Chính phủ Hàn Quốc đã lên kế hoạch chia sẻ tin tình báo với Nhật Bản bằng cách tuyên bố bình thường hóa Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA).

Hàn Quốc sẽ bình thường hóa việc chia sẻ tin tình báo với Nhật Bản

Bảo Vĩnh | 10/03/2023, 18:37

Chính phủ Hàn Quốc đã lên kế hoạch chia sẻ tin tình báo với Nhật Bản bằng cách tuyên bố bình thường hóa Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA).

yoon-kishida-newsis.jpg
Hai nhà lãnh đạo Hàn - Nhật gặp mặt tại Campuchia - Ảnh: Newsis

Trước đây vào tháng 8.2019, chính phủ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đơn phương hủy GSOMIA sau khi Nhật  hạn chế xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc. Nhật còn xóa Hàn Quốc khỏi danh sách các nước được đối xử ưu ái về thương mại.

Quyết định trừng phạt của Tokyo nhằm trả đũa việc Tòa án Tối cao Hàn Quốc năm 2018 ra phán quyết buộc hai công ty Nhật là Nippon Steel và Mitsubishi Heavy Industries phải bồi thường cho hàng trăm ngàn người Triều Tiên bị bắt lao động cưỡng bức tại các công ty Nhật, hoặc phải làm nô lệ tình dục tại các nhà thổ dành cho quân đội Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945. Nhiều người trong số nạn nhân nay đã qua đời hoặc đã ở tuổi 90.

Lúc đó, chính phủ và hai công ty Nhật không chấp nhận phán quyết các công ty Nhật phải bồi thường của Tòa án Tối cao Hàn Quốc, và giải thích tất cả vấn đề bồi thường đã được giải quyết bằng một hiệp định ký năm 1965 nhằm bình thường hóa quan hệ song phương, và đi kèm là việc Nhật cho Hàn Quốc vay hàng trăm triệu USD và hỗ trợ kinh tế.

Sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phản đối quyết định của Seoul, Hàn Quốc tạm hoãn thực hiện quyết định, vẫn ở tư thế sẵn sàng hủy GSOMIA vào bất kỳ lúc nào, dù việc chia sẻ tin tình báo vẫn diễn ra.

Nhưng bây giờ, chính phủ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã quyết định nối lại hiệp định ký năm 2016 này, nhằm thể hiện nỗ lực củng cố hợp tác an ninh với Nhật Bản, vào lúc CHDCND Triều Tiên đạt tiến bộ lớn về phát triển tên lửa và hạt nhân. Chuyến thăm Tokyo hai ngày của Tổng thống Yoon sẽ diễn ra 4 tháng sau cuộc gặp Thủ tướng Kishida bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Campuchia. Hai nhà lãnh đạo cũng đã có cuộc đối thoại bên lề khi dự kỳ họp hàng năm của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hồi tháng 9.2022.

Dự kiến tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Tokyo trong hai ngày 16 và 17.3 tới, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Yoon sẽ xác nhận tầm quan trọng của GSOMIA, theo các nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc của báo Nhật Yomiuri Shimbun.

Chương trình nghị sự của cuộc gặp thượng đỉnh này chưa được công bố, nhưng dự kiến hai nhà lãnh đạo Nhật - Hàn sẽ trao đổi các cách phục hồi quan hệ kinh tế, thương mại, quốc phòng và “quay đồng hồ” trở về giai đoạn trước năm 2019.

Chính phủ Hàn Quốc lúc đó phản ứng lại, bằng cách kiện các lệnh trừng phạt của Nhật lên Tổ chức Thương mại Thế giới. Nhưng hồi tuần trước, Seoul quyết định tạm gác vụ kiện do có những dấu hiệu quan hệ song phương được cải thiện.

Thời điểm tuyên bố bình thường hóa thỏa thuận này sẽ tùy thuộc tiến độ đàm phán về việc dở bỏ những hạn chế xuất khẩu hàng hóa Nhật Bản qua Hàn Quốc, sau khi Tổng thống Yoon ngày 6.3 tuyên bố kế hoạch sử dụng công quỹ Hàn Quốc để bồi thường cho những người Hàn Quốc từng bị lao động cưỡng bức. Kế hoạch này không đòi hai công ty Nippon Steel và Mitsubishi Heavy Industries đóng góp vào quỹ bồi thường.

Quyết định bồi thường cho các nạn nhân của chính phủ Hàn Quốc đã được phía Nhật hoan nghênh, nói động thái này sẽ giúp phục hồi quan hệ lành mạnh giữa hai nước.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Yoon nói cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới sẽ là một “cột mốc quan trọng” của việc phát triển quan hệ Hàn - Nhật, và hy vọng hai nước sẽ “vượt qua một quá khứ đáng tiếc” và mở rộng hợp tác về an ninh, kinh tế cùng các lĩnh vực khác.

Ngày 7.3, Tổng thống Hàn Quốc nói kế hoạch bồi thường mang tầm quan trọng để xây dựng quan hệ hướng tới tương lai với Nhật.

Ông Yoon nói mối quan hệ này sẽ bảo đảm tự do, thịnh vượng và hòa bình không chỉ cho hai quốc gia mà còn cho toàn thế giới. Ông còn nói Nhật đã trở thành một đối tác hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế và các vấn đề của thế giới.

Thủ tướng Kishida phát biểu với giới truyền thông: “Tôi hy vọng sẽ chuyển chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc thành một cơ hội hướng tới sự củng cố quan hệ giữa hai quốc gia”.

Chánh Văn phòng chính phủ Nhật Bản Hirokazu Matsuno giải thích việc mời Tổng thống Hàn Quốc thăm Tokyo là kết quả của những cuộc liên lạc chặt chẽ giữa hai nước, kể từ khi ông Yoon nhậm chức Tổng thống hồi tháng 5.2022.

“Hàn Quốc là một quốc gia láng giềng quan trọng mà Nhật Bản nên hợp tác về nhiều lĩnh vực”, ông Matsuno nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hoan nghênh kế hoạch bồi thường của chính phủ Hàn Quốc là “một chương mới gây chấn động” trong quan hệ hợp tác ba bên giữa Mỹ với Hàn Quốc và Nhật, hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ.

Bài liên quan
Liên minh chip Mỹ, Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc lần đầu tổ chức họp các quan chức cấp cao
Liên minh bán dẫn Fab 4 gồm Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc (do Mỹ dẫn đầu) đã tổ chức cuộc họp video đầu tiên của các quan chức cấp cao tập trung vào khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàn Quốc sẽ bình thường hóa việc chia sẻ tin tình báo với Nhật Bản