Công an TP.HCM cho biết đã bắt 33 người là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên các trung tâm đăng kiểm về hàng loạt hành vi như Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ và Giả mạo trong công tác.
Đầu giờ chiều 20.12, Công an TP.HCM đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin báo chí liên quan đến vụ việc công an khởi tố vụ án tại nhiều Trung tâm Đăng kiểm, bắt giữ hàng chục bị can tại 9 Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới.
Trước đó, CSGT Công an TP.HCM trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, xe chở hàng quá tải... đã phát hiện nhiều phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật (xe tải, xe ben cơi nới thành, thùng; mâm không đúng kích thước; lốp mòn; biển số mờ, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải...) nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Vào cuộc điều tra, Công an TP.HCM phối hợp Cục nghiệp vụ Bộ Công an phát hiện các dấu hiệu sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy đăng kiểm. Khi xác định rõ vai trò, phương thức thủ đoạn của các nghi can, Công an TP lên kế hoạch phá án, lần lượt bắt giữ những người liên quan.
Nhà chức trách cũng khám xét khẩn cấp tổng cộng 9 trung tâm đăng kiểm, thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng.
Trong đó 5 trung tâm tư nhân do Trần Lập Nghĩa làm Giám đốc, gồm: 62-03D tại tỉnh Long An; 71-02D tại Bến Tre; 83-02D tại Sóc Trăng; 66-02D tại Đồng Tháp; 63-02D ở Tiền Giang.
Tại TP.HCM có Trung tâm Đăng kiểm 50-15D (TP Thủ Đức) do Nguyễn Trọng Vĩnh làm Giám đốc; 50-07V (thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, quận Bình Tân) do Ngô Ngọc Sơn làm Giám đốc; 50-10D (huyện Củ Chi) do Nguyễn Thanh Tâm là Giám đốc, 50-17D (huyện Nhà Bè) do Hồ Hữu Tài làm Giám đốc.
Theo Công an TP.HCM, các giám đốc của các Trung tâm Đăng kiểm này đã chỉ đạo các phó giám đốc và nhân viên cố ý bỏ qua các lỗi vi phạm đối với trường hợp người dân đưa phương tiện xe cơ giới đường bộ đến đăng kiểm.
Theo đó, Công an xác định có khoảng 70.000 phương tiện được bỏ qua các lỗi vi phạm, thu lợi bất chính hơn 10 tỉ đồng.