đã bị lửa thiêu cháy, những lớp da bị bỏng khô cứng lại, khi vào viện, cháu chỉ còn thoi thóp.
“Chúng tôi chẳng thể làm gì hơn bởi tình trạng của cháu quá nặng, cháu còn cố gắng đến được bệnh viện đã là điều hiếm thấy”, bác sĩ Trinh bùi ngùi nói.
Theo bác sĩ Trinh, chỉ trong vòng 1 tuần qua khoa này đã tiếp nhận 5 trẻ bị bỏng do tai nạn sinh hoạt. Phần lớn các trường hợp bị bỏng trên là do sơ suất của người lớn, đẩy trẻ vào tại họa và để lại những hậu quả nặng nề, thương tâm.
“Nguyên nhân khiến các bé bị bỏng đều xuất phát từ tai nạn sinh hoạt thường ngày. Điều đáng nói, những tai nạn xảy ra là do sự sơ ý của người lớn. Hầu hết trẻ bị nạn đều ở độ tuổi còn rất nhỏ (dưới 6 tuổi) nên chưa ý thức được nguy hiểm trước những tình huống tai nạn”, bác sĩ Trinh chia sẻ.
Bên cạnh những trường hợp bỏng lửa, bác sĩ Trinh cho biết có nhiều trẻ đang điều trị tại khoa còn bị bỏng bếp than, bỏng nước sôi... xuất phát từ sự bất cẩn của người lớn.
“Hiện chúng tôi đang điều trị cho 1 bệnh nhi mới 15 tháng tuổi bị bỏng nặng 2 chân. Nguyên nhân của tai nạn được xác định là do người nhà sử dụng bình đun siêu tốc nấu nước, nhưng dây điện để lòng thòng dưới đất. Thấy sợi dây điện, bé cầm chơi rồi kéo mạnh khiến cả bình nước mới sôi rơi xuống, bật nắp tràn vào 2 chân bệnh nhi”, bác sĩ Trinh cho biết.
Bỏng là tai nạn đặc biệt nguy hiểm có thể cướp đi sinh mạng của trẻ, những bệnh nhân may mắn qua nguy kịch cũng để lại những di chứng sẹo lồi, sẹo co rút ảnh hưởng xấu đến chức năng vận động, gây mất thẩm mỹ, tác động tiêu cực đến chất lượng sống của nạn nhân. Ngoài những đau đớn bệnh nhân phải gánh chịu, việc điều trị bỏng cũng rất tốn kém, gây thêmgánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bác sĩ Trinh cho biết thời điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần, tai nạn ở trẻ,đặc biệt là tai nạn bỏng tăng rất cao. Không ít trẻ bị té vào bếp lửa nấu bánh chưng, té vào nồi nước luộc bánh, nồi nước luộc gà… Vì đây cũng là thời điểm nhiều gia đình tất bật nấu bánh chưng, bánh tét, luột gà... để cúng gia tiên nên rất bận bịu không có thời gian trông trẻ. Điều này đã vô tình tạo đẩy trẻvào những bẫy lửa, bẫy nước sôi trên.
“Để tránh những tai nạn thương tâm trên, các bậc phụ huynh cần chú ý bảo đảm các nguyên tắc an toàn trong sinh hoạt thường ngày. Thời điểm trẻ nghỉ học trong dịp Tết, phụ huynh cần phải thường xuyên để mắt đến trẻ, cắt cử người chăm sóc các bé; không để nước sôi, bình đun nước trong tầm với của trẻ; sau khi nấu bánh, luộc gà… cần dùng nước dập tắt bếp than, xử lý ngay nồi nước nóng trước khi chuyển sang công việc khác”, bác sĩ Trinh khuyến cáo.
Hồ Quang